VNTB – Pháp nhân phi thương mại thì làm sao lại có thể trốn thuế?

VNTB – Pháp nhân phi thương mại thì làm sao lại có thể trốn thuế?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Các tổ chức xã hội không phải là chủ thể của tội trốn thuế.

 

Sai chủ thể của tội phạm

Ngày 6-12, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội ban hành cáo trạng truy tố bị can Mai Phan Lợi, nguyên chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC); từng là trưởng văn phòng đại diện một cơ quan báo chí phía Nam tại Hà Nội, về tội Trốn thuế, theo khoản 3, Điều 200 Bộ luật hình sự. Bị can Bạch Hùng Dương, nguyên giám đốc MEC, cũng bị truy tố cùng tội danh.

Theo cáo trạng, Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng MEC thành lập từ năm 2012 theo quyết định của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Doanh thu của trung tâm là các khoản tiền tài trợ hoặc nhận được từ các tổ chức trong và ngoài nước thanh toán hợp đồng thực hiện công việc theo thỏa thuận.

Từ năm 2012 đến tháng 3-2021, MEC đã phát sinh doanh thu nhận tổng số tiền hơn 19 tỉ đồng. Tuy nhiên, mỗi lần trung tâm nhận được tiền tài trợ của các tổ chức, ông Lợi đều chỉ đạo giám đốc là Bạch Hùng Dương ký các chứng từ rút tiền và chỉ đạo nhân viên không lập hóa đơn giá trị gia tăng các dịch vụ, công việc đã thực hiện.

Bị can Lợi cũng chỉ đạo cấp dưới không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ theo quy định pháp luật, không lập báo cáo tài chính, không nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Tổng số tiền ông Mai Phan Lợi cùng đồng phạm trốn thuế gần 2 tỉ đồng.

Tuy nhiên đúng như cách đặt vấn đề của bài viết “Nhà báo Mai Phan Lợi và luật gia Đặng Đình Bách bị bắt vì EVFTA”, thì ở đây các tổ chức xã hội không phải là cá nhân, không phải là pháp nhân thương mại nên Bộ luật hình sự không điều chỉnh. Các tổ chức xã hội không phải là chủ thể của tội trốn thuế.

Thông thường luật sư bào chữa cho các trường hợp này là việc truy tố sai “chủ thể của tội phạm” chứ không phải là các hành vi của pháp nhân. Nếu tình trạng này không chấm dứt thì sẽ còn nhiều oan sai, nhiều người bị kết án tuỳ tiện.

Chỉ khác nhau mỗi chữ “phi” thì luật đã khác hẳn

Nếu như đây là pháp nhân thương mại có dấu hiệu phạm tội trốn thuế, thì theo khoản 5 của Điều 200 Bộ luật hình sự tu chỉnh năm 2017, “Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”.

Theo quy định tại Điều 13 của Luật Doanh nghiệp 2020, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên xin lưu ý, Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng MEC thành lập từ năm 2012 theo quyết định của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, là một tổ chức pháp nhân phi thương mại.

Hình sự hóa một quan hệ dân sự cho ý đồ chính trị

Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về pháp nhân phi thương mại như sau:

“Điều 76. Pháp nhân phi thương mại

1. Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.

2. Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.

3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Khác với pháp nhân thương mại có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận thì pháp nhân phi thương mại có nhiều mục đích khác nhau tùy thuộc vào từng loại pháp nhân phi thương mại cụ thể nhưng đây là những pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc trong quá trình hoạt động của pháp nhân phi thương mại thì không có phát sinh lợi nhuận. Lợi nhuận của pháp nhân phi thương mại không được chia cho các thành viên.

Pháp nhân phi thương mại bao gồm: Các cơ quan nhà nước: Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan có chức năng quản lý nhà nước thuộc Chính phủ; ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân…;

Đơn vị vũ trang nhân dân: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ; Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.

Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với pháp nhân thương mại, thì luật áp dụng sẽ là Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan. Còn đối với pháp nhân phi thương mại thì luật áp dụng sẽ là Bộ luật dân sự, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nói ngắn gọn, các tổ chức xã hội không phải là chủ thể của tội trốn thuế.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Trần Đức Quang 2 years

    Bài viết dốt về luật, “…các tổ chức xã hội không phải là chủ thể của tội trốn thuế”, “Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên”. Không chia lợi nhuận và nghĩa vụ phải nộp Thuế là khác nhau, đã là Doanh nghiệp (bất kỳ loại hình gì) thì mọi hoạt động được điều chỉnh bỡi Luật Doanh nghiệp, có nghĩa là mọi hoạt động Tài chính cũng bị điều chỉnh bỡi Luật kế toán, là Chủ tịch, anh chỉ đạo cấp dưới không thực hiện chế độ kế toán, bỏ ngoài sổ sách doanh thu hàng năm, xuất hàng không hóa đơn chứng từ, không lập báo cáo tài chính, không nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Vậy tội đó là gì ? Cứ nhắm mắt viết bừa.