Nhóm PV tài chính VNTB
(VNTB) – Nếu ngân hàng TMCP ấy đang nợ nần, thì có thể hiểu một cách đơn giản rằng, 90 triệu dân Việt Nam phải gánh khoản nợ này. NHNN mua ngân hàng ấy, tức là ngân hàng đó đã trở thành doanh nghiệp nhà nước 100%. Điều đó có nghĩa ngân hàng phút chốc thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước phải trả toàn bộ số nợ mà ngân hàng này đã vay.
Mua lại ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) giá 0 đồng hay quốc hữu hóa đều như nhau. Về bản chất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp quản, xử lý toàn bộ hoạt động của ngân hàng TMCP. NHNN phải giải quyết mọi giao dịch mà ngân hàng ấy để lại cũng như chịu trách nhiệm chi trả các khoản nợ.
Cổ đông nhỏ trắng tay
Với việc NHNN mua lại, trước hết, những người chủ sở hữu ngân hàng này bị mất ngân hàng. Những cổ đông của ngân hàng coi như mất trắng. Việc mua lại khiến số nợ chuyển lên đầu người dân, song về lý thuyết thì đôi khi là điều cần làm. Bởi để cho ngân hàng TMCP ấy phá sản có thể ảnh hưởng đến cả hệ thống. Mặt khác, việc NHNN tiếp quản còn để làm yên lòng những người gửi tiền ở các ngân hàng khác.
Tuy nhiên ở đây việc bị mua lại với giá 0 đồng, cổ đông nhỏ lẻ của ngân hàng đó là chịu thiệt hại nặng nhất, vì thực tế họ đâu có được biết các cổ đông lớn đã sử dụng vốn của họ như thế nào. Đơn cử, liệu có phải chuyện “mua” ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) với giá 0 đồng là đến từ việc hồi tháng 7 năm ngoái, Chủ tịch và Tổng giám đốc VNCB là Phạm Công Danh và Phan Thành Mai cùng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và bắt tạm giam?.
Trên pháp luật, quyền của cổ đông nhỏ được xây dựng như một định chế, đó là có quyền được truy vấn ban điều hành, hội đồng quản trị (HĐQT) của ngân hàng mình góp vốn; hay như các ngân hàng đều phải có thành viên HĐQT độc lập để bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông nhỏ. Tuy nhiên, những quyền này gần như không có thực chất trong việc bảo vệ quyền cho cổ đông nhỏ. Với những ngân hàng yếu kém bị mua lại 0 đồng như GP.Bank (ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu), VNCB đã rất nhiều năm không có báo cáo tài chính nhưng những cổ đông nhỏ lẻ cũng không đòi hỏi. Thực tế họ có quyền này, nếu HĐQT và ban điều hành không gửi cho họ kết quả kinh doanh thì họ có quyền kiện ra tòa để đòi quyền lợi. Nhưng ở Việt Nam thì cổ đông nhỏ góp vốn vào ngân hàng như trò đánh bạc, thông qua chuyện mua cổ phần OTC (Over-The-Counter). Điều đó giải thích vì sao trên lý thuyết là lâu nay, hầu hết các ngân hàng lớn nhỏ đều có thành viên HĐQT độc lập nhằm bảo về các cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ lẻ. Song quyền này trên thực tế đã bị đóng băng.
Chủ nhà băng: những đại gia đỏ
Tạm gọi những ông bà chủ nhà băng xuất thân thành đạt tại Nga và các nước XHCN cũ ở Đông Âu, là những “đại gia đỏ”.
Đầu năm 2006, có một vụ án “dấu hiệu rửa tiền” được công bố. Tuy nhiên sau đó đã… “lặng lẽ” khép lại vì những “nghi can” ban đầu này còn đồng thời là chủ của một ngân hàng TMCP bề thế.
