Thới Bình
(VNTB) – Cần thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà và kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong đầu tư công.
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh tại hội nghị giao ban xây dựng cơ bản TP quý 1-2023. Ở thông báo này có đoạn “yêu cầu xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân tại các cơ quan, đơn vị cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công”.
Câu hỏi đặt ra và cần phải có câu trả lời, đó là tại sao những vấn đề thuộc về hiểu biết, kỹ năng, chuyên môn – làm để ăn lương; thuộc về quy định, điều kiện làm việc – tuân thủ kỷ luật nơi làm việc; thuộc về đạo đức, trách nhiệm – đã là cán bộ, công chức thì việc làm tròn chức trách, làm hết sức mình với kỹ năng chuyên môn, yêu cầu tác vụ là điều đương nhiên; thì ở thể chế chính trị của Việt Nam lại luôn phải viện đến, phải dựa vào từ nghị quyết này đến chỉ thị nọ?
“Ngay cả việc đã thường xuyên xem xét đặt trách nhiệm “người đứng đầu” – không chỉ là đứng đầu đơn vị, tổ chức mà len lỏi vào các bộ phận chuyên môn – thì vẫn không kích hoạt được trách nhiệm, năng lực thực thi của (một bộ phận) bộ máy cán bộ, công chức để dẫn tới những ách tắc, suy giảm nói chung, vậy điều này cũng cần xem lại năng lực (chuyên môn), kỹ năng (quản lý) của người đứng đầu bộ phận?
Và cả những cấp “đứng đầu” – xét về năng lực quản trị, điều hành rộng hơn, cao hơn” – một cựu tổng biên tập, tức cũng từng là ‘đảng viên quan chức’ ý kiến.
Cũng theo vị cựu tổng biên tập vốn ‘đi lên’ từ phóng viên kịch trường này, thì hãy nhìn từ lãnh đạo chính quyền đô thị đang đóng góp ngân sách nhiều nhất quốc gia, ngoài Chủ tịch UBND thành phố, thì các phó – với vai trò phụ trách lĩnh vực, hiện với TP.HCM, mỗi vị phó chủ tịch đã thật sự là một “tư lệnh ngành” – lĩnh vực mà mình phụ trách chưa?
Những đảng viên chức sắc này được đào tạo, kinh qua và đi lên từ các lãnh địa chuyên môn, có sự am tường, kinh nghiệm và bản lĩnh để tham mưu, chỉ đạo, giúp sức cho vị trí chủ tịch ra sao? Cũng như trước và sau đó, họ đã có những cách thức tiếp cận, kiểm tra, chỉ đạo cụ thể, nêu được giải pháp hữu hiệu cho các ban giám đốc sở, chủ tịch quận/ huyện ở mức độ nào?
Bởi nếu không làm rõ hàng loạt câu hỏi ở mức tối thiểu như trên thì các ‘thái tử đảng’, các ‘hạt giống đỏ’ sẽ lại luôn phải viện đến, phải dựa vào từ nghị quyết này đến chỉ thị nọ cho hành pháp công vụ lẫn hành pháp chính trị.
Trước mắt, cần phải gọi tên từng người một, chứ không thể cứ ban cán sự đảng, đảng đoàn hay ban thường vụ…; và những ‘cán’ này như ông Trần Sỹ Thanh chẳng hạn, họ có nằm trong “cán bộ công chức sợ sai, sợ trách nhiệm” hay không?
Góp câu chuyện về năng lực quản trị của đảng viên chức sắc, một cựu trưởng văn phòng đại diện tại TP.HCM của một tờ báo chuyên trách về pháp luật, nhắc lại đời sống kinh tế những năm sau tháng tư, 1975, và ông có nhận xét rằng giữa tình thế ‘bo bo thay cơm’, người đứng đầu thành phố đã bắt đầu tháo gỡ những ràng buộc lỗi thời trong quản lý kinh tế. Bởi “tử lý cầu sinh”.
Liên quan “tử lý cầu sinh”, người ta có thể nhận ra ở vụ án hình sự đang diễn ra ở Hà Nội, ông Nguyễn Quang Tuấn đã thực hiện sai quy định, quy trình đấu thầu, nhưng lại mang về kết quả đúng. Đó là hàng trăm bệnh nhân tim được điều trị kịp thời, bệnh viện không bị đóng cửa.
Còn nếu như bao công chức, lãnh đạo khác, ông hoàn toàn có thể đủng đỉnh chờ thực hiện quy trình đấu thầu tập trung, hậu quả của sự chờ đó đổ dồn vào người bệnh, vào bệnh viện, ông cũng sẽ không phải chịu trách nhiệm gì. Nhưng với lương tâm của một thầy thuốc, trách nhiệm của một lãnh đạo đơn vị trước sự sống còn, tồn tại của đơn vị mình, ông đã không làm thế. Ông đã chấp nhận chọn con đường gây rủi ro về mình mà tạo được nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Chỉ có điều đáng tiếc duy nhất, đó là việc ông nhận quà cảm ơn 10 ngàn đô-la của doanh nghiệp. 10 ngàn đô la, tương đương hơn 200 triệu đồng. Nói quy về tội nhận hối lộ theo luật thì cũng đúng, mà xét theo hoàn cảnh, thói quen của người Việt về lệ (tệ) cảm ơn, cũng không sai…
“Nay liệu có nên nhìn thẳng vào những lỗi thời trong quản lý chính trị để mạnh dạn thay đổi mà không ngại bị chụp mũ theo các điều luật hình sự như 117, 331 hay điều luật 109 về tội lật đổ…” – vị nhà báo này bức xúc lên tiếng với ít nhiều dè dặt trong cách dùng câu từ.