VNTB – Cái trống công lý?

VNTB – Cái trống công lý?

Võ Hàn Lam

(VNTB) – Nếu cần nêu cao ý nghĩa công lý của cơ quan tòa án, có lẽ nên đặt trước mỗi công đường một cái trống – biểu tượng của sự minh bạch khi người dân có thể đến “kêu oan” và được kịp thời xem xét – mà trong lịch sử Việt Nam đã từng có. Tiết kiệm hơn việc đặt bức tượng vô tri, đồng thời còn mang tính truyền thống!

 

Trống Đăng Văn

Triều Nguyễn, dưới thời Minh Mạng, nhà vua đã lập ra một cơ quan xử án tối cao của triều đình, gọi là Tam Pháp ty. Đây là trụ sở phối hợp giữa ba cơ quan tư pháp là Bộ Hình (Tư pháp), Đô Sát viện (viện Giám sát) và Đại Lý tự (toà Phá án) để giải quyết thỏa đáng những điều khiếu nại của nhân dân. Người dân có thể tới đây để đánh trống kêu oan, nộp đơn và xin được cứu xét theo thủ tục khẩn cấp.

Trước cửa Tam Tòa có treo sẵn một cái trống lớn gọi là trống “Đăng Văn”, năm 1832 vua Minh Mạng quy định hằng tháng cứ đến ngày 6, 16, 26 thì Tam pháp ty mở để nhận các đơn thưa kiện của nhân dân, “phàm các thần dân có tình trạng bị oan ức bất thần đến đánh ba tiếng trống thật mạnh, tiếp theo là một hồi trống dồn dập mau hơn. Nghe trống Đăng Văn vua cử một viên chức ra nhận đơn”.

Trước khi đem đơn vào đệ lên cho vua phê ,viên chức ấy phải trói người đánh trống Đăng Văn lại, nếu người ấy đã lợi dụng trống Đăng Văn tố cáo sai sẽ bị tội nặng. Nếu lá đơn kêu một việc oan thật, vua phê xong giao xuống cho Tam pháp ty xét nghị và nhà vua sẽ quyết định sau cùng.

Tiếng trống Đăng Văn là một việc hệ trọng vang dội đến tai vua, cho nên ngày xưa trong nội thành cấm không cho đánh các loại trống khác, để khỏi nhầm với trống kêu oan.

Dân Nam ra Huế để gióng trống

Sử sách còn ghi câu chuyện “đánh trống kêu oan cứu chồng” của phu nhân ông Bùi Hữu Nghĩa, người xứ Long Tuyền, Bình Thủy, thuộc tỉnh Cần Thơ, năm 28 tuổi đỗ giải nguyên (đứng đầu khoa thi Hương) nên thường được gọi là Thủ khoa Nghĩa.

Tam pháp ty gồm người của 3 cơ quan là Bộ hình, Đô sát viện và Đại lý tự, chỉ họp ‘liên tịch’ để xét xử những vụ án bất thường, khi có người đến đánh trống để kêu oan. Bà thủ khoa vừa đánh trống, thì một viên đội chạy đến thu tờ trạng đem vào cho trực thân, là viên quan trực trong nội điện. Ông này dâng tờ trạng lên vua Tự Đức, vua giao cho Tam phát ty nghị án, rồi chính vua chung thẩm bản án như sau: “Tha tội tử hình cho Bùi Hữu Nghĩa, song phải quản tiền hiệu lực, lập công chuộc tội”.

Mẹ vua Tự Đức là bà Từ Dũ khi nghe tin này rất cảm thương người liệt phụ, bèn sai người mời vào và đích thân khen ngợi, an ủi, rồi ban cho một tấm biển chạm bốn chữ vàng “Tiết phụ khả gia”.

Ông già Ba Tri đánh trống kêu oan, cũng là một câu chuyện khác về cái trống triều Nguyễn. Sử sách ghi rằng, Ba Tri là tên gọi nôm na của làng An Bình Đông tỉnh Bến Tre. Lúc bấy giờ là đời vua Minh Mạng. Đứng đầu làng Ba Tri là Thái Hữu Kiểm là con cháu của dòng họ Thái Hữu từ Quảng Ngãi vào lập nghiệp đã mấy đời, có công lập làng, tập hợp dân chúng để làm ăn, tuần phòng giặc cướp.

Dân chúng gọi ông Thái Hữu Kiểm là trùm Cả Kiểm. Ông chủ trì việc xây cất chợ Ba Tri, cho đắp lại con đường từ Ba Tri đi Vĩnh Đức Trung, và từ Ba Tri đi Phú Lễ. Nhờ đó, chợ Ba Tri (còn gọi là chợ Trong) trở nên nhộn nhịp, đông đảo kẻ bán người mua.

Cách đó 3 cây số là chợ Ngoài, thuộc làng An Hòa Tây, chợ này lại thưa thớt, vắng vẻ. Thấy vậy, hương chức làng An Hòa Tây cho đắp một con đập ngăn cách, khiến cho ghe xuồng từ sông Hàm Luông không vào được chợ Ba Tri nữa. Chợ này dần dần thưa vắng người mua bán. Do mối bất hòa này, lúc đó có câu ca dao: Chợ Dinh bán đồ con trai,/ Chợ Trong bán chỉ, chợ Ngoài bán kim.

Ông Kiểm tức giận, kiện làng An Hòa Tây, nhưng huyện và phủ đều xử Kiểm thất kiện, với lý lẽ làng nào cũng có quyền đắp đập nước trong địa phận làng mình. Tức giận, ông trùm Kiểm quyết định cùng với hai kỳ lão làng Ba Tri ra Huế đánh trống kêu oan. Không chờ đợi đến mùa gió nồm để đi ghe bầu từ Nam ra Quảng, 3 vị lão nông cơm gói áo đùm lên đường đi bộ.

Lúc bấy giờ, Minh Mạng vừa mới lên ngôi vua. Nhà vua rất cảm mến một người mà dòng họ đã có công khai phá ở địa phương, đồng thời cùng thán phục mấy lão nông đã can đảm, chịu đựng gian khổ đi bộ từ Ba Tri ra đến kinh đô Huế. Minh Mạng truyền chỉ: “Dù làng riêng nhưng rạch chung, huyện phủ phải trông coi việc phá đập”.

Từ đó, người ta gọi chợ Trong là chợ Đập. Ông trùm Kiểm thắng kiện nhờ lòng can đảm, sự kiên trì, và không ngại gian nguy vất vả. Dân chúng thân mật gọi ông là Ông già Ba Tri. Từ đó, Ông già Ba Tri là tên được dùng để chỉ những lão nông cương trực, can đảm, kiên trì, sẵn sàng đứng ra bảo vệ công lý, bênh vực nông dân địa phương.

Cái trống công lý ở triều Nguyễn xem ra cần thiết vô cùng ở hôm nay.

Giờ thì người dân cả nước chờ đợi lượt mình gióng trống

Từ sau tháng Tư, 1975 đã có hàng ngàn người dân oan là đàn bà, đàn ông và cả con nít đi khiếu kiện ở Sài Gòn và Hà Nội. Họ bị mất đất, mất nhà, mất gia sản sự nghiệp vì bọn cường hào ác bá địa phương thao túng lạm quyền. Họ dầm mưa dãi nắng, nằm đường để kêu oan, nhưng cánh cửa công quyền đóng kín, không giải quyết thỏa đáng cho ước vọng cuối cùng của những người dân thấp cổ bé miệng.

Cuối thế kỷ 20 và bước luôn sang thế kỷ thứ 21 mà đời sống của người dân Việt Nam xem ra còn thua thời phong kiến ở triều Nguyễn.

Nếu nền pháp chế xã hội chủ nghĩa hôm nay cũng đặt một cái trống như vậy ở chốn pháp đình, tin rằng người đến đánh trống không chỉ dân chúng, mà còn có cả doanh nhân. Vụ oan ức nửa đêm mở tờ khai điện tử xuất khẩu gạo vừa qua, là một ví dụ cho cần thiết gióng nhiều hồi trống kêu oan.

Một lưu ý, hầu hết các vụ kêu oan ở Việt Nam thời hiện đại đều không phải là hành vi bộc phát nhất thời của người dân, mà là đã tích tụ lâu dài. Lời phản ánh, tiếng kêu cứu của họ không được các cơ quan có trách nhiệm lắng nghe, và giải quyết thấu tình đạt lý, nên mới đẩy mâu thuẫn lên cao trào, âm ỉ mầm xung đột.

Người dân chưa bao giờ quá khắt khe với chính quyền, thậm chí họ còn bao dung, cao cả; và người dân một khi đã đồng lòng lên tiếng và hành động thì khó mà sai!. Nên nhớ, mọi sự thành – bại, thịnh – suy đều nhờ dân và do dân; cán bộ đã làm phận “công bộc” thì chớ coi thường, khinh suất.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)