Anh Khoa dịch
(VNTB) – VinFast phải đối mặt với những thách thức lớn khi thâm nhập thị trường Mỹ.
Người giàu nhất Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, không thể trở thành người có tài sản trên 4 tỷ USD mà không gặp vài rủi ro. Công việc kinh doanh hiện tại của ông Vượng là tạo ra công ty sản xuất xe hơi toàn cầu đầu tiên của Việt Nam, VinFast Auto, và ông ta đang đặt cược hơn 10 tỷ USD để biến công ty này thành một thương hiệu khả thi trên thị trường xe hơi điện toàn cầu. Nhưng hành trình của VinFast cho đến nay khá gập ghềnh và có nhiều hoài nghi về việc liệu VinFast có thể cạnh tranh ở nước ngoài hay không. Dù vậy, CEO VinFast, vốn là cựu nhân viên ngân hàng, vẫn tràn đầy tự tin. bà Lê Thị Thu Thủy, 49 tuổi, cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là làm cho mọi người có thể tiếp cận được với xe hơi điện.”
VinFast có những mục tiêu táo bạo, như bán được 1 triệu xe hơi điện trên toàn thế giới trong vòng 6 năm. (Tesla phải mất 17 năm mới đạt được mục tiêu này.) Sau khi đầu tư gần 10 tỷ USD để tung ra một số mẫu xe điện, phát triển cơ sở hạ tầng sạc và xây dựng một nhà máy hoàn toàn tự động tại Việt Nam, VinFast có kế hoạch đầu tư thêm 1,8 tỷ USD trong ba năm tới để có nhà máy sản xuất ở Hoa Kỳ vào năm 2025, Indonesia và Ấn Độ vào năm 2026. Trong tổng số đó, 1,4 tỷ USD sẽ được đổ vào giai đoạn đầu tiên của một nhà máy đang được xây dựng ở Bắc Carolina. Mục tiêu là tận dụng các khoản trợ cấp và lợi ích về thuế của chính phủ Mỹ tại đây và tăng công suất sản xuất hàng năm của tập đoàn lên khoảng 550.000 chiếc xe hơi vào năm 2026 từ mức 300.000 chiếc hiện nay – công suất hiện tại của nhà máy duy nhất tại Việt Nam.
VinFast hiện chỉ là hãng xe nhỏ xíu trên thị trường Mỹ rộng lớn. Theo trang web công nghiệp ô tô Mark Lines, trong 9 tháng đầu năm 2023, công ty này chỉ bán được 2.000 chiếc xe hơi điện ở Mỹ. Tổng cộng, VinFast cho biết họ đã giao khoảng 21.000 chiếc xe hơi điện trong ba quý đầu năm, nhưng có khoảng 13.000 chiếc, tương đương hơn 60%, được sử dụng tại Việt Nam cho công ty taxi Green and Smart Mobility (GSM), một công ty taxi điện của Phạm Nhật Vượng và tập đoàn Vingroup. Họ cho biết GSM đã đặt hàng 30.000 xe hơi điện để triển khai dịch vụ taxi điện trên khắp Việt Nam, và dịch vụ này đang được mở rộng sang Lào, sau đó sang Campuchia. GSM cho biết họ đang cân nhắc việc thâm nhập thị trường taxi ở Mỹ.
Fathima Shifara Samsudeen, nhà phân tích của LightStream Research có trụ sở tại Colombo, cho biết trong một ghi chú được công bố vào tháng 9 trên nền tảng nghiên cứu SmartKarma, doanh số bán hàng cho chi nhánh của VinGroup là dấu hiệu cho thấy nhu cầu khá thấp. Trong một email riêng, bà nói rằng công ty này “sẽ gặp khó khăn trong việc bán các mẫu xe điện của họ trên thị trường toàn cầu”. Tại Mỹ, doanh số bán mẫu SUV hạng trung có tên VF 8, mẫu xe đầu tiên và duy nhất hiện có của công ty, đã bị ảnh hưởng do đợt thu hồi xe đáng xấu hổ vào tháng 5 – hai tháng sau khi đợt bán hàng bắt đầu.
VinFast cho biết họ tự nguyện thu hồi xe để khắc phục trục trặc phần mềm sau khi Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Hoa Kỳ cảnh báo lỗ hổng này đã chặn thông tin an toàn và “có thể làm tăng nguy cơ xảy ra va chạm”. Bà Thủy cho biết công ty đã sử dụng phản hồi của thị trường để giúp sửa chữa xe. Bà Thủy cho biết qua email: “Chúng tôi đã phát hành các bản cập nhật phần mềm mang lại những cải tiến quan trọng.”
Bên cạnh việc thu hồi xe, VF 8 trong khoảng thời gian ra mắt đã nhận được nhiều đánh giá tiêu cực, cả từ các báo chuyên xe hơi chính thống như Motor Trend, Road & Track, Edmunds và Kelley Blue Book.
Vào thời điểm đó, xe VF 8 được cho là có chất lượng lái kém và các vấn đề về bộ nhún, giám sát điểm mù, định vị, đèn xi nhan và thắng. Đề cập đến những lời chỉ trích như vậy, bà Thủy nói: “Xe có thể không được thiết kế cho thử nghiệm trong những điều kiện và hành vi đặc biệt, điều này không làm hài lòng một số tài xế, nhưng chúng tôi đã nhanh chóng bổ sung những cải tiến được yêu cầu”. Trong thông cáo báo chí từ cuối tháng 10, hãng cho biết: “Trong vài tháng qua, hãng đã có một loạt cải tiến cho chiếc SUV điện VF 8 được thiết kế nhằm nâng cao trải nghiệm lái xe cho khách hàng”.
Bà Thủy vẫn không nản lòng và khẳng định VinFast có thể đạt được mục tiêu cung cấp tới 50.000 xe hơi điện trong năm nay với doanh số dự kiến sẽ tăng tốc trong quý 4, thời điểm mà bà coi là thời kỳ cao điểm. Bà nói: “Chúng tôi có một số mẫu sẵn sàng ra mắt trên toàn cầu trong vài tháng nữa. Và VinFast dự kiến bắt đầu bán VF 8 tại Pháp, Đức và Hà Lan vào cuối năm nay.” Công ty cũng sẽ bắt đầu vận chuyển những chiếc SUV bảy chỗ, được đặt tên là VF 9, cũng như một chiếc SUV nhỏ gọn, VF 6, tới Bắc Mỹ.
David Byrne, nhà phân tích của công ty nghiên cứu Third Bridge có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết sẽ cần thời gian để VinFast có được sức hút ở Bắc Mỹ và Châu Âu do các vấn đề về danh tiếng sau khi ra mắt VF 8 tại Mỹ trong năm nay. Byrne nói: “Họ cần phải giải quyết mọi việc ngay lập tức nếu muốn bán được một số lượng xe kha khá. Phải mất một thời gian dài để có được mãi lực, ngay cả khi họ làm tốt mọi thứ.”
Những chiếc xe VinFast đã được khen ngợi về mẫu mã xe nhờ nhà thiết kế người Ý Pininfarina, người đã giúp tạo ra những chiếc xe thể thao mang tính biểu tượng như Ferrari 458 Spider. Nhưng xe hơi điện của VinFast không có giá cạnh tranh, Byrne nói. Giá khởi điểm cho VF 8 là 46.000 USD, tương đương với giá của một chiếc Tesla Model Y, Ford Mustang Mach E hoặc Hyundai Ioniq 6. Với phạm vi hoạt động 425 km cho một lần sạc pin đầy, khoảng cách vận hành của VF 8 thấp hơn mức được yêu cầu khi so với phạm vi hoạt động của ba mẫu xe tương đương, tất cả đều có phạm vi hoạt động tối thiểu 482 km trở lên. “Giá xe của chúng tôi không cao hơn các đối thủ”, bà Thủy nói. “Giá này đã bao gồm các tính năng công nghệ tiên tiến.” Chẳng hạn, ô tô VinFast được trang bị hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến, hướng dẫn người lái khi chuyển làn đường và hỗ trợ đậu xe tự động.
Theo quan điểm của Byrne, VinFast có thể đạt được nhiều sức hút hơn ở Mỹ nếu công ty khai thác được nhiều kiến thức chuyên ngành bản địa hơn. Ông nói: “Họ thuê chuyên gia nước ngoài nhưng họ không nhất thiết chịu nghe lời những chuyên gia này.” Bà Thủy cho biết VinFast không phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào. “VinFast là một công ty khởi nghiệp,” bà nói. “Điều này đòi hỏi khả năng và tốc độ triển khai mà không phải ai cũng có thể thích ứng được. Chúng tôi thường xuyên tinh chỉnh cơ cấu tổ chức của hãng để đảm bảo hiệu quả hoạt động.”
