VNTB – Nếu được tín nhiệm làm chủ tịch của tổ chức đại diện người lao động…

VNTB – Nếu được tín nhiệm làm chủ tịch của tổ chức đại diện người lao động…

Võ Hàn Lam

(VNTB) – Trong giai đoạn quá độ vẫn cần một lực kéo mạnh mà đầu tàu là Nhà nước giúp người lao động và người sử dụng lao động xích lại gần nhau một cách hài hòa và tự nhiên. Tránh mâu thuẫn trả giá bằng phản kháng, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và xã hội…

“Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”.

Đó là nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 3 Bộ luật lao động 2019, hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Tổ chức này hoạt động song song và bình đẳng với tổ chức công đoàn lâu nay, và người lao động có quyền lựa chọn tham gia 1 tổ chức đại diện cho mình.

Giả dụ như có một cuộc cạnh tranh công bằng trong việc thu hút sự lựa chọn người lao động, thì tôi xin được ứng cử và trình bày tóm lược sau đây những hành động của mình cho quyền lợi dung hòa của người lao động và chủ doanh nghiệp.

(Nhân vật xưng “tôi” trong bài này không phải là người viết, mà là một cán bộ công đoàn thâm niên ở doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu thủy hải sản).

Kinh phí công đoàn thu hiện tại 2% quỹ lương là quá cao và bất hợp lý. Trong khi quỹ lương của doanh nghiệp không thể tăng theo kịp các điều chỉnh của pháp luật lao động về bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn.

Việc phải nộp kinh phí công đoàn đã làm giảm phúc lợi xã hội cho cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp, trong khi các doanh nghiệp đều đã chi những khoảng tiền thêm hoặc tổ chức hoạt động tập thể cho tất cả người lao động như là: lễ Tết, 8/3, Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 & 1/5; 1/6, 20/10; 2/9;… hoặc là thưởng đột xuất… Việc nộp kinh phí công đoàn thời gian qua cũng đã bộc lộ các bất cập, không phù hợp với thông lệ quốc tế và không công bằng với các tổ chức xã hội khác như: Ủy ban mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Trên cương vị đại diện cho tổ chức người lao động tại cơ sở, tôi sẽ quyết liệt kiến nghị các cấp liên quan những nội dung bước đầu như sau:

Một, Chính phủ xem xét việc đề nghị bãi bỏ việc thu kinh phí công đoàn từ doanh nghiệp để bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hai, trong thời gian chưa sửa được quy định này, đề nghị ngay từ quý 2/2021, giảm mức đóng góp kinh phí công đoàn 2% xuống còn 1%, và toàn bộ kinh phí công đoàn được để lại cho doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, không phải nộp phí công đoàn lên công đoàn cấp trên.

Hàng năm, doanh nghiệp báo cáo quyết toán hoạt động thu chi này, nếu doanh nghiệp không sử dụng hết mới phải nộp về công đoàn cấp trên. Người lao động trong thời gian đó sẽ không phải trích nộp 1% cho khoản phí công đoàn.

Ba, giảm các khoản đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và người lao động từ năm 2021 là vấn đề cấp bách và tất yếu khách quan, bởi các lý do sau:

Thứ nhất, mức đóng bảo hiểm xã hội, gồm bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại Việt Nam đang cao nhất trong khu vực ASEAN, khi lên tới 32% mức lương tháng (doanh nghiệp đóng 22%, người lao động đóng 10%). Đó là chưa kể 3% phí công đoàn (doanh nghiệp đóng 2%, người lao động đóng 1%). Trong khi đó, cùng khu vực, Malaysia chỉ phải đóng bảo hiểm xã hội chiếm 13% lương tháng, Philippines là 10%, Indonesia 8%, còn Thái Lan 5%,….

Thứ hai,  mức đóng bảo hiểm xã hội đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động. Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thủy sản, người lao động là một tài sản quý, vì đó là cơ sở và nền tảng để tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.

Lợi ích của doanh nghiệp và người lao động phải hài hòa. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí để tồn tại. Chính phủ và các Bộ ngành đã thực sự giúp doanh nghiệp việc này trong thời gian qua, nhưng chi phí lao động ngày một tăng cao khi năng suất lao động tăng rất ít.

Doanh nghiệp muốn đóng các khoản an sinh xã hội để khi người lao động nghỉ việc hoặc nghỉ hưu trí lãnh chế độ bớt khó khăn hơn trong cuộc sống, nhưng trước hết phải làm sao sản xuất – kinh doanh phải tốt và tồn tại được, đặc biệt là bối cảnh dịch Covid tiếp tục kéo quá dài. Do đó trong giai đoạn quá độ vẫn cần một lực kéo mạnh mà đầu tàu là Nhà nước giúp người lao động và người sử dụng lao động xích lại gần nhau một cách hài hòa và tự nhiên. Tránh mâu thuẫn trả giá bằng phản kháng, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và xã hội…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)