Tường An
(VNTB) – Muốn ngăn cản vết đầu loang kinh tế của TQ, cần có một liên minh quốc tế vững mạnh. Nếu không, câu «Mặt trời không bao giờ lặn ở nước Anh» của thời thuộc địa sẽ trở thành « mặt trời không bao giờ lặn ở Trung quốc » trong một tương lai không xa.
Năm 1978, để cứu nguy nền kinh tế suy sụp, Trung quốc (TQ) – dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình – bắt buộc phải chấp nhận dần dần cởi bỏ nền kinh tế quốc doanh để chuyển sang các giai đoạn đổi mới, mở cửa giao thương để đưa 900 triệu dân thoát cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, để giữ vững chế độ độc đảng, Trung quốc không áp dụng hoàn toàn nền kinh tế tư bản mà đã chọn nền « kinh tế xã hội chủ nghĩa » để bảo vệ quyền lực của đảng Cộng sản.
Kể từ tháng 12/1978, Trung quốc bắt đầu cải cách kinh tế với những chương trình mang tên « Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung quốc » và « kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa » Trong vòng 40 năm, nền kinh tế Trung quốc từ một quốc gia với 53% dân số ở ngưỡng nghèo đói với GDP dưới 150 tỉ USD đã trở thành một cường quốc kinh tế với GDP 14,1 ngàn tỉ USD, chỉ đứng thứ hai sau Hoa Kỳ.
Nhưng tham vọng của Trung quốc không dừng ở đó. Tập Cận Bình muốn đem « giấc mơ Trung Hoa » thay thế cho « giấc mơ Mỹ ». Trong khi thế giới lo chống khủng bố, chống biến đổi khí hậu, giải quyết vấn đề môi trường, giải quyết làn sóng người tị nạn thì Trung Quốc âm thầm mở lại «Con đường tơ lụa mới» để tiếp tục giấc mơ bá chủ toàn cầu.
Về phía Đông Nam Á , trên biển, Trung quốc chiếm Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam, tự vẽ đường lưỡi bò 9 đoạn, xây đảo nhân tạo. Trên đất liền, Trung quốc biến thành phố Sihanouk ở Camphuchia thành thành phố của những khách du lịch Tàu, chiếm hàng trăm km vuông đất của láng giềng Ấn Độ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn.
Xa hơn nữa, Trung quốc làm «anh hùng» cứu nguy các nước nghèo ở Châu Phi, cho Zambia, Sudan, Congo, Ethiopia .v.v.. vay hàng chục tỷ USD, để đổi lấy, các nước Châu Phi phải bán những tài nguyên thiên nhiên của họ. Cuộc trao đổi này, dĩ nhiên phần lợi nghiêng về Trung Quốc.
Đã có hơn 10.000 công ty với chủ nhân ông TQ rãi rác khắp lục địa Châu phi, họ xây dựng nhà máy thuỷ điện, hạ tầng cơ sở, mua hải cảng.v.v..Tất cả đều không nằm ngoài cuộc trường chinh «Một vành đai, một con đường» của họ Tập.
Bàn tay của Tập Cận Bình còn với xa đến các nước Châu Âu. Tại Pháp, người TQ đã mua khoảng 140 trang trại nho tại vùng làm rượu vin nổi tiếng Bordeaux, ngội sao điện ảnh nổi tiếng Triệu Vi đã sở hữu 7 hecta ruộng nho tại Saint-Émilion, một thương hiệu rượu vin nổi tiếng của Pháp.
Hiện nay 1/10 dân số Trung Quốc, tức là khoảng hơn 100 triệu người đã học đòi thói quen tiểu tư sản dùng rượu trong các bữa ăn. Những hầm rượu vin được sản xuất tại đây sẽ được đưa về Tàu để phục vụ cho các đại gia Trung quốc.