Trong khi VinFast tuyển dụng những nhân sự kỳ cựu trong ngành khi mới thành lập, một số nhân viên đã không ở lại lâu, theo hồ sơ LinkedIn của họ. Chẳng hạn, Michael Lohscheller, cựu Giám đốc điều hành của Opel, người có hơn hai mươi năm kinh nghiệm trong ngành, gia nhập VinFast vào tháng 9 năm 2021 làm Giám đốc điều hành toàn cầu và ra đi sáu tháng sau đó. Bà Thủy là người kế vị ông. Lohscheller đã không trả lời email yêu cầu bình luận.
Một giám đốc điều hành khác, Jeremy Snyder (người giữ một số vị trí quan trọng tại Tesla trong hơn 10 năm) đã được thuê làm giám đốc tăng trưởng vào tháng 5 năm 2020 nhằm dẫn dắt việc thúc đẩy VinFast tại Mỹ nhưng đã nghỉ việc vào tháng 12 năm 2021 trước khi những chiếc xe hơi điện đầu tiên của hãng tới Mỹ. Theo quan điểm của Snyder, “VinFast đã làm rất tốt một số việc. Cơ sở sản xuất của họ khá hiện đại. Họ học rất nhanh và thích nghi rất nhanh. Thực sự có cơ hội để công ty này sẽ làm mọi người ngạc nhiên theo hướng tích cực.”
Trong khi tin rằng VinFast có thể trở thành một thương hiệu toàn cầu, Snyder cho biết ông quyết định ra đi sau chưa đầy hai năm kể từ khi chiến lược và cơ cấu lãnh đạo được hình thành. Ông tóm tắt thách thức đối với VinFast như sau: “Nếu sản xuất một chiếc SUV không tốt hơn Tesla về mọi mặt hoặc rẻ hơn Tesla nhiều, thì người tiêu dùng sẽ mua một chiếc Tesla”.
Bất chấp những thách thức, ông Vượng vẫn đang nỗ lực tài trợ cho sự tăng trưởng của VinFast và tài trợ phần lớn cho việc mở rộng của hãng. Vào tháng 4, ông và Tập đoàn VinGroup cam kết đầu tư thêm 2,5 tỷ USD vào VinFast và đến tháng 10, VinFast sáp nhập với VinES Energy Solutions để tự cung cấp pin, hiện được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc.
Một hoạt động gây quỹ khác khiến nhiều người phải ngạc nhiên là những ngày đầu giao dịch của VinFast sau khi niêm yết trên Nasdaq vào ngày 15 tháng 8. Được thực hiện thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) do i ông trùm sòng bạc có trụ sở tại Hồng Kông, Lawrence Ho hỗ trợ, và được định giá 23 tỷ USD. Sau đó, không có tin tức mới nào về hãng này, với tỷ lệ thả nổi cổ phiếu tự do chưa tới 1%, giá cổ phiếu đã tăng vọt một cách khó hiểu lên mức vốn hóa thị trường cao nhất là 190 tỷ USD vào ngày 28 tháng 8. Sau đó, cổ phiếu VinFast lao dốc, giảm giá hơn 90% từ đỉnh cao đến mức vốn hóa thị trường là 13 tỷ USD vào cuối tháng 10—và hiện tại, giá cổ phiếu dường như đã ổn định.
Bà Thủy tỏ ra không bối rối trước những biến động mạnh mẽ của giá cổ phiếu. Bà gọi việc niêm yết này là “một cột mốc quan trọng trong quá trình mở rộng toàn cầu của chúng tôi và là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mạnh mẽ vào tầm nhìn của chúng tôi”. Và bà nói thêm: “Việc niêm yết cho phép chúng tôi tiếp cận thị trường vốn quốc tế.” Tháng trước VinFast công bố kế hoạch bán khoảng 76 triệu cổ phiếu. Công ty cũng đã ký một thỏa thuận đăng ký vốn cổ phần dự phòng để bán tới 1 tỷ USD cổ phiếu của công ty trong ba năm tới cho Yorkville Advisors, một quỹ phòng hộ có trụ sở tại New Jersey.
