Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nên có tòa án Hiến pháp để xét xử những người đòi ‘cạnh tranh chính trị’

Điều 117 Bộ luật hình sự

Vân Khanh

(VNTB) – Có một thực tế là những ai viết bài cổ súy cho nền chính trị có sự cạnh tranh, thường bị nhà chức trách quy cho việc ‘đa nguyên – đa đảng’, và mang ra xét xử theo nhóm tội “An ninh quốc gia” ở Bộ luật Hình sự.

Tội tuyên truyền thông tin nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại Điều 117 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) như sau:

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Các tội danh theo quy định ở điều 117 kể trên, thực tế thường là các bài viết mang tính phản biện các chính sách quản trị quốc gia của chính phủ đương nhiệm, trong đó giải pháp thường được các nhà phản biện đưa ra, đó là cần có sự cạnh tranh giữa các đảng phái chính trị để tạo động lực cho cạnh tranh quản trị quốc gia.

Nói theo một nghĩa nào đó, một số nhà phản biện đã lên án việc độc tài toàn trị, kêu gọi cần có sự ‘đa nguyên’ tương tự như quyền tự do công đoàn của người lao động.

Nếu dùng điều luật 117 của Bộ luật Hình sự để xét xử cho những người kêu gọi quyền tự do chính trị, cho thấy sẽ khó thuyết phục về mặt căn cứ pháp lý.

Lập luận thường thấy từ các thẩm phán khi tham gia xét xử về tội danh cáo buộc ở điều 117 như sau:

“Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 đã gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ngoài hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước, các đối tượng có hành vi chống Nhà nước còn có hành vi chống Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc tuyên truyền chống Đảng Cộng sản Việt Nam chính là hành vi làm mất uy tín, làm suy yếu lực lượng lãnh đạo Nhà nước, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tuyên truyền với nội dung chống Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đã có ý kiến cho rằng, Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định về hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà chưa quy định về hành vi tuyên truyền chống Đảng Cộng sản Việt Nam là chưa đầy đủ. Vấn đề này gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm an ninh quốc gia”.

Một đơn cử, rất có thể mai này khi báo chí nhà nước tường thuật về phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, những cây bút chuyên về tuyên giáo Đảng sẽ viết đại khái vầy:

“Nghiên cứu quá trình thực hiện hành vi phạm tội của các đối tượng phạm tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam như: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy… cho thấy ngoài việc thực hiện các hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, gây chiến tranh tâm lý nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì các đối tượng này còn thực hiện các hành vi trên nhằm chống Đảng Cộng sản Việt Nam.

Để thực hiện được ý đồ trên các đối tượng đã tiến hành tuyên truyền, phát tán các luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, “bóp méo”, “pha loãng” thông tin hướng lái quần chúng xem xét lại lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, bôi nhọ các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước với mong muốn tác động xấu đến tư tưởng làm giảm sút ý chí, niềm tin của quần chúng nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn…”

Với lập luận thường thấy ở trên từ những vụ án tương tự liên quan đến điều 88 trước đây, 117 hiện nay, vô hình trung cho thấy chính tuyên giáo Đảng đã gián tiếp xác nhận là việc cấu thành tội phạm này ở điều luật 88 trước đây và cả 117 hiện tại, đều không mô tả Đảng cộng sản Việt Nam là khách thể trực tiếp được bảo vệ của điều luật này, do đó về nguyên tắc một khi luật hình sự không có điều khoản cụ thể nào về hành vi chống Đảng Cộng sản Việt Nam qua việc trực tiếp, lẫn gián tiếp như kêu gọi sự cạnh tranh giữa các đảng chính trị, thì xem ra nếu vẫn muốn bắt bỏ tù những người phản biện này, cần thiết có chế định của Tòa án Hiến pháp.

Đơn giản, Hiến pháp 2013, điều 4.1 ghi rằng Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Điều 4.3 ghi rằng “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Như vậy, nếu ai đó có ý kiến phản đối điều 4.1 Hiến pháp từ lập luận là Đảng Cộng sản Việt Nam đã vi phạm điều 4.3 của Hiến pháp, vì Đảng đã tự cho mình cái quyền đứng trên Hiến pháp – như qua việc chọn nhân sự các cấp của Quốc hội và Chính phủ, thì người đó cần phải được xét xử từ Tòa án Hiến pháp. Khi ấy, chắc chắn những gì liên quan đến ‘đa nguyên – đa đảng’ sẽ có những phán xét theo căn cứ pháp luật phù hợp nhất so sự khập khiễng hiện nay.

Tin bài liên quan:

VNTB – Khi ‘quỹ dân sự’ đã bị nhà chức trách cố tình ‘chính trị hóa’

Phan Thanh Hung

VNTB – Sao lại e ngại tiếng nói “độc lập” của các tổ chức xã hội dân sự?

Phan Thanh Hung

VNTB – Y án 11 năm tù giam và 3 năm quản chế với nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo