Việt Nam Thời Báo

VNTB – New York Times có phải lệ thuộc Ban Tuyên giáo?

Đặng Đình Mạnh

 

(VNTB) – Khó mà hình dung rằng The New York Times sẽ lệ thuộc vào sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo nào đó cho phép đăng tin hoặc buộc gỡ tin như truyền thông trong nước đã phải từng đối diện mới đây

 

Đầu giờ chiều ngày 06 Tháng Chín 2024, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin về sự hiện diện của Cơ quan Cảnh sát Điều tra tại trụ sở Công ty Cổ phần VNG (Vinagame trước đây) trú đóng tại Quận 7, Sài Gòn để khám xét, thu giữ hồ sơ, vật chứng tại đây. Nhưng chỉ khoảng 1 tiếng sau, họ đồng loạt gỡ tin trước sự bình thản của công chúng.

Cho dù, không có một lời giải thích hoặc xin lỗi nào được đưa ra từ giới chức có thẩm quyền hoặc Tổng Biên tập tờ báo. Vì lẽ, công chúng đã khá quen thuộc và hầu như cũng vô cảm với cung cách hành xử bị xem thường như vậy từ giới truyền thông trong nước.

Về vụ việc, có vẻ như Ban Tuyên giáo của Đảng đã sớm can thiệp để yêu cầu giới truyền thông gỡ tin vì lý do không tiện tiết lộ, chứ không hẳn vì giới truyền thông đưa tin không chính xác. Vì lẽ, trong các tin đã đăng tải trước đó, truyền thông đã đính kèm theo khá nhiều hình ảnh chụp hàng trăm cảnh sát mặc cảnh phục đang phong tỏa quanh trụ sở, xe chuyên dụng và xe tải của cơ quan công an chở hồ sơ, máy tính điện tử và vật chứng khác… đang đậu đầy trước cổng và trong sân của Công ty VNG.

Trước đó một ngày, ngày 5 Tháng Chín 2024, truyền thông trong nước cũng đưa tin về việc hãng truyền thông lớn của Hoa Kỳ là The New York Times vừa được nhận giấy phép thành lập văn phòng thường trú tại Việt Nam, và sẽ đi vào hoạt động vào Tháng Mười 2024.

Được biết, The New York Times là một hãng truyền thông có uy tín hàng đầu ở Hoa Kỳ và trên thế giới. Hãng có bề dày hoạt động rất lâu đời, ít nhất là 173 năm, kể từ khi được thành lập vào Tháng Chín 1851 – 2024. Đồng thời, hãng cũng đã giành được khá nhiều giải Pulitzer, giải thưởng danh giá và uy tín nhất về lĩnh vực báo chí tại Hoa Kỳ.

Khi trao giấy phép cho ông Damien Cave, Trưởng Đại diện Văn phòng thường trú báo New York Times tại Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Ngoại giao được truyền thông trong nước dẫn tin cho rằng: “New York Times sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để tiến hành các hoạt động báo chí tại Việt Nam, đưa nhiều tin bài sinh động hơn về Việt Nam và khu vực, giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về đất nước, con người Việt Nam”, đồng thời “New York Times sẽ có những bài viết chuyên sâu về quan hệ Việt – Mỹ, góp phần tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt trong bối cảnh hai nước sẽ kỷ niệm một năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ vào năm 2025”.

Trong lời đáp từ, ông Damien Cave cho biết quyết định mở văn phòng cho thấy Việt Nam đang ngày càng thu hút sự chú ý của dư luận báo chí Mỹ và thế giới. Ông Cave nói thêm vào ngày 6 Tháng bảy 1946, New York Times đã có vinh dự phỏng vấn ông Hồ Chí Minh.

Theo ông Cave, Việt Nam đang có vị thế và vai trò ngày càng cao trên trường quốc tế và quan hệ Việt – Mỹ có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. New York Times muốn góp phần kể câu chuyện về Việt Nam đổi thay về mọi mặt, về quan hệ Việt – Mỹ một cách chính xác và khách quan.

Qua phát biểu của 2 bên, đã cho thấy ngay tình trạng “Đồng sàng dị mộng” giữa đôi bên ngay từ thời điểm trao giấy phép hoạt động. Trong đó, phía Việt Nam muốn “định hướng” hoạt động của New York Times trong phạm vi “tô hồng” cho chính quyền Việt Nam và cho quan hệ 2 chính quyền Việt – Mỹ. Thế nhưng, New York Times lại cam kết “kể câu chuyện về Việt Nam… về mọi mặt, về quan hệ Việt – Mỹ một cách chính xác và khách quan”.

Thật ra, nếu hiểu về truyền thông của Hoa Kỳ, thì chúng ta sẽ không ngạc nhiên về lời đáp từ của vị đại diện New York Times khi lờ qua những “định hướng” “tô hồng” mà phía Việt Nam đề nghị, mà lại nhấn mạnh về những giá trị “Chính xác và Khách quan”.

Vì lẽ, đó cũng là những giá trị mang tính cách nền tảng, mang lại sức mạnh cho giới truyền thông Hoa Kỳ, đến mức được mệnh danh như là quyền lực thứ tư bên cạnh ba quyền lực truyền thống của Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp.

Theo đó, lần đầu tiên, sẽ có cơ quan truyền thông đưa tin từ trong nước một cách chính xác và khách quan. Dĩ nhiên, theo đó khó mà hình dung rằng cơ quan đó (New York Times) sẽ lệ thuộc vào sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo nào đó cho phép đăng tin hoặc buộc gỡ tin như truyền thông trong nước đã phải từng đối diện mới đây, mà việc phải đồng loạt gỡ tin về Công ty VNG bị khám xét trụ sở là một trường hợp điển hình còn nóng hổi.

Nhiều người lạc quan tếu, cho rằng việc chấp thuận cho New York Times mở văn phòng thường trú, đồng nghĩa với việc chế độ mới từ ông Tô Lâm đã sẵn sàng tâm thế lắng nghe những lời “Trung ngôn nghịch nhĩ”? Và điều đó sẽ giúp cho những đài truyền thông trong nước “tập dượt” trước khả năng đón nhận việc cởi trói, trả lại quyền tự do báo chí bị tước đoạt bấy lâu nay?

Tôi cũng tin vào việc trả lại quyền tự do báo chí, thế nhưng, chứng kiến nửa thế kỷ báo chí tự do bị trói buộc trong “vòng kim cô” của Đảng Cộng sản thông qua Ban Tuyên giáo, tôi nghĩ điều đó còn rất xa vời, ít nhất chưa phải lúc này.

DC, ngày 11 Tháng chín 2024.

 

 


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đàn áp tu sĩ và giáo dân công giáo: thông điệp sắt máu của chính quyền (*)

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Có một sự thật khác đằng sau “ Nối Vòng Tay Lớn” 

Do Van Tien

VNTB – Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam cần lên tiếng bảo vệ hội viên

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.