Điều chắc chắn là VinFast vẫn chưa có lãi kể từ khi thành lập vào năm 2017. (Tesla phải mất 17 năm mới có lãi). Ngay cả khi doanh thu trong quý 3 tăng hơn 2,5 lần lên 8,25 nghìn tỷ đồng (337 triệu USD), khoản lỗ vẫn tăng 34% lên 15 nghìn tỷ đồng do chi phí mở rộng toàn cầu cao. Ông Phạm Nhật Vượng, 55 tuổi, cho biết ông kỳ vọng VinFast sẽ hòa vốn vào năm tới và có lãi vào năm 2025 – và dường như không ngạc nhiên trước việc biến VinFast trở thành một thương hiệu toàn cầu lại tốn kém như thế nào. Ông Vượng đã từ chối bình luận cho bài viết này.
Nền tảng của ông Vượng là về kinh doanh hơn là sản xuất xe hơi. Sau khi giành được học bổng và lấy bằng kinh tế khai thác nguyên liệu thô tại Trường Đại học Mỏ-Địa chất Matxcơva, ông Vượng bắt đầu mở một nhà hàng Việt Nam ở Ukraine nhưng thất bại. Nhưng sau đó, canh bạc bán mì ăn liền vào năm 1993 đã mang lại kết quả xứng đáng. Ông đã bán doanh nghiệp đó cho Nestle vào năm 2010 với giá ước tính khoảng 150 triệu USD và dành số tiền thu được cho bước đột phá đầu tiên ở quê nhà: một khu nghỉ dưỡng sang trọng ở một hòn đảo ở Nha Trang. Năm 2017, ông thành lập VinFast để sản xuất xe động cơ đốt trong (ICE), và một năm sau, mạo hiểm lấn sân sang điện thoại thông minh, ra mắt VinSmart. Mảng này đã bị hủy bỏ vào năm 2021 để tập trung vào xe hơi điện, mặc dù công nghệ được phát triển cho điện thoại thông minh đã trở thành màn hình VinFast EV, giúp điều khiển nhiều chức năng của xe hơi. Vào năm 2022, hãng này ngừng sản xuất xe xăng để tập trung 100% vào xe điện. Bà Thủy nói: “Điện khí hóa là xu hướng không thể đảo ngược trên toàn thế giới. VinFast không thể đứng ngoài phong trào toàn cầu này.”
Trên đường tiến lên, ông Vượng còn xây dựng một tòa tháp thương mại ở Hà Nội và một tuyến cáp treo dài 3km nối đảo Nha Trang với đất liền. Ngày nay, ông Vượng đã biến VinGroup thành một trong những tập đoàn kinh doanh lớn nhất Việt Nam với các lĩnh vực giáo dục, y tế, bất động sản và công nghệ. Bà Thủy gia nhập VinGroup vào năm 2008, ban đầu là giám đốc tài chính, sau 8 năm làm việc tại Lehman Brothers với nhiều vai trò khác nhau và lấy bằng MBA của Đại học Quốc tế Nhật Bản. Sau đó, bà trở thành CEO của VinGroup và sau đó là Phó Chủ tịch Tập đoàn. Năm 2017, ông Vượng đề nghị bà làm chủ tịch VinFast và sau đó là CEO vào năm 2021.
Brian Dobson, nhà phân tích tại Chardan Research có trụ sở tại New York, tin rằng VinFast có thể tạo được chỗ đứng trên thị trường toàn cầu. Ông viết vào tháng 10: “Việc chuyển đổi hàng loạt sang xe hơi điện thể hiện một làn sóng đổ bộ vào các thị trường xe hơi đã phát triển chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970”. “Trong giai đoạn thị hiếu người tiêu dùng thay đổi, các thị trường lâu đời sẽ mở cửa cho những công ty mới tham gia”. Theo Chardan, dòng xe điện đến Mỹ, Canada, Châu Âu và Việt Nam có thể sẽ tăng lên 10,8 triệu chiếc vào năm 2028 từ mức chỉ 2,1 triệu chiếc vào năm 2022. Bất chấp những khó khăn trong nỗ lực mở rộng toàn cầu, VinFast vẫn tập trung vào việc trở thành một công ty quan trọng trong lĩnh vực non trẻ này – ngành công nghiệp xe hơi điện. “Chúng tôi có một tiềm năng rất lớn ở phía trước. Nếu chúng tôi có thể hiện thực hóa cơ hội to lớn đó thì chúng tôi có thể thực sự lớn mạnh”, bà Thủy nói.
_____________
Nguồn: Forbes – https://www.forbes.com/sites/jonathanburgos/2023/11/07/vietnams-richest-person-bets-over-10-billion-to-break-into-the-global-ev-market/?fbclid