Không chỉ mua vườn nho, lâu đài, khách sạn, phi trường, người Tàu cũng đã mua hàng ngàn hecta đất canh tác ở Pháp. Ngoài rượu nho, có lẽ họ còn muốn mang cả bánh mì baguette nổi tiếng về TQ. Nhà tỷ phú Hu Keqin cho biết có dự định mở 1.500 xưởng bánh mì trên khắp TQ với lúa mì được làm từ xứ Phú Lang Xa.
Với 2,2 tỷ miệng ăn, có lẽ họ Tập lo xa nên đã chuẩn bị nguồn cung cấp thực phẩm từ bây giờ ? Người ta sẽ không ngạc nhiên nếu một ngày nào đó thấy ông nông dân bên Tàu ngồi nhâm nhi ly Bordeaux bằng tách uống trà và dùng đủa gắp một mẫu bánh mì da dòn của Pháp đưa lên miệng.
Tuy nhiên, chiến dịch « Con đường tơ lụa » của Tập trên nước Pháp thất bại khi hai ông Zhang Hua Da và Ou Feng đại diện cho phái đoàn TQ ký kết với ông Thị trưởng thành phố Bussy Saint Georges mua 800 hecta đất để xây dựng một quốc gia « Tộc Kinh » đã bị một số người Việt trong nhóm Collectif Transparence khám phá và tố cáo.
Nhưng cách Paris chỉ hơn 1000 cây số, bất chấp các lo ngại về an ninh quốc phòng, chính phủ Ý đã đồng ý cho TQ đầu tư vào 4 cảng lớn từ Bắc xuống Nam : Genoa, Palermo, Trieste và Ravenna.
Hải cảng Pireus của Hy Lạp, cảng Zeebrugge của Bỉ, cảng Valencia và Bilbao của Tây Ban Nha cũng đã nằm trong tay của TQ. Móng vuốt của họ Tập còn vươn mãi đến tận Ukraine, Bulgaria, Châu Mỹ La Tinh.v.v…
Tổng thống Macron đã lên tiếng báo động về vết dầu loang của TQ tại Pháp thông qua đầu tư kinh tế. Tại Nam Bán Cầu, chính phủ Úc cũng đã phải thắt chặt quy định mua đất đai của người TQ tại đây.
Tham vọng của Bắc Kinh còn bao trùm hơn nữa : Ngoài những Hiệp định thương mại song phương mà TQ đã và đang đàm phán với Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc.v.v… TQ cũng đã ký kết 2 Hiệp định Thương Mại Tự do đa phương quan trọng là ACFTA, giữa Trung Quốc với ASEAN (ký ngày 1/1/2010) và gần đây nhất là Hiệp định Thương Mại Tự Do RECP (ký ngày 15/11/2020) giữa Asean với 5 nước đối tác là Trung quốc, Nhật, Hàn, Úc và Tân Tây Lan, hình thành khối mậu dịch lớn nhất thế giới với một thị trường gồm 2 tỷ dân (chiếm 1/3 dân số toàn cầu) và 30% GDP thế giới.
Có nhiều ý kiến trái chiều về Hiệp định Thương Mại Tự Do lớn nhất thế giới này : Trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Hiệp định RCEP “là niềm tự hào, là thành quả to lớn” và đánh giá cao kết quả này thì chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thận trọng hơn, bà lo âu trong một thị trường dễ dãi sẽ tràn ngập hàng TQ làm kìm hãm nền kinh tế Việt Nam.Và, trong khi Bộ trưởng Bộ thương mại Malaysia Azim Ali khen ngợi đây là «trái ngọt của 8 năm dài đàm phán» thì Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ lại cho rằng việc ký kết RCEP là quá vội vàng, Việt Nam chưa chuẩn bị đủ để đối phó với những vấn đề phức tạp bên trong cũng như bên ngoài khối mậu dịch này.
RCEP không chỉ là «thắng lợi của chủ nghĩa đa phương và mậu dịch tự do» như Thủ tướng Lý Khắc Cường của TQ khẳng định, mà còn là một thắng lợi lớn của riêng anh khổng lồ Trung quốc. Với việc xoá bỏ dần dần các hàng rào thuế quan với những điều kiện không nghiêm ngặt, hàng hoá của gần 2 tỷ dân sẽ thoải mái xâm nhập vào thị trường của các quốc gia đối tác và con đường tơ lụa mới của Trung quốc sẽ thênh thang trải rộng từ Bắc Kinh đến bên kia quả địa cầu.
Bên cạnh các hiệp định thương mại mà TQ đã tham gia, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP hay còn gọp là TPP11 là Hiệp định thương mại tự do giữa 11 nước (Việt Nam, Úc, Canada, Brunei, Chili, Mexico, Tân tây Lan, Malaysai, Nhật, Peru, Singapore)tiền thân của CPTPP là TPP tức 11 nước kể trên, với Hoa Kỳ mà không có Trung quốc.
Năm 2008, Hoa Kỳ tham gia và thúc đẩy tiến trình đàm phán TPP, nếu hình thành, TPP sẽ là một Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới ở thời điểm đó, chiếm 38,2 GDP toàn cầu. Không có Mỹ, CPTPP chỉ chiếm 13,5% GDP toàn cầu. so với TPP, hiệp định CPTPP không có những điều kiện ràng buộc về nhân quyền và quyền lao động. Hoa Kỳ tham gia TPP với mục tiêu khẳng định vai trò của Hoa Kỳ ở Vùng Châu Á Thái Bình Dương, nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông cũng như tại vùng kinh tế năng động này.
Tuy nhiên, năm 2017, sau khi lên nắm quyền, thống thống tân nhiệm Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP. Việc Mỹ rút lui ra khỏi hiệp định này là món quà đắt tiền của Trump dành cho Bắc Kinh.
So với CPTPP, RCEP không có những điều kiện khắc khe về sở hữu trí tuệ, cũng không có những ràng buộc về môi trường cũng như bảo vệ quyền lợi của người lao động, vì thế bà Phạm Chi Lan cho rằng Hiệp định này mang đến nhiều nỗi lo hơn là vui mừng.
Sau khi RCEP được ký kết, thủ tưởng Lý Khắc Cường cũng không ngần ngại cho biết ý đồ TQ sẽ tham gia luôn cả Hiệp Định Thương Mại Tự Do CPTPP. Nếu Tân Tổng thống Biden không trở lại với CPTPP thì sẽ không còn gì ngăn cản TQ tham gia Hiệp định này để lấn sâu hơn nữa ảnh hưởng của mình lên phần còn lại của thế giới.
Song song với việc âm thầm chiếm lĩnh nền kinh tế của các quốc gia khác bằng các dịch vụ thương mại; Qua các hiệp định song phương và đa phương, vết dầu kinh tế của Trung quốc dần dần lan rộng khắp nơi, mở đường cho việc xây dựng «con đường tơ lụa mới» mà trong đó, Bắc Kinh sẽ nắm vai trò khuynh đảo thế giới.
Không có gì cho thấy Tập Cận Bình sẽ thay đổi thể chế độc đảng khi vành đai của Bắc Kinh bao trùm toàn cầu. Ông Stein Ringen, Giáo sư khoa học chính trị viện đại học Oxford nhận định trước viễn ảnh này trong quyển «Chế độ độc tài hoàn hảo» (The perfect dictatorship): «Với chế độ độc tài toàn trị, Trung quốc đã trở thành mối nguy hiểm cho toàn thế giới»
Những nước nghèo, dù nhìn thấy hiểm hoạ TQ, nhưng không tránh khỏi cái bẫy kinh tế quá lớn, nên dù một Hoa Kỳ siêu cường nhưng đơn phương, một Liên Âu còn phôi thai với những chính sách chung vẫn sẽ không đối phó được với một TQ vững chắc trong nền độc tài hàng thế kỷ. Muốn ngăn cản vết đầu loang kinh tế của TQ, cần có một liên minh quốc tế vững mạnh. Nếu không, câu «Mặt trời không bao giờ lặn ở nước Anh» của thời thuộc địa sẽ trở thành « mặt trời không bao giờ lặn ở Trung quốc » trong một tương lai không xa.
26/11/2020