Hoài Nguyễn – Cát Tường
(VNTB) – Ngày 22 tháng 8 mỗi năm là “Ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của các hành vi bạo lực trên căn bản tôn giáo hay niềm tin”.
Theo nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, tháng 5 năm 2019, ngày 22 tháng 8 mỗi năm là “Ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của các hành vi bạo lực trên căn bản tôn giáo hay niềm tin” (International Day for Victims of Violence Based on Religion, Other Beliefs). Đại diện của mọi quốc gia hiện diện, trong đó có Việt Nam, đều đồng thuận thông qua nghị quyết này.
Tịnh thất Bồng Lai là một “bạo lực tôn giáo”
Một số tờ báo thuộc hệ thống báo chí nhà nước khi tường thuật về vụ án được gọi dân dã là “tịnh thất Bồng Lai/ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ”, đã đưa cảm xúc vào văn báo chí, qua đó đưa đến hành vi có thể gọi là “bạo lực trên căn bản tôn giáo hay niềm tin”.
Đơn cử, báo Công an TP.HCM rút tít tựa mang tính định kiến ngay từ đầu của bài báo: “Xét xử vụ án ‘tịnh thất bồng lai’: Những lời khai “dị hợm” của các bị cáo tại tòa” (1). Đoạn tóm tắt mở đầu của bài báo tường thuật phiên hình sự sơ thẩm đã “định hướng” các bị cáo là “dứt khoát có tội” (trích): “Như bị cáo 90 tuổi Lê Tùng Vân cho rằng mình đang chờ có vợ, tự xưng là “nhân tài, tấm gương tốt”. Rồi về nhân thân, các bị cáo phủ nhận người mẹ như cáo trạng đã nêu(!?). Chưa hết, có bị cáo còn bảo mình thích thì cạo trọc đầu, thích thì mặc áo như “thầy chùa”…”.
Một đoạn khác: “Còn các bị cáo khác thì cho rằng “thích thì cạo trọc đầu”, “không cha, không mẹ” và “thích thì mặc áo nâu, áo vàng” như “sư thầy” và cả 6 bị cáo đều không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Cả 6 bị cáo tại phần nói lời sau cùng trước khi hội đồng xét xử nghị án, đều cho rằng bị oan. Chưa hết, các bị cáo còn lộng ngôn rằng: “Sư phụ tôi (bị cáo Lê Tùng Vân) để lại cho đời bộ sách siêu phàm, siêu quần, bách chúng. Bộ sách 4 quyển đó đó đem về cho Việt Nam đạt nhiều giải Nobel”, rồi nào là “sư phụ tôi là bậc thầy của vĩ nhân Việt Nam và toàn thế giới”, là “nhân tài”… (dừng trích)
Những phát biểu như tường thuật ở trên, căn cứ vào pháp luật hiện hành thì đó là quyền hiến định của công dân, ngay cả phiên hình sự phúc thẩm, các phát biểu đó cũng không vi phạm pháp luật. Điều này cho thấy cách tường thuật của báo Công an TP.HCM về vụ án này là một cố tình của sử dụng “hành vi bạo lực trên căn bản tôn giáo hay niềm tin”.
Tương tự việc “định hướng” trên còn bắt gặp ở bài báo “Vụ án Tịnh thất Bồng Lai: “Mạo danh Phật pháp để trục lợi là không thể chấp nhận”, Đài Tiếng nói Việt Nam (2); “Tịnh thất Bồng Lai mạo danh tu hành, lợi dụng “trẻ mồ côi” để trục lợi như thế nào?”, Đài Truyền hình Việt Nam (3);…
Truyền thông công quyền tấn công “niềm tin tôn giáo”
“Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên – Tổ chức phản động cần loại bỏ” là tựa của một bài viết rất dài đăng trên cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Đắk Lắk (4). Bài báo này đã thay tòa án đưa ra kết luận “hoạt động tôn giáo đề chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật, đồng thời tích cực tố giác, phối hợp với chính quyền và lực lượng công an các cấp ngăn chặn, góp phần loại bỏ cái gọi là “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” ra khỏi cộng đồng”.
“Niềm tin tôn giáo” được hiến định đã bị đe dọa công khai bằng trấn áp bạo lực trong bài báo kể trên (trích): “Từ những âm mưu, ý đồ hoạt động và những chứng cứ thu được đã thể hiện “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” (gọi tắt là CHPC) chính là một tổ chức phản động đội lốt tôn giáo để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, do đó, mọi hoạt động liên quan đến tổ chức này đều là hành vi vi phạm pháp luật. Mặc dù sau khi bị phát hiện, các đối tượng tham gia CHPC trên địa bàn Đắk Lắk đều đã thừa nhận, cam kết từ bỏ, tuy nhiên, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm của từng người mà cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định của pháp luật”.
