Hà Nguyên
(VNTB) – Ông Nguyễn Phú Trọng chắc chắn luôn biết cần củng cố những nhóm quyền lực trung thành ra sao, tin cậy đến mức độ nào.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII.
Bản tin ảnh trên Thông Tấn Xã Việt Nam phát đi như vậy.
“Đảng ta kiên quyết không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương, nhưng cũng không bỏ sót những người thực sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và trong nhân dân” – ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, khóa XII, nhận xét.
Cá nhân người viết cho rằng nên ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm Tổng Bí thư ở khóa XIII, với ít nhất các lý do sau đây:
Một. Trăm hay không bằng tay quen
Ông Nguyễn Phú Trọng chính thức làm Tổng Bí thư Đảng kể từ ngày 19 tháng 1 năm 2011.
Tục ngữ Việt Nam, “Trăm hay không bằng tay quen”. Câu tục ngữ có hai vế: “Trăm hay” là cách nói mộc mạc, có nghĩa là biết hàng trăm điều tức là biết nhiều, lý thuyết giỏi. Còn “tay quen” có nghĩa là thạo việc, làm thuần thục, nói cách khác là thực hành giỏi, thành thạo công việc. Như vậy, câu tục ngữ “Trăm hay không bằng tay quen” muốn khẳng định biết lý thuyết nhiều cũng không thể bằng thói quen thành thạo công việc.
Lý lịch học vấn của ông Nguyễn Phú Trọng cho biết được thời gian được Đảng và Nhà nước cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh, ông đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (nay tương đương tiến sĩ) Khoa học Lịch sử, (кандидат исторических наук) tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (Акаде́мия обще́ственных нау́к при ЦК КПСС).
Luận văn của ông viết về chủ đề Lịch sử Đảng và Xây dựng Đảng, có nhan đề là “Các hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ với quần chúng trong giai đoạn hiện nay: dựa trên kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Liên Xô”, bảo vệ ngày 19 tháng 5 năm 198.3
Năm 1992, ông Nguyễn Phú Trọng được phong học hàm Phó giáo sư và 10 năm sau (2002) ông được phong học hàm Giáo sư.
Chắc chắn một người với vốn lý thuyết hàn lâm về Đảng cùng với thực tế đã trên chục năm liên tiếp ở chức vụ Tổng Bí thư, thì ông Nguyễn Phú Trọng xứng đáng tái nhiệm ở khóa XIII.
Hai. Tiết kiệm ngân sách
Sau chuyến công cán hồi trung tuần tháng 4-2019 tại tỉnh Kiên Giang, kể từ đó người ta không còn thấy ông Nguyễn Phú Trọng rời Hà Nội. Mọi công việc quản trị quốc gia trên cương vị là người đứng đầu Đảng của ông Trọng vẫn suông sẽ. Điều đó cho thấy ông dễ dàng quán xuyến, điều hành đất nước trong phạm vi giới hạn của các bức tường văn phòng ngay tại Hà Nội.
Khi không phải tốn khoản chi phí đối ngoại ở những chuyến công du nước ngoài, lẫn đỡ phần tốn kém tiếp đón khi ông Tổng Bí thư đến làm việc các tỉnh, thành trong nước…, xét theo nghĩa nào đó, cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng là một người biết tận dụng sức mạnh của công nghệ thời 4.0.
Ba. Hiểu rõ những điểm mạnh – yếu nhân sự
Một trong những vấn đề hàng đầu của các nhà quản lý nhân sự là phải quản lý công việc theo từng cá nhân. Mỗi nhân viên có một thế giới quan riêng, cá tính riêng và có những đòi hỏi khác nhau mà một nhà quản lý cần xử lý.
Có người thích được tự mình hoàn thành công việc. Có người cảm thấy thất vọng nếu không được nhà quản lý quan tâm. Có người lại thích tán dương. Song cũng có những người chỉ muốn người khác ngầm biểu lộ sự cám ơn.
Khóa XIII của Đảng có nhân sự đa phần là những gương mặt quen thuộc của khóa XII, và có người là ở cả khóa XI.
Đã trên 10 năm ngồi ghế Tổng Bí thư, chắc hẳn ông Nguyễn Phú Trọng rành tính nết từng người trong bộ máy cầm quyền Đảng. Chuyện thói quen điếu đóm, ông cũng rành không kém, vì trước đó ông là Chủ tịch Quốc hội ở khóa X của Đảng.
Ông Nguyễn Phú Trọng chắc chắn biết cần luôn củng cố cho mình những nhóm quyền lực trung thành ra sao, đến mức độ nào về sự tin cậy, qua đó gián tiếp giúp Việt Nam có thể ổn định chính trị ít nhất cũng là bình diện bề mặt.