Việt Nam Thời Báo

VNTB – Người lao động đã thất nghiệp mà sao còn ép họ?

Châu Nam Việt 

 

(VNTB) – Luật nên bảo vệ người lao động chứ không phải làm khó và hạn chế quyền lợi người lao động.  

 

Ông Kim Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam vừa có phát biểu đáng chú ý khi cho rằng: “Quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì không được nhận trợ cấp thất nghiệp”. Một số người đánh giá đây là việc siết điều kiện hưởng của người lao động của Pouyuen. Một công ty có nhiều công nhân lao động nhất TPHCM, có thời điểm số công nhân ở công ty này lên tới 100.000 người.

Việc siết chặt quyền lợi của nhóm lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp là một biện pháp đi ngược lại với các cam kết của Việt Nam khi nộp đơn xin được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, theo quy định hiện hành tại Luật Việc làm năm 2013, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.  

Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định trên đã có sự điều chỉnh. Cụ thể, tại Điều 111 của dự thảo quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, làm việc sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp trừ một số trường hợp nghỉ mà không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động. Chiếu theo quy định này, chỉ người nghỉ việc vì bị quấy rối tình dục, ngược đãi, đánh đập, tổn hại danh dự… đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mới được Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi trả trợ cấp.(1)  

Vậy làm sao xác minh được người đó đơn phương chấm dứt hợp đồng vì bị quấy rối tình dục, ngược đãi, đánh đập, tổn hại danh dự… Như việc bị công ty chèn ép không chịu được phải nghỉ ngang thì lấy chứng cứ gì để chứng minh mình bị chèn ép, tổn hại danh dự. Cũng như việc các công nhân nữ bị quấy rối tình dục thường rất khó lên tiếng vì ngại, hoặc nghỉ ngang vì sợ hãi thì bây giờ chẳng lẽ phải mời công an đến làm rõ mọi chuyện để chứng minh? Có mấy đồng trợ cấp để sống qua ngày qua tháng mà phải chứng minh đủ điều thế này thì thật là vô lý, trong khi tiền mình đóng chứ đâu có nhận miễn phí! Nguyên tắc có đóng có hưởng cớ sao lại vậy, nếu không đóng thì người lao động có được hưởng hay không? Đóng tiền bảo hiểm thất nghiệp thì tại sao không cho lãnh khi thất nghiệp. Vậy mục đích của bảo hiểm thất nghiệp là gì khi quy định như vậy thì trái với tinh thần, ý nghĩa của khoản trợ cấp thất nghiệp.

“Lúc thu thì muốn lao động tự nguyện, lúc nhả thì lại muốn siết chặt, quá vô lý. Người ta đóng người ta có quyền hưởng chứ có đi xin ai đâu. Cứ chiếu theo tỷ lệ hưởng nếu ai có nhu cầu rút thì cho rút là chính đáng. Còn nếu quy định như vậy thì phải cho phép người lao động được quyền lựa chọn đóng hay không đóng bảo hiểm thất nghiệp”. Anh N.T. một công nhân ở Sài Gòn bức xúc chia sẻ.  

Một công nhân tại Tiền Giang nói: “quy định này là bất lợi cho người lao động. Có ai muốn thất nghiệp trong thời gian dài để hưởng trợ cấp thất nghiệp đâu, khoản trợ cấp thất nghiệp không đáng bao nhiêu trong khi vật giá cái gì cũng tăng. Người thuê và người làm thuê không có tiếng nói chung thì phải cho người ta đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chứ, sao còn phải chứng minh có lý do chính đáng? Rồi quyền lợi của người lao động thì ai sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ đây?” 

Bắt buộc đóng nhưng nghỉ thì không được hưởng chế độ, tiền của người lao động sẽ đi về đâu? Số kết dư bảo hiểm thất nghiệp hiện tại đã rất lớn rồi, nếu áp dụng quy định này thì toàn bộ số tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được sử dụng cho việc gì? Việc đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả các tầng lớp trong xã hội là trách nhiệm của Nhà nước, và việc siết chặt quyền lợi của nhóm lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải là con đường đúng đắn.

Nhà cầm quyền luôn tự hào cho rằng: “an sinh xã hội là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá sự tiến bộ của một xã hội, một cộng đồng, một quốc gia. Được hưởng an sinh xã hội là một trong những quyền và đòi hỏi chính đáng của con người”, vậy tại sao lại ra luật để siết quyền lợi của nhóm lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp? 

 

______________

Tham khảo:

(1) https://vnexpress.net/du-thao-luat-viec-lam-siet-nhom-lao-dong-huong-tro-cap-that-nghiep-4744871.html

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đảo mà cũng ngập

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Đổi sách giáo khoa mới: hại dân nhưng lợi cho ai?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Vicem sản xuất xi măng để xây mồ chôn mình

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo