Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nền kinh tế độc lập trong bối cảnh toàn cầu hóa

xhcn

Tử Long

 

(VNTB) – Nền kinh tế Việt Nam còn chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động của khu vực FDI và một số thị trường lớn; còn thâm dụng vốn và gia công, lắp ráp là chủ yếu.

 

Chiều 5-6, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới” đã diễn ra tại TP.HCM.

Một nền kinh tế độc lập tự chủ theo cách hiểu thông thường và truyền thống là một nền kinh tế phát triển toàn diện, có khả năng tự thỏa mãn những nhu cầu mọi mặt của đời sống xã hội, của an ninh, quốc phòng và quá trình tái sản xuất ; không bị lệ thuộc vào bên ngoài cả từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, để có thể vận hành một cách bình thường và bảo đảm được nền tảng cho việc duy trì an ninh quốc gia.

Một nền kinh tế như vậy nhìn chung chỉ tồn tại trong điều kiện các quốc gia có đầy đủ mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên, điều kiện địa lý, khí hậu lý tưởng, quy mô thị trường quốc gia đủ lớn, trình độ phát triển cao về khoa học – công nghệ và không cần phải có quan hệ kinh tế với nhau mà vẫn có thể tự tồn tại, phát triển được.

Theo tham luận của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày nay, khi toàn cầu hóa đã phát triển ở mức cao, các thị trường quốc gia đã và đang tiếp tục mất đi những hàng rào ngăn cách quan trọng để từ đó tạo điều kiện hình thành thị trường thống nhất trên phạm vi các khu vực và toàn cầu, thì các luồng lưu chuyển khổng lồ về hàng hóa, dịch vụ, thông tin, vốn, công nghệ, nhân công và các mạng lưới công ty đa quốc gia rộng khắp toàn cầu đã gắn kết các quốc gia lại với nhau, làm cho chúng lệ thuộc vào nhau trong cả quá trình sản xuất lẫn quá trình tiêu thụ sản phẩm.

Toàn cầu hóa càng phát triển thì sự tương tác, tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước càng tăng.

Khủng hoảng kinh tế hay những chấn động kinh tế, tài chính xảy ra ở một nền kinh tế nào đó đều có tác động đến các nền kinh tế mà nó có quan hệ. Mức độ ảnh hưởng nhiều hay ít tùy thuộc vào quy mô của nền kinh tế đó và sức nặng của nó trong quan hệ với các nền kinh tế khác. Thực tế cho thấy, cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ ở một số nước Đông-Nam Á năm 1997 đã gây ra ảnh hưởng dây chuyền nghiêm trọng đối với tất cả các nước trong khu vực và cả nhiều nước khác trên thế giới.

Như vậy một nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hoá có thể được hiểu là nền kinh tế có khả năng thích ứng cao với những biến động của tình hình quốc tế và ít bị tổn thương trước những biến động đó, và trong bất cứ tình huống nào nó cũng có thể cho phép duy trì được các hoạt động bình thường của xã hội và phục vụ đắc lực cho các mục tiêu an ninh, quốc phòng của đất nước.

Để có một nền kinh tế độc lập tự chủ, cần đáp ứng được những yêu cầu chủ yếu sau: Cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả và đảm bảo độ an toàn cần thiết; Nền kinh tế phát triển bền vững và có năng lực cạnh tranh cao; Cơ cấu xuất nhập khẩu cơ bản cân đối; cơ cấu mặt hàng đa dạng, phong phú với tỷ lệ các mặt hàng công nghệ và có giá trị gia tăng lớn chiếm ưu thế; cơ cấu thị trường quốc tế, đối tác cũng đa dạng và tránh chỉ tập trung quá nhiều vào một vài mục tiêu; Đảm bảo nền tài chính lành mạnh, đặc biệt giữ cân bằng cần thiết trong cán cân thanh toán và có nguồn dự trữ quốc gia mạnh.

Tuy nhiên với Việt Nam lúc này có lẽ cái khó khăn nhất là phải thực hiện theo yêu cầu của Nghị quyết Đảng trong yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng bộ, và tất cả định hướng đó vẫn phải đáp ứng hội nhập, phù hợp với cam kết quốc tế; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Thế nhưng cho đến nay lý thuyết hoàn chỉnh được kiểm chứng giá trị thực tế của cái gọi “thể chế định hướng xã hội chủ nghĩa đồng bộ”, thì tiếc là tận lúc này vẫn còn loay hoay từ phía ‘ra đề’ là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sở dĩ gọi là “loay hoay” của “tiến thoái lưỡng nan”, vì người đứng đầu Đảng hiểu rất rõ rằng, toàn cầu hóa làm gia tăng sự lưu chuyển của các nguồn vốn mà chính phủ không dễ dàng kiểm soát được. Nó cũng làm cho những dòng FDI đổ vào các nước ngày càng nhiều hơn.

Ngày nay, FDI chủ yếu do các công ty xuyên quốc gia cung cấp, chúng có thế lực hùng mạnh, cắm chân rết trên khắp thế giới. Có không ít bài học lịch sử về sự can thiệp làm khuynh đảo kinh tế và chính trị của nhiều nước bởi các công ty xuyên quốc gia. Và Đảng Cộng sản Việt Nam thì luôn ám ảnh bởi “tự diễn biến – tự chuyển hóa” đến mức hội đoàn xã hội dân sự nào đặt tên liên quan đến từ “độc lập” thì có thể bị đe dọa hình sự hóa về một quyền dân sự hiến định.


Tin bài liên quan:

VNTB – Vừa đi vừa dò đường…

Do Van Tien

VNTB – Sau kiệt sức là… chết

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Giấc mơ chính quyền điện tử…

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo