Út Sài Gòn
(VNTB) – Giả sử, nếu ngày mai mở mắt dậy, lại cách ly xã hội như thuở trước, thì cuộc sống mưu sinh của người dân sẽ như thế nào khi “quỹ tích cốc phòng cơ” đã hao hụt dữ lắm rồi dưới thời ‘ai ở đâu ở yên đó’?
– Tui là tui thấy tình hình có vẻ không được thoải mái lắm à nha.
– Anh đang nói vụ mấy ca nhiễm bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi mới rồi hả anh Tám?
– Chứ còn gì nữa, báo chí cũng viết mấy ca ngoài Đà Nẵng đó nặng nè, phải thở máy. Không biết sao mới phát hiện mà nặng dữ thần vậy. Địa phương như Huế lập chốt chặn khai báo y tế rồi. Với những người từ Đà Nẵng qua cũng phải chú ý. Không biết có ai dự đám cưới xong rồi đi vào Sài Gòn không nữa?
– Cái đó người dân như tụi mình sao biết được? Sài Gòn rộng lớn nữa. Để cho nhà chức trách lo vậy.
– Mà tui thấy thế này, không biết mấy người giúp đỡ dân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam trái phép nghĩ sao mà làm vậy? Lỡ mấy người đó bị bệnh thì sao? Rồi thí dụ như có thêm một thời gian cách ly xã hội như lúc trước nữa à? Dân biết sống sao?
– Anh nói cũng có lý. Mà tui thấy mệt mỏi nhất vẫn là các nhân viên trong ngành y tế. Họ liên tục có những cảnh báo về dịch, kêu rằng dịch vẫn chưa hết đâu, có những bảng điện tử, băng rôn tuyên truyền nhưng nhiều người dân lại không nghe, hết giãn cách xã hội là mặc định đã hết dịch. Đụng chuyện thì họ cực nhất chứ ai, mà lỗi có phải của họ đâu!
Ở ngoài kia thế giới dịch chứ Việt Nam thì mấy con virus đó đừng có mơ. Đó là chưa kể còn tính nối lại chuyến bay với Trung Quốc trong khi nó đang tái nhiễm nữa chứ. Trong khi đó, mình đã từng bị một lần ở ca thứ 17 rồi, mà vẫn ỷ y.
Đợt cách ly xã hội trước đã làm cho đời sống người dân mình thêm khốn đốn rồi. Từ người buôn bán cho đến chạy xe ôm, tài xế taxi. Từ ông thợ hớt tóc cho đến cô lao công, bảo mẫu. Đủ thứ hết trơn.
– Đó là chưa kể đến những người tàn tật, những người bán vé số nữa đó nha. Cũng may mắn là có nhiều mạnh thường quân, các hội ra tay giúp đỡ như cây ATM gạo, hỗ trợ ở chùa Vĩnh Nghiêm, báo Người Lao Động… rồi các nhóm cá nhân tự bỏ tiền túi ra, vận động quyên góp nên đỡ phần nào.
– Tui có đi nhiều chuyện với một số bà con mình sau mùa cách ly. Nhiều người than quá trời, nhưng vì cái chung nên họ chấp nhận. Có người đỡ hơn, trước đó họ đi làm, có để dành được một khoản nên cũng lây lắt qua được thời điểm cách ly xã hội. Giờ mà không chú ý kỹ dịch thì nguy hiểm lắm à, không biết “nội lực” sẽ còn bao nhiêu để cầm cự.
– Thì cũng có người ảnh hưởng quá nên họ mặc kệ luôn đó anh Út. Cái anh xe ôm ở quận 4 tui quen nè, ổng kêu không lẽ giờ cách ly xã hội nữa. Biết sống sao? Thôi thì bệnh kệ, tới đâu thì tới.
– Nghe qua thì thấy sao phó mặc, nguy cơ nhưng cũng không trách họ được. Khó khăn quá mà, gói cứu trợ thì giấy tờ rắc rối. Trong khi tiền điện, nước, sinh hoạt, tiền nhà… tới dồn dập, có chờ được đâu.
– Bởi vậy, thiệt chán quá đi mà. Nếu mấy người đó chịu ý thức một chút rằng dịch vẫn còn rất nguy hiểm, vắc-xin chưa có, người bệnh vẫn còn thì có lẽ sẽ không xảy ra trường hợp ca nhiễm Đà Nẵng, hay sẽ không có những người nhập cảnh trái phép rồi.
Thế mới thấy, vẫn còn khó khăn nhiều lắm. Nếu cách ly trở lại, người dân sẽ thêm phần cơ cực. Trên ai hết, có thể chính quyền cũng không muốn điều đó xảy ra. Chính vì thế, cần lắm những sự cẩn trọng của người dân. Bởi lẽ, con cúm Tàu vẫn ngày càng thêm hung hãn, hệt như mấy ông quan luôn có giấc mộng bá quyền Biển Đông vậy ớ…