Anh Khoa
(VNTB) – Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh xứng đáng đặt vào ngôi đền tâm thức Nhân Dân, cùng với Trung tướng Trần Độ và nhiều nhân sĩ – trí thức vì dân, vì nước khác.
Ông, nếu xét trên tinh thần của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Quy định 102 do Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN, thì Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh là người thuộc nhóm “suy thoái tư tưởng”, “tự diễn biến, tự chuyển hoá”.
Năm 2014, ông đồng hành cùng với giới nhân sĩ, trú thức khi ký thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Trung ương, tuyên bố: ĐCSVN đã “dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin”. Nói cách khác, ông từng đi cùng chiến tuyến với vị Giáo sư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng nhận thức bắt kịp thời đại, và một lòng hướng tới lợi ích dân tộc toàn diện đã tách ông ra khỏi quan điểm, nguyên tắc xây dựng đảng của những đảng viên cao giọng trung kiên và “vì dân, vì nước ”đầy tính thổ tả.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã làm tròn vành cụm từ Nhân Dân trong cụm từ Quân Đội Nhân Dân Việt Nam vì thái độ và sự cảnh giác của ông trước hiểm hoạ Trung Quốc (gần nhất là lưu tâm của ông về vấn đề Bãi Tư Chính, ông phê phán trực tiếp quan điểm của ông Nguyễn Phú Trọng), lên tiếng về nhu cầu cầu dân chủ thực tế của người dân trong nước, và người thẳng thắn phê bình thực trạng độc tôn quyền lực của các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam.
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cho thấy một quy tắc đạo đức bình dị – quy tắc ứng xử trước sau như một trước “giặc” để gìn giữ và bảo vệ vùng đất hình chữ S trước nguy cơ đe doạ và lũng đoạn từ cả quyền lực trong và ngoài.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, “Người đã từng đứng mũi chịu sào cùng với đồng bào thề không đội trời chung với giặc” (thơ Bùi Chí Vinh tưởng niệm Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh).
Chính lẽ đó, ông đã làm tròn Bổn phận, Danh dự, Đất nước: Ba từ thần thánh đến từ trăn trở thời đại, lòng can đảm trước súng đạn của kẻ thù và chính quyền, đức tin về nhân tâm, hy vọng về dân chủ.
Ông làm dậy lên niềm tự hào về sự trung thực, khiêm tốn, và sự đối mặt với thực tiễn đất nước thay vì “vui thú điền viên” hay “mũ nỉ che tai” để giữ lại bổng lộc nhà nước.
Khi ông thể hiện sự phản ứng thẳng thắn trước quyền lực tuyệt đối của Đảng cộng sản, ông đồng thời cho thấy lòng trắc ẩn đối với những người bất đồng chính kiến. Ông học được từ trong quá khứ một bài học, khi quyền lực được tập trung tuyệt đối vào 1 chính đảng, đồng nghĩa quyền lực nhân dân bị hạ xuống mức thấp nhất.
Ông thể hiện tâm và tầm xứng đáng với máu xương của hành vạn chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc, những người “vì Nhân Dân quên mình”, chứ không phải vì độc lập và tự do cai trị của bất kỳ chính đảng nào.
Ông xứng đáng là một người học trò xuất sắc của ông Hồ Chí Minh về chủ nghĩa dân tộc, và nguyên tắc tự chủ dân tộc có từ thời kỳ Khúc Thừa Dụ.
Là người đi từ khói lửa của chiến tranh, chứng kiến sự cố thủ đến bất lực của chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ bao cấp, và một sự đổi mới nửa vời với tư duy “đào, xúc, múc, bán” gắn liền với cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ông trở thành một chứng nhân, người viết lịch sử bằng máu và chế độ bằng nước mắt.
Bằng sự trăn trở trước chủ quyền và tha hoá quyền lực, đã đưa Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh thuộc về tương lai của dân tộc này, khi đề ra nguyên tắc của sự phát triển bền vững của quốc gia chính là tự do, dân chủ và tự quyết trong dân.
Trong tiết trời đông Hà Nội, một nén nhàng trầm vĩnh biệt Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người trí thức thực sự của dân tộc Việt Nam, hưởng thọ 103 tuổi (1916 – 2019).