VNTB – “Ngân hàng 0 đồng” vẫn tiếp tục ở ngõ cụt?

VNTB – “Ngân hàng 0 đồng” vẫn tiếp tục ở ngõ cụt?

Võ Hàn Lam

(VNTB) – Kết quả kiểm toán hoạt động ngân hàng, hoạt động mua bán nợ trong năm 2020 ghi nhận đến nay, “Ngân hàng 0 đồng” vẫn tiếp tục ở ngõ cụt?

 

Lỗ lũy kế của OceanBank trong năm 2018 là 15.412 tỉ đồng, năm 2019 số lỗ tăng lên 17.971 tỉ đồng. Tương tự ,lỗ lũy kế của CBBank năm 2018 là 29.755 tỉ đồng, năm 2019 là 31.681 tỉ đồng, còn số lỗ của GPBank năm 2018 là 13.380 tỉ đồng, năm 2019 là 16.280 tỉ đồng.

Kết quả kiểm toán hoạt động ngân hàng, hoạt động mua bán nợ trong năm 2020 ghi nhận đến nay, “Ngân hàng 0 đồng” vẫn tiếp tục ở ngõ cụt?

“Di sản 3X”?

Trong bài viết “Chào bán ngân hàng 0 đồng ‘thành công’ ra sao?” (*) đăng trên trang web VOA tiếng Việt ngày 03/07/2019, nhà báo Phạm Chí Dũng nêu nghi vấn:

“Có một sự thật không thể chối bỏ là vào năm 2015, trước khi Đại Hội 12 của đảng cầm quyền diễn ra, Nguyễn Văn Bình – thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước vào thời gian đó – là tác giả kiêm đạo diễn mua Ngân Hàng Xây Dựng (CBBank hay còn gọi là VNCB), Ngân Hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân Hàng Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank) với giá 0 đồng.

Cũng vào năm 2015, theo những tin tức đã từng được coi là “tuyệt mật” nhưng rút cục được công khai trên báo chí, nợ xấu của ba ngân hàng trên là hơn 20.000 tỷ đồng – một con số không cách gì trả nổi so với vốn điều lệ của ba ngân hàng chỉ vào khoảng 10.000 tỷ đồng. Cả ba ngân hàng này lại đều có quan chức lãnh đạo bị khởi tố và sau đó bị truy tố lẫn án tù rất cao – từ chung thân Hà Văn Thắm đến tử hình Nguyễn Xuân Sơn.

Vậy tại sao Nguyễn Văn Bình và Ngân Hàng Nhà Nước lại phải mua ba ngân hàng trên với giá 0 đồng? Phải chăng Thống Đốc Bình làm theo lệnh của thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng để “đạt thanh tích trước Đại Hội 12,” nghĩa là vừa bảo đảm “nợ xấu không vượt quá 3%,” vừa “khoanh” những ngân hàng xấu mà không để bị phá sản – một bằng chứng mà nếu xảy ra thì chắc chắn sẽ bị những đối thủ chính trị của ông Nguyễn Tấn Dũng lợi dụng triệt để để quy trách nhiệm “điều hành yếu kém” đối với ông?

Hay hành động Ngân Hàng Nhà Nước quyết định mua lại các ngân hàng trên với giá 0 đồng là một chiêu thức thâu tóm lẫn nhau giữa các nhóm lợi ích ngân hàng?.

Với “đặc thù” cùng có 2-3 cán bộ lãnh đạo bị bắt và sau đó không lâu đều “được” Ngân Hàng Nhà Nước mua lại với giá 0 đồng, trường hợp của GP, VNCB và OceanBank đang đặt ra dấu hỏi rất lớn: phải chăng có một thế lực bí ẩn và thâm sâu nào đó muốn mượn tay Ngân Hàng Nhà Nước để “thôn tính” các ngân hàng nhỏ thông qua “cơ chế bắt chủ ngân hàng?”

Hay hành vi mua 3 ngân hàng giá 0 đồng nhắm tới cả hai mục tiêu được che giấu trên?”

Hệ lụy của tài chính định hướng xã hội chủ nghĩa?

Là một tiến sĩ chuyên ngành kinh tế chính trị, khi ấy nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng cần lưu ý tình tiết ở tại phiên tòa xử “Đinh La Thăng giai đoạn 2” – liên quan vụ 800 tỷ đồng của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) gửi vào OceanBank nhưng đã không cánh mà bay, ông Thăng đã tự bào chữa:

“Thực tế, việc mua OceanBank với giá 0 đồng, chuyển thành ngân hàng TNHH MTV thì Ngân Hàng Nhà Nước đã bỏ đồng nào vào Ngân Hàng Đại Dương chưa khi vẫn đăng ký vốn điều lệ là 4,000 tỷ đồng? Ngân Hàng Nhà Nước lấy tiền đâu để bỏ vào đấy? Nếu Ngân Hàng Nhà Nước lấy tiền ngân sách bỏ vào đấy là vi phạm Luật Ngân Sách Nhà Nước vì theo quy định, không thể lấy tiền của nhà nước bù lỗ cho doanh nghiệp”.

“Là một quan chức xuất thân từ kế toán trưởng, Đinh La Thăng hẳn phải rành rọt đường đi nước bước của nguồn tiền, dòng tiền và những trạng thái “biến thiên” của dòng tiền này trong từng phi vụ giao dịch qua ngân hàng. Chính vì thế, con số 4.000 tỷ đồng cùng mối nghi ngờ mà ông Thăng nêu ra là có cơ sở” – nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định.

Vấn đề mang tính căn bản ở đây, theo một nhà báo chuyên viết mảng tài chính, đó là hệ lụy tất yếu khi thiếu sự cạnh tranh của đảng chính trị. Vì không vấp sự cạnh tranh nên quyền lực phe nhóm trong chính nội bộ của đảng đã tạo ra những sân sau về tài chính, và khi có sự xáo trộn quyền lực nào đó thì một vài sân sau đã bị phá vỡ như một kiểu ra đòn thị uy.

“Không chỉ thành lập các công ty “sân sau” để lách luật tăng vốn ảo cho ngân hàng mà nhiều ông chủ ngân hàng Việt còn thành lập các “sân sau” để rút ruột ngân hàng bằng các hợp đồng tín dụng “theo chỉ đạo”.

Theo chia sẻ của một vị từng có nhiều năm kinh nghiệm làm thành viên hội đồng quản trị độc lập của một số ngân hàng thương mại, “với việc một vị vừa làm Chủ tịch HĐQT, vừa làm Chủ tịch Hội đồng tín dụng ngân hàng, có thể sau một đêm vị này đã tạo ra cho mình một khối tài sản khổng lồ từ tín dụng ngân hàng”.

Đây là điều dễ hiểu khi một người nắm trong tay quá nhiều quyền lực với một khối tài sản lớn, khó tránh khỏi sự lạm quyền. Và nếu đặt để điều này vào cụm ngữ nghĩa “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, có lẽ cần phải suy xét cả về trách nhiệm ở cấp Bộ Chính trị” – vị nhà báo kể trên, nhận xét.

 _____________________

Chú thích:

(*) https://www.voatiengviet.com/a/chao-ban-ngan-hang-0-dong/4984944.html

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)