Báo Công an nhân dân cũng công khai tấn công “niềm tin tôn giáo” với chiêu bài chụp mũ chính trị tương tự như ở bài “Lật tẩy bộ mặt của tổ chức phản động “Tin lành đấng Christ” (5).
Bài báo có đoạn cho thấy thay vì nhìn qua lăng kính của quan hệ pháp luật dân sự, thì đây lại là “chính trị hóa” với yếm thế là nhìn đâu cũng thấy dường như có phe nhóm đang muốn cạnh tranh quyền lực chính trị, đe dọa sự độc quyền của đảng cộng sản (trích):
“Thông qua các ứng dụng trên mạng xã hội, A Ga đã kết nối với các đối tượng bên trong để tuyên truyền, củng cố niềm tin, lôi kéo mọi người tham gia CHPC (Tổ chức Tin lành đấng Christ Tây Nguyên), mở rộng tín đồ, tập hợp lực lượng, từng bước công khai hóa hoạt động.
Bên cạnh đó, A Ga và các đối tượng phản động lưu vong khác tích cực móc nối, lôi kéo, hướng dẫn các tín đồ theo đạo tin lành thuần túy trong nước tham gia các buổi tập huấn trực tuyến về nhân quyền mà thực chất chính là các buổi đào tạo cách thức viết “báo cáo vi phạm” về nhân quyền, tự do tôn giáo; đào tạo kỹ năng hoạt động “xã hội dân sự”; hướng dẫn phương pháp thu thập, cung cấp các thông tin sai lệch về tình hình trong nước để xuyên tạc, vu cáo trên mạng xã hội và các diễn đàn quốc tế; hướng dẫn cách thức đối phó với cơ quan Công an khi bị phát hiện.
Với thủ đoạn này, từ tháng 9-2020 đến nay, CHPC đã phát triển được 82 trường hợp tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Phú Yên. Tuy nhiên, qua thu giữ tài liệu của chúng cho thấy: chúng khuếch trương thanh thế là đã gây dựng được 27 điểm nhóm với gần 700 “Tín đồ” ở Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Phú Yên và Trà Vinh” (dừng trích).
Nghị quyết Liên Hiệp Quốc
Ngày 28-5-2019 vừa qua, Đại hội đồng Liên hiệp quốc bỏ phiếu đồng thuận thông qua Nghị quyết ấn định ngày 22 tháng 8 hàng năm sẽ là “Ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của các hành vi bạo lực trên căn bản tôn giáo hay niềm tin”.
Nghị quyết này nhấn mạnh sự kiện hàng triệu người trên thế giới đang trở thành nạn nhân của tình trạng kỳ thị, đàn áp tôn giáo, và tình trạng này đang gia tăng một cách đáng ngại ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc.
Nghị quyết này được sự đồng bảo trợ của nhiều nước gồm Brazil, Canada, Egypt, Iraq, Jordan, Nigeria, Pakistan, Poland, và Hoa kỳ. Hai ngày sau đó, 30-5-2019, Ủy ban Hoa kỳ về tự do tôn giáo quốc tế – The United States Commission on International Religious Freedom (USCIRF) cũng đã ra bản tuyên bố hoan nghênh nghị quyết của Liên hiệp quốc, tuy nhiên Chủ tịch Uỷ ban Tenzin Dorjee cho rằng nghị quyết này vẫn chưa đủ để ngăn chặn vi phạm quyền tự do tôn giáo tại nhiều nước.
Ông nói: “Nhưng chúng ta không được dừng lại ở mức lên án mà thôi. Các chính phủ có cùng chí hướng cũng phải hợp tác chặt chẽ hơn để buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm về những gì họ đã gây ra, dù họ có thuộc các nhà nước hay không”.
Việt Nam là một ví dụ cho thấy quả là nghị quyết này vẫn chưa đủ để ngăn chặn vi phạm quyền tự do tôn giáo – niềm tin tín ngưỡng, đặc biệt là ở quốc gia theo thể chế chính trị độc đảng toàn trị.
_____________
Chú thích:
(1) https://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/nhung-loi-khai-di-hom-cua-cac-bi-cao-tai-toa_134365.html
(4) https://congan.daklak.gov.vn/-/hoi-thanh-tin-lanh-ang-christ-tay-nguyen-to-chuc-phan-ong-can-loai-bo