Nguyễn Huỳnh (ghi)
(VNTB) – Liệu có khi nào Bộ Chính trị tự đặt mình vào vị trí người thụ hưởng gói an sinh 62 ngàn tỷ cho tới 26 ngàn tỷ?
Như vậy, từ 0g ngày 19-7, khu vực Nam kỳ lục tỉnh xưa gồm 6 tỉnh miền Đông và 13 tỉnh miền Tây chính thức vào đợt giãn cách 15 ngày, theo chỉ thị 16.
Dù có ưu việt đến đâu đi nữa về thể chế chính trị, thì chính sách nào cũng phải tính tới thực tế và tính khả thi trong khả năng của nó.
Dưới đây là một số ý kiến cụ thể về “Thực túc binh cường” (ăn đủ lính mạnh), “Lấy dân làm gốc”.
Giả dụ khi Bộ Chính trị phải ‘3 tại chỗ’
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, ý kiến: “Điện, nước, xăng dầu là những ngành có lợi nhuận tích lũy rất lớn, trong những lúc cấp bách thế này rất cần có hành động cụ thể để chia sẻ khó khăn với cộng đồng, doanh nghiệp.
Có thể khoản hỗ trợ tiền điện, nước hằng tháng mà mỗi hộ gia đình, mỗi doanh nghiệp được hưởng không đáng kể so với khoản họ phải chi trả, nhưng nó mang ý nghĩa tinh thần rất lớn, động viên người dân, doanh nghiệp vững tin vượt qua”.
Yêu cầu của “3 tại chỗ” đối với những ông bà chủ doanh nghiệp nào không muốn bị đứt gãy chuỗi sản xuất, chấp nhận “vừa cách ly, vừa sản xuất”, thì phải đáp ứng việc sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ ngơi tại chỗ.
Thật ra thì ngay cả mệnh lệnh hành chánh “3 tại chỗ” cũng nhằm giúp ngân sách không bị đứt gãy nguồn thu. Vậy thì phải có sự chia sẻ trở lại từ phía nhà nước.
Bởi nói “ăn – ngủ” thì đơn giản, nhưng thực tế nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của một con người có rất nhiều chuyện. Trong bối cảnh hiện nay lại càng không đơn giản. Doanh nghiệp lo được chỗ ngủ thì không lo được cái ăn. Muốn tổ chức nấu ăn tập thể thì phải có bếp, có dụng cụ, có nguồn thực phẩm, có người nấu… trang bị ngay lập tức là bất khả thi. Muốn đặt suất ăn công nghiệp, thì hầu hết các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này đều đã đóng cửa chống dịch.
Rất dễ dàng nhận thấy việc hàng loạt chi phí gia tăng, từ chuẩn bị điều kiện ăn, ở, sinh hoạt tại chỗ cho người lao động đến chi phí xét nghiệm định kỳ… Trong khi đó, năng suất lao động sụt giảm, thông thương gặp khó khăn, giá nguyên vật liệu tăng cao.
“Nói thì dễ bị chụp mũ phản động, chứ giờ thí tỉ như vì lẽ gì đó mà Bộ Chính trị phải 3 tại chỗ, có lẽ họ sẽ hiểu được phần nào nỗi khốn khó xoay xở lúc này của chúng tôi!” – một chủ doanh nghiệp ý kiến ‘vuốt râu hùm’ như vậy.
Nếu Bộ Chính trị có bộ trưởng, hãy thay ông ấy đi!
Vị chủ doanh nghiệp ‘vuốt râu hùm’ ở trên tiếp tục xả-xì-trét, khi ông nói rằng lúc đọc bản tin trên báo Tuổi Trẻ “Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Chống dịch thiếu trách nhiệm, có người khác thay”, ông liên tưởng ngay đến Điều 4 của Hiến pháp, và đã ước rằng nếu có chức danh Bộ trưởng Bộ Chính trị, thì hãy thay ngay ông, bà ấy đi.
Hiến định ở Điều 4 khẳng định rằng Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội – Đảng Cộng sản Việt Nam chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
Bộ Chính trị là cơ quan quyền lực tối cao của Đảng.
Bộ Chính trị hiểu hơn ai hết về gói cứu trợ 62 ngàn tỷ đã không thành công. Gói cứu trợ mới 26 ngàn tỷ đồng, vẫn mới dừng lại ở những tuyên bố từ nhà chức trách là sẽ không có chuyện ‘lãnh trên tivi’ như gói 62 ngàn tỷ. Thế nhưng liệu có khi nào bề trên ở Bộ Chính trị tự đặt mình vào vị trí người thụ hưởng gói an sinh 62 ngàn tỷ cho tới 26 ngàn tỷ?
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm G.C, kể doanh nghiệp của ông đang thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất trong mùa dịch chứ không có lãi.
“Điện, nước là chi phí cơ bản mà doanh nghiệp nào cũng phải chi trả nên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nên chia sẻ với khối khách hàng doanh nghiệp trong lúc khó khăn do dịch bệnh. Mức giảm có thể là 20% – 30% trong thời gian 3 – 6 tháng nhằm hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp trong lúc hết sức khó khăn do Covid-19” – ông Nguyễn Văn Thứ kiến nghị.
Ông chủ một hệ thống 5 cửa hàng bán lẻ thực phẩm tại TP.HCM cũng cho hay đang cho nhân viên ở lại tại chỗ để bảo đảm an toàn hệ thống.
“Dự trù là tiền điện, nước của đợt này của chúng tôi sẽ tăng đột biến. Có cửa hàng do dùng điện sinh hoạt nên sẽ còn chịu giá điện bậc thang, lũy tiến rất cao nhưng vì mục tiêu duy trì hoạt động nên không tính toán. Dù chi phí đầu vào tăng rất cao nhưng doanh nghiệp vẫn giữ giá để hỗ trợ người tiêu dùng. Vì vậy, nếu được hỗ trợ phần nào chi phí điện, nước sẽ giảm áp lực cho chúng tôi” – ông chủ hệ thống này nói tiếp.
Xin được chuyển các ý kiến trên đến người đứng đầu Bộ Chính trị khóa XIII – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để ông kịp thời có các quyết sách thực sự “Thực túc binh cường”, bởi ông đã tiếp tục khẳng định quyết tâm “chống dịch như chống giặc”.