Việt Nam Thời Báo

VNTB – Mua lại trái phiếu trước hạn

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Dường như để tránh mối nguy hình sự hóa các giao dịch dân sự, nhiều chủ doanh nghiệp đã quyết định xuất chi mua lại trước hạn những trái phiếu của chính doanh nghiệp mình.

 

Đơn cử, Tập đoàn Gelex vừa thông báo đã mua lại trước hạn toàn bộ 300 trái phiếu mã GEXH 2124001 với tổng giá trị 300 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu có lãi suất cố định 8,5%/năm và theo kế hoạch sẽ đáo hạn đến ngày 19-5-2024.

Ngân hàng Phương Đông cũng mua trước hạn toàn bộ một lô trái phiếu 200 tỷ đồng; Chứng khoán Kỹ Thương thương lượng thành công để thanh toán trước gói trái phiếu 155 tỷ đồng…

Một chuyên gia tài chính quan sát: “Gần đây, có nhiều nhà đầu tư gặp gỡ một số công ty chứng khoán đặt vấn đề nhà phát hành mua lại trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Song, hoạt động mua lại hoàn toàn phải căn cứ theo thời hạn đáo hạn trên hợp đồng, ngoại trừ trái chủ và nhà phát hành có thỏa thuận khác”.

Vị chuyên gia này cho rằng, mặc dù quy mô mua lại không lớn so với tổng quy mô phát hành nhưng trong bối cảnh cơ quan quản lý thanh lọc thị trường thì đây là hiện tượng đáng lưu ý. Trong các năm 2022 và 2023, khối lượng đáo hạn trái phiếu rất lớn. Do đó, việc mua lại trước hạn cũng có mặt tích cực là doanh nghiệp không phải trả chi phí lãi vay cao hơn lãi vay ngân hàng và giảm hệ số nợ/ vốn chủ sở hữu. Đây là động thái tích cực để doanh nghiệp hoàn thiện bức tranh tài chính của mình.

Theo thống kê của FiinRatings, trong tương quan trên thị trường vốn, quy mô huy động vốn qua kênh trái phiếu của doanh nghiệp Việt Nam năm 2021 ở mức khoảng 715 ngàn tỷ đồng. Con số này cao hơn ước tính giá trị tín dụng trung và dài hạn cho vay mới của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

Trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng thể hiện rõ vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn trong nền kinh tế, trong đó, chủ đạo là phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tuy nhiên, đi liền với đó, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp lách luật khi phát hành trái phiếu riêng lẻ và cơ quan quản lý đã kịp thời thanh lọc trong thời gian gần đây.

Theo con số được Bộ Tài chính công bố thì nếu như cả quý 1-2022, khối lượng mua lại trước hạn là 12.800 tỉ đồng thì tính đến cuối tháng 4 rồi, tổng khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 24.700 tỉ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, khối lượng trái phiếu được mua lại trong tháng 4 là 11.900 tỉ đồng, tương đương khối lượng mua lại trong cả quý 1-2022.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, một số doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu chủ động thực hiện công bố thông tin bất thường hoặc đính chính thông tin đã công bố về mục đích và phương án sử dụng vốn trái phiếu gửi cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Đồng thời, sau chỉ thị siết lại vấn đề này của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp phát hành và tổ chức tư vấn đã thực hiện rà soát lại điều kiện và hồ sơ phát hành trước khi triển khai chào bán mới. Theo đó, khối lượng phát hành trong 2 tuần đầu tháng 5 tiếp tục giảm, đạt 5.200 tỉ đồng, chỉ tương đương 1/3 khối lượng phát hành cùng kỳ năm 2021…

Theo quan sát, doanh nghiệp huy động hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng cho một dự án có khi cả vài năm, tiền thu về phải làm việc gì đấy chứ. Không ai phát hành xong tiền lại để trong két chờ giải ngân.

“Vậy, tôi gửi ngân hàng thì cũng sai mục đích, đó là sai nhẹ. Thế còn doanh nghiệp tranh thủ dùng tiền đó để trả nợ hay đầu tư vào cái dự án bên cạnh thì sao? Đó chính là lý do cần kiểm tra, giám sát và cảnh báo sớm, xử phạt tùy theo mức độ trước khi xử lý hình sự cho vấn đề dân sự.

Doanh nghiệp sai phạm lớn, có nguy cơ mất vốn lớn thì xử lý mạnh tay. Còn nếu sai nhỏ thì cũng nên thấy rằng nguyên tắc kinh tế thị trường nó phải thế” – luật sư Tr.Th., phản biện.


Tin bài liên quan:

VNTB – Vụ án Dương Thị Bạch Diệp: phiên bản Tăng Minh Phụng 2021

Phan Thanh Hung

VNTB – An ninh mạng chỉ chăm chăm quản lý “nói ngược với ý Nhà nước”?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Nghề ve chai ở Mỹ có gì khác so với “móc bọc” ở Việt Nam?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.