Xin được tóm lược: Ngày 12/1/2006, qua công tác nghiệp vụ, lực lưỡng nn ninh thuộc Công an TP Hà Nội đã có căn cứ kết luận Công ty TNHH ALRA có địa chỉ tại Liên bang Nga do ông Lê Minh Tuấn làm Tổng Giám đốc có hành vi vi phạm chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam, sử dụng ngoại tệ có dấu hiệu rửa tiền. Công an TP Hà Nội đã có công văn gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sự việc vi phạm trên, đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cử cán bộ phối hợp cùng với lực lượng An ninh Công an TP Hà Nội để xác minh làm rõ.
Kết quả điều tra, tháng 10/2003, Công ty TNHH ALRA đã mở 2 tài khoản ngoại tệ (USD) và Việt Nam đồng (VND) tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP ở quận Tân Bình, TP HCM. Chủ tài khoản là ông Lê Minh Quân, Tổng Giám đốc công ty TNHH ALRA đã ủy quyền cho ông Nguyễn Quỳnh Lâm giao dịch. Việc mở 2 tài khoản này là trái phép bởi lẽ theo quy định, Công ty TNHH ALRA mở và duy trì tài khoản tại Việt Nam phải được phép của Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga… Song, không rõ vì sao ông giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP tại quận Tân Bình, TP HCM vẫn cho duy trì 2 tài khoản. Từ tháng 10/2003 đến 11/2005, Công ty TNHH ALRA đã bán gần 15 triệu USD, tương đương gần 232 tỷ đồng theo thời giá cho Chi nhánh Ngân hàng TMCP này. Số tiền này lại được chuyển lòng vòng thông qua nhiều cá nhân và pháp nhân thuộc nhóm Công ty cổ phần với những ông bà chủ cũng xuất thân làm ăn thành đạt tại Nga làm các thủ tục hợp pháp hoá nhằm xóa nguồn gốc tiền.
Tiếp đó để cho 5 cá nhân và 2 pháp nhân khác mua hơn 10.700 cổ phiếu của ngân hàng mẹ ngân hàng TMCP Chi nhánh quận Tân Bình với số tiền trên 68 tỷ đồng. Tại cơ quan Công an, 2 trong số 5 cá nhân đã mua cổ phiếu đều khai nhận đây là tiền của ông HHA chuyển về Việt Nam cho các cá nhân, pháp nhân để mua cổ phần với hình thức chuyển nộp USD cho Công ty TNHH ALRA tại Cộng hòa Liên bang Nga và một cá nhân khác nhận tiền Việt Nam thông quả tài khoản của Công ty ALRA tại Việt Nam.
Tuy nhiên, không có tài liệu xác nhận lời khai của ông HHA là thực. Bản thân ông HHA không góp vốn với Công ty TNHH ALRA. Cơ quan điều tra cho rằng như vậy, nguồn gốc tiền mua cổ phiếu của các cá nhân pháp nhân là không rõ ràng, thông qua giao dịch bất hợp pháp để đầu tư sinh lợi vào ngân hàng. Sau khi có hàng triệu USD đã được quay vòng và sinh lợi, từ ngày 3/11/2003 đến 4/8/2005, Công ty TNHH ALRA đã chuyển ra nước ngoài gần 13 triệu USD bằng 31 lệnh chuyển tiền. Đối tượng nhận tiền là các công ty nước ngoài có mở tài khoán tại nước ngoài…
Nếu án tuyên đền bù thiệt hại: tiền của dân sẽ lại đổ ra?
Ở vụ án liên quan đến GP.Bank thì có phần quyết liệt hơn. Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại GP.Bank”. Ngày 17/7/2015, C46 đã tiến hành thực hiện quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 02 bị can là ông Tạ Bá Long (sinh năm 1955), Nguyên Chủ tịch HĐQT GP.Bank và ông Đoàn Văn An, nguyên phó Chủ tịch HĐQT, về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, ngày 26/5/2015, NHNN có thông báo về việc đình chỉ quyền và nghĩa vụ đối với cả ông Tạ Bá Long và ông Đoàn Văn An ở GP.Bank. Cùng với hai ông này còn có bà Tạ Thu Thủy, thành viên HĐQT cũng bị đình chỉ quyền và nghĩa vụ. Như vậy nếu các thiệt hại xảy ra với tư cách pháp nhân GP.Bank, cho thấy trước tiên chuyện chi trả khi bản án có hiệu lực, chính là ngân hàng đã mua lại GP.Bank “giá 0 đồng”; nghĩa là một lần nữa tiền của dân lại phải chi ra để “thi hành án”.
