Thanh Thảo
(VNTB) – Một thành phố lớn nhất nhì nước mà đi đến đâu cũng gặp chốt chặn có cả công an, dân quân phải vã mồ hôi để kiểm tra.
Tại TP.HCM, khắp các phường, xã và quận, huyện nơi đâu cũng có chốt kiểm soát. Tùy địa bàn mà chốt kiểm soát được biến đổi thành “chốt cứng” – tức rào hẳn một đầu đường và không có lực lượng chức năng canh chốt, hoặc “chốt mềm” – có công an, bộ đội, dân quân…kiểm tra người dân khi qua chốt.
Hiện nay, phần nhiều người dân khi qua chốt kiểm soát chỉ việc đưa một mã QR code được cấp trong điện thoại thông minh của họ đến máy quét của lực lượng chức năng. Việc này đã rút ngắn thời gian kiểm tra hơn so với lúc mọi người phải trình giấy đi đường như trước đây.
Điều này cho thấy, tùy thời điểm tình hình dịch bệnh mà thay đổi cho phù hợp với các cách phòng, chống dịch sẽ mang lại những hiệu quả về thời gian lẫn công sức bỏ ra.
Trong thời gian này, một số địa bàn trong TP.HCM đang triển khai mô hình “Thẻ xanh Covid” cho những người đã tiêm 2 mũi vaccine. Và mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản kiến nghị người dân chỉ cần tiêm mũi 1 từ 14 ngày trở lên vẫn được cấp “Thẻ xanh Covid”, trước mắt sẽ triển khai tại quận 7.
Đây là một bước tiến mới từ trước đến nay trong phòng, chống dịch bệnh ở thành phố, để từng bước phục hồi lại nền kinh tế đã bị kiệt quệ trong những tháng qua. Người dân đa phần ủng hộ khi thành phố triển khai mô hình “Thẻ xanh Covid”, đặc biệt là chỉ cần tiêm mũi 1 mà vẫn được cấp thẻ.
Và bên cạnh đó, có quan điểm về thay đổi hình thức phòng, chống dịch khi TP.HCM đang có chủ trương ‘chung sống với virus’, thì các chốt kiểm soát trong nội thành, bất kể “chốt cứng” hoặc “chốt mềm”, nên được tháo gỡ.
Thực chất, các chốt kiểm soát trong thành phố chỉ để kiểm tra người dân đang lưu thông với ‘mục đích chính đáng’. Trong điều kiện mới đang triển khai ở một số khu vực, yêu cầu người dân đã tiêm vaccine là có thể ra bên ngoài sinh hoạt thì kiểm tra tại các chốt không còn mang nhiều ý nghĩa.
Hơn nữa, hiện nay tỉ lệ bao phủ vaccine mũi 1 từ 18 tuổi trở lên ở thành phố đã đạt trên 97%, và mũi 2 đạt hơn 28%. Đồng nghĩa với đó là khi có 100 người ra ngoài đường thì chỉ có tầm 3 người là chưa tiêm mũi 1. Với số người ít ỏi chưa thể có “Thẻ xanh Covid” mà vẫn phải lập chốt kiểm soát nội thành để kiểm tra thì hơi “mất công”.
Chưa kể, việc quét mã để kiểm tra ở các chốt cũng có khi dồn ứ nếu lượng xe lưu thông đông, người dân sẽ không thể giữ khoảng cách thích hợp với nhau ,vì ai ai cũng muốn chen nhanh qua chốt để làm công việc của họ. Nếu nhìn về mặt an toàn phòng, chống dịch thì điều này có thể không đạt yêu cầu.
Vả lại, một thành phố lớn nhất nhì nước mà đi đến đâu cũng gặp chốt chặn có cả công an, dân quân phải vã mồ hôi để kiểm tra. Không ít nơi còn bị bịt kín ở hai bên đường, xe cộ không thể chạy qua, người dân chỉ có thể “chui” ở các lỗ nhỏ còn hở, thì có lẽ đầy phản cảm.
Chốt kiểm soát ở khu vực giáp ranh với các tỉnh thành khác thì vẫn có thể duy trì để kiểm tra người ngoại tỉnh trước khi vào thành phố. Nhưng nên dừng các chốt kiểm soát nội thành khi TP.HCM bắt đầu nhân rộng mô hình “Thẻ xanh Covid” là một vấn đề có lẽ cần xem xét. Thay vào đó, hay để người dân tự do ra đường để mưu sinh, và chỉ kiểm tra lưu động một cách ngẫu nhiên những “Thẻ xanh Covid”.
Như vậy có thể tiết kiệm được thời gian của lực lượng chức năng không cần ngày đêm đứng ngồi trực chốt – ví dụ như người lính được trở về với nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc của ‘bộ đội cụ Hồ’.