Ngọc Lan
(VNTB) – Báo chí đưa tin, người trẻ Sài Gòn thuê xe ra tận Hải Dương mua bắp cải về ‘bán’ giá… 0 đồng.
Bài viết trên báo Tuổi Trẻ cho biết: Chia sẻ khó khăn của bà con nông dân tỉnh Hải Dương, nhóm bạn trẻ kết hợp cùng Đoàn thanh niên phường 4, quận 3, TP.HCM đã thuê xe chuyển hơn 10 tấn bắp cải vào TP.HCM ‘giải cứu’ (1).
Bài báo không nói rõ là trong ‘nhóm bạn trẻ’ đó họ có trực tiếp đến Hải Dương để mua nông sản hay không? Bài báo chỉ cho biết, “Đoàn xe giải cứu nông sản cho bà con nông dân tỉnh Hải Dương đã được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cấp phép và cho vào TP.HCM. Đồng thời trong quá trình vận chuyển, xe chở nông sản cũng đã qua các chốt kiểm dịch và khử khuẩn an toàn trước khi vào tới TP.HCM”.
Trong lúc đó thì tin tức trên báo chí cho hay phương án giao nhận hàng hoá mới nhất đưa ra hôm 21 và 22-2 của chính quyền tỉnh Hải Dương, là sẽ tập trung các lái xe có kết quả âm tính tham gia vận chuyển hàng hóa từ Hải Dương sang thành phố Hải Phòng.
Hệ thống siêu thị MM Mega Market VN (MM) ngày 22-2 cũng cho biết tham gia ‘giải cứu’ nông sản Hải Dương, bán tại Hà Nội, miền Trung và cả miền Nam với tiêu chí không lợi nhuận. Cụ thể, hệ thống này đã đặt mua lô hàng đầu tiên lên đến 24,3 tấn rau quả gồm su hào, cải bắp và ổi. Chuyến hàng giải cứu đầu tiên đã được bán tại hệ thống từ ngày 22-2 với giá chỉ 5.900 đồng/kg. Tổng sản lượng nông sản được thu mua 70 tấn/tuần.
Theo MM, quá trình vận chuyển hàng hóa từ Hải Dương tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch. Trong đó, lái xe có xét nghiệm PCR trong vòng 3 ngày, phun khử khuẩn toàn bộ xe chở hàng và phương tiện, tuân thủ nghiêm quy tắc 5K…
Thực tế cho đến nay ngành y tế vẫn chưa đưa ra quy định cụ thể về việc vận chuyển hàng hóa nông sản từ vùng dịch đến các địa phương khác. Văn bản được cho là liên quan hay được ông Trần Đắc Phu, cố vấn Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (Bộ Y tế) nhắc tới ở các buổi họp, rằng “Cơ quan quản lý nhà nước đã có quy định hàng rào kỹ thuật để bảo đảm thông thương hàng hóa”, thật ra đó chỉ là văn bản số 898/BYT-MT, về việc “Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa” rất chung chung.
Văn bản 898/BYT-MT, do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành ngày 07-2-2021 có 3 nội dung như sau:
“1. Yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa: ghi chép lại hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; đảm bảo thông thoáng phương tiện, thường xuyên mở cửa sổ phương tiện; hạn chế tiếp xúc với người khác; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch (đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa, sát khuẩn tay thường xuyên, khai báo y tế, khử khuẩn phương tiện vận chuyển hàng ngày…).
2. Tổ chức xét nghiệm SARS-COV-2 hai lần cho người điều khiển phương tiện vận chuyển đi ra từ khu vực phong tỏa hoặc khu vực ổ dịch (vào thời điểm trước khi đi và khi quay về). Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị được chỉ định chịu trách nhiệm xét nghiệm SARS-COV-2 cho người điều khiển phương tiện vận chuyển.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc phòng, chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa; giám sát y tế đối với người điều khiển phương tiện.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị liên hệ Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế)”.
Cả 3 nội dung trên được cho là không đáp ứng một băn khoăn là liệu virus SARS-CoV-2 có lây qua đường thực phẩm, hàng hoá không?
Thông tin từng đăng trên báo Tuổi Trẻ lại cho cảm giác ngờ vực rằng khả năng lây qua bao bì là khả dĩ:
“Về công tác xác định nguồn lây nhiễm, GS.TS Phan Trọng Lân nhận định: “Nguồn lây xuất phát đầu tiên trong khoảng thời gian ngày 16, 17-1 với giả thuyết lớn nhất là xuất phát từ sân bay trên các chuyến bay vận chuyển hàng hóa (không chở hành khách và các nhân viên trong tổ bay không xuống mặt đất, chỉ ở trên máy bay nên không thực hiện các công tác cách ly, xét nghiệm).
Dựa trên kết quả phân tích dịch tễ của biến thể A.23.1 trên thế giới thì trong số các chuyến bay đến trong khoảng thời gian nêu trên có các chuyến bay từ khu vực Ả Rập có khả năng là nguồn lây xâm nhập từ bên ngoài vào và đội bốc xếp đã bị lây nhiễm trong quá trình công tác.
Nguy cơ xâm nhập nguồn bệnh từ bên ngoài vào sân bay là không thể loại trừ, tuy nhiên giả định này thấp hơn”.
Trước đó, từ ngày 6 đến 13-2, TP.HCM ghi nhận 35 ca COVID-19 trong cộng đồng, trong đó 9 trường hợp cùng chung nhóm làm việc bốc dỡ, sắp xếp, giám sát hành lý, hàng hóa ở sân bay Tân Sơn Nhất (thuộc Công ty VIAGS). 26 trường hợp còn lại là người thân, bạn bè… của các nhân viên sân bay này.
Ngày 14-2, HCDC cho biết theo đánh giá ban đầu, hầu hết các bệnh nhân mắc COVID-19 trong chùm ca bệnh liên quan đến ổ dịch nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất không triệu chứng hoặc biểu hiện rất nhẹ. Nhiều trường hợp đã có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính rất nhanh sau một thời gian ngắn được cách ly điều trị tại bệnh viện” (2).
Một bài báo trên tờ Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế), có ghi nhận ý kiến của GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, theo đó, “Hiện tại chưa có thông tin về virus có thể sống bao lâu trên thực phẩm và FDA thông báo chưa có thông tin về khả năng virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua thực phẩm tươi hoặc thực phẩm đóng gói”.
Và bài báo cho biết bà Lê Thị Quỳnh Mai đã nói tiếp rằng, “nếu mọi người còn băn khoăn về khả năng nhiễm Virus SARS-CoV-2 qua thực phẩm thì hãy thực hiện các hướng dẫn về vệ sinh, rửa tay sau khi cầm nắm thực phẩm, rau củ quả bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi đi chợ, làm sạch các dụng cụ đựng thực phẩm, rau quả thường xuyên” (3).
__________
Chú thích:
(2) https://tuoitre.vn/bien-the-a-23-1-xam-nhap-san-bay-tan-son-nhat-nhu-the-nao-20210215164859022.htm