VNTB – Mời gọi hợp tác công – tư 86 dự án trường học ở TP.HCM

VNTB – Mời gọi hợp tác công – tư 86 dự án trường học ở TP.HCM

Mai Lan

 

(VNTB) – Trước mắt sẽ có hai doanh nghiệp tư nhân hưởng ứng lời mời gọi của TP.HCM về dự án đầu tư trường học.

 

Ông Bùi Thanh Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Giáo dục sớm Sài Gòn, nói muốn đầu tư phổ thông liên cấp nhưng không nắm được thông tin ở khu vực nào có quỹ đất và nhu cầu xây thêm trường. “Tôi muốn biết thành phố có những chính sách nào liên quan đến vốn vay ưu đãi cho các dự án giáo dục để các đơn vị tư nhân đầu tư, góp phần vào xã hội hóa giáo dục”, ông Sơn nói.

Tương tự, ông Nguyễn Bá Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Việt Mỹ – chủ của 4 cơ sở giáo dục mầm non và một trường tiểu học ở huyện Bình Chánh, cho biết lâu nay rất khó khăn khi tìm quỹ đất mở rộng trường. Đa phần đất dành cho giáo dục đã được xây trường công lập, số còn lại ở xa, vùng ít dân cư.

Ngoài ra, giá đền bù giải phóng mặt bằng tương đối cao, phát sinh chi phí lớn sẽ dẫn đến học phí cao. Ông mong thành phố có chính sách hỗ trợ về giải phóng mặt bằng xây dựng trường học hoặc hỗ trợ lãi suất vay vốn cho mục đích giáo dục.

Hồi đáp nguyện vọng trên, theo ông Lê Hoài Nam – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết UBND TP.HCM đã có chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tham mưu đề án xây dựng trường học, trong đó sẽ có trường học xây dựng bằng vốn nhà nước, và trường học xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hoá, vốn kêu gọi đầu tư.

Hội đồng nhân dân TP.HCM cũng sắp ra nghị quyết kêu gọi đối tác công – tư. Trong đó Nhà nước bỏ đất ra, kêu gọi tư nhân đầu tư vào đó, theo nhiều hình thức có thể là đầu tư vào xây dựng vận hành một thời gian trả lại cho Nhà nước hoặc có thể vận hành luôn theo luật đầu tư đối tác công – tư.

“Về vốn ưu đãi, trong nghị quyết dự kiến sẽ kêu gọi đối tác công – tư của hội đồng nhân dân TP.HCM thì có vay vốn kích cầu đầu tư. Nhà nước sẽ cho các doanh nghiệp vay vốn, và hỗ trợ lãi vay. Doanh nghiệp chỉ phải trả gốc, trong vòng 7 năm. Đây là thuận lợi cho các doanh nghiệp để xây dựng trường lớp”- ông Nam cho biết thêm.

Điều kiện để đơn vị nhận chính sách hỗ trợ là tỷ lệ vốn vay không quá 70% vốn đầu tư cơ bản, đồng nghĩa nhà đầu tư có 30% vốn đối ứng. Ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi vay, trừ khoản chi phí giải phóng mặt bằng.

Theo một tính toán của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, đến năm 2025, ước tính số phòng học cần bổ sung ở TP.HCM là 8.889. Trong đó, tiểu học cần nhiều nhất là 4.798 phòng, trung học cơ sở 2.330, mầm non 1.011 và trung học phổ thông 750.

Lâu nay, Thông tư 13 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định diện tích tối thiểu 8-12 m2 trên một học sinh tùy theo cấp học. “Các định mức khá cao, trong khi TP.HCM có dân số đông, quỹ đất hạn hẹp, đặc biệt là khu vực nội thành”, phía Sở Giáo dục và Đào tạo nhận xét. Do vậy nếu được điều chỉnh định mức sẽ giúp ngành giáo dục thực hiện mục tiêu tăng phòng học, phòng chức năng.

Tuy nhiên khi tư nhân đầu tư vào giáo dục các cấp phổ thông, thì yếu tố lợi nhuận sẽ khiến học phí vượt quá khả năng của hầu hết gia đình người lao động. Điều này dễ nhận ra từ các trường tư thục hiện nay không dễ tuyển sinh để lấp đầy sỉ số như dự tính.

Ghi nhận ở hiện tại, trong gần 10 trường tư thục thông báo tuyển sinh, học phí dao động 65-550 triệu đồng, phổ biến quanh mức 100 triệu đồng mỗi năm. Trong số này, phần lớn là trường liên cấp, có trường đủ cả 4 cấp từ mầm non đến hết trung học phổ thông, có trường từ cấp tiểu học hoặc trung học cơ sở trở lên.

Các trường có thể chỉ cung cấp một chương trình duy nhất, hoặc đưa ra nhiều chương trình, tùy mức độ tích hợp giữa nội dung giảng dạy của Việt Nam với quốc tế (chương trình tăng cường tiếng Anh, Toán, chương trình tích hợp Cambridge toàn phần). Vì thế, học phí với mỗi chương trình, cấp học sẽ khác nhau.

Cao nhất là học phí lớp 12 chương trình tích hợp quốc tế toàn phần Cambridge của trường Quốc tế Việt Úc với 547 triệu đồng một năm. Tốt nghiệp chương trình này, học sinh có thể nhận bằng tốt nghiệp trung học phổ thông của Việt Nam và bằng tú tài A-level của Vương quốc Anh.

Kế đến là học phí chương trình IGCSE và A level của trường Song ngữ quốc tế Canada (BCIS), từ 489 triệu đồng (lớp 9) đến 530 triệu đồng (lớp 12) một năm. Học sinh tốt nghiệp cũng được nhận chứng chỉ trung học quốc tế IGCSE (lớp 10) và bằng tú tài A-level.

Học sinh trường nhà giàu và học trò trường nhà nghèo sẽ ngày càng mở rộng khoảng cách là điều rất rõ về quyền bình đẳng trong giáo dục ở Việt Nam.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)