Xin lược qua về thân thế của ông Tạ Bá Long và ông Đoàn Văn An. Theo bản cáo bạch phát hành năm 2010 thì ông Tạ Bá Long sở hữu 4,9% vốn của GP.Bank tại thời điểm năm 2010 với 9,8 triệu cổ phần; Vợ ông Long sở hữu gần 4,3% vốn ngân hàng và con gái sở hữu hơn 4,1% vốn. Cùng với GP.Bank, ông Tạ Bá Long còn là thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI). Ông Tạ Bá Long còn là chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Du lịch Thương mại và Đầu tư Thủ Đô – đơn vị sở hữu tòa nhà Capital Tower số 109 Trần Hưng Đạo Hà Nội. Công ty này có gần 10% vốn thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV Thăng Long GTC – hàng “hot” chuẩn bị bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào 13/8 tới đây.
Ông Đoàn Văn An trong khi đó cũng ngồi trên ghế Phó chủ tịch Hội đồng quản trị GP.Bank trong 13 năm, từ 2002 đến 2015. Ngoài công tác ở GP.Bank, ông Đoàn Văn An còn được biết đến nhiều trong vai trò là chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Công ty cổ phần sân gôn Ngôi sao Chí Linh – ông chủ của Sân gôn Ngôi sao Chí Linh. Ở GP.Bank, ông Đoàn Văn An và người nhà là cổ đông lớn tại thời điểm năm 2010, trong đó riêng ông An sở hữu 4,65% vốn, ngân hàng, vợ và con trai sở hữu tổng cộng gần 4,3% nữa…
Đánh bùn sang ao?
Câu hỏi đặt ra hiện nay là, các cổ đông nhỏ lẻ phải chịu “trắng tay”, nhưng các cổ đông lớn là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước nắm giữ vốn tại “ngân hàng 0 đồng” thì sao, trách nhiệm của các đơn vị này thế nào khi để mất vốn của Nhà nước? Các doanh nghiệp cổ phần sẽ ra sao khi hàng trăm tỷ đồng họ đầu tư vào ngân hàng giờ đây chỉ còn lại con số 0, trách nhiệm của người đứng đầu với cổ đông thế nào?
Đơn cử, trước thời điểm NHNN mua lại bắt buộc cổ phần của OceanBank, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu 20% vốn OceanBank. Các tổ chức khác cũng nắm giữ tỷ lệ lớn cổ phần của OceanBank như Tập đoàn Đại Dương (OGC) sở hữu 20%; Công ty TNHH VNT nắm 20% vốn; Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sông Đà giữ 6,65% vốn, còn lại hơn 30% của các cổ đông khác.
OceanBank có vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng, với 20% vốn sở hữu tức PVN đã đầu tư vào ngân hàng 800 tỷ đồng, OGC và VNT mỗi đơn vị cũng đầu tư con số tương tự, còn Đầu tư và Xây dựng Sông Đà đầu tư hơn 266 tỷ đồng…
Xin được tạm kết bằng một thắc mắc của nhiều cổ đông nhỏ: “Chúng tôi vẫn nhận được báo cáo tài chính về hoạt động kinh doanh rất khả quan của ngân hàng. Năm trước OceanBank còn được vinh danh là 1 trong 200 doanh nghiệp phát triển nhanh và lành mạnh. Đến quý 3/2014 còn nhận những giải thưởng quốc tế như ngân hàng bán lẻ tốt nhất của năm… Nhưng bỗng dưng NHNN có thông báo kiểm soát đặc biệt rồi cho thời gian ngắn ngủi để tăng vốn, và sau đó là quyết định mua lại bắt buộc. Cổ đông bỏ vốn vào bây giờ mất trắng, các doanh nghiệp làm ăn khó khăn lại mất hết cả vốn hàng trăm tỷ đồng thì biết phải làm sao?”.