Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nguồn vốn ra thị trường đang mắc điểm nghẽn nào?

Phương Nguyên

 

(VNTB) – Nhiều rào cản nào khiến nguồn vốn chưa ra được thị trường như kỳ vọng

 

Nhiều rào cản cần vượt qua

Câu hỏi đặt ra mang tính chủ đề cho một hội thảo diễn ra vào chiều ngày 5-4 tại Sài Gòn, là, các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh đã sẵn sàng để hấp thụ nguồn vốn hay chưa, và còn những vướng mắc nào khi nhiều doanh nghiệp gặp phải những “rào cản” khi tiếp cận vốn ngay từ cả phía doanh nghiệp lẫn cả phía ngân hàng?

Trên thực tế, dù vốn ngân hàng dồi dào nhưng vẫn là vấn đề khó khăn đối với một số doanh nghiệp. Đặc biệt hiện lãi suất thấp nhất trong 20 năm qua. Song làm thế nào để tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vẫn là vấn đề loay hoay đi tìm câu trả lời.

Về lý thuyết thì đối với các ngân hàng thương mại, ngân hàng luôn đảm bảo thanh khoản đầy đủ, thậm chí dư giả. Ngoài ra, phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ chính sách để đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn. Thế nhưng ở đây phần thủ tục như tài sản thế chấp của doanh nghiệp lại khó đảm bảo nên khó tiếp cận vốn vay từ nhà băng.

 

Lãi suất cho vay của ngân hàng vẫn mang tính tham chiếu

Trong lúc đó thì ghi nhận thị trường cho thấy nhiều ngân hàng không công bố lãi suất cho vay bình quân, thay vào đó là lãi suất cho vay cơ sở (lãi suất tham chiếu) dùng để điều chỉnh lãi suất cho vay sau thời gian cố định lãi suất theo nguyên tắc: lãi suất cho vay = lãi suất cơ sở + biên độ. Trong nhóm này có VietBank công bố lãi suất tham chiếu cho vay ngắn hạn (ít hơn hoặc bằng 12 tháng) là 9%/năm. Lãi suất cho vay trung và dài hạn (trên 12 tháng) là 9,5%/năm.

Tại NCB, ngân hàng này không công bố mức lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, nhưng từ 1-3-2024 áp dụng mức lãi suất tham chiếu dành cho khách hàng cá nhân là 8,5%/năm. Nam A Bank công bố mức lãi suất cơ sở 8,2%/năm (ngắn hạn), 9,2%/năm (trung hạn) và 9,4%/năm (dài hạn). Mức lãi suất tham chiếu của VietA Bank dành cho khách hàng doanh nghiệp là 8,05%/năm (ngắn hạn) và 8,2%/năm (dài hạn).

Lãi suất cơ sở dành cho khách hàng cá nhân tại ABBank là 9,65%/năm, được nhà băng này áp dụng từ tháng 2-2024. Tuy nhiên, ABBank không công khai lãi suất cơ sở dành cho khách hàng doanh nghiệp. PVCombank cũng chưa công khai lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp. Trong thông báo gần nhất về lãi suất cho vay với khách hàng mua nhà (tháng 2-2024), lãi vay trên 36 tháng tại PVCombank là 9,49%/năm trong 6 tháng đầu tiên. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ được tính bằng lãi suất cơ sở cộng thêm 3,5%/năm. Lãi suất vay mua nhà của khoản vay thời hạn trên 48 tháng là 10,99% trong 18 tháng ưu đãi, sau đó lãi suất sẽ được cộng thêm 3,5% so với lãi suất cơ sở.

Tại SHB, lãi suất cơ sở dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vay trên 12 tháng đến dưới 36 tháng là 7,4%/năm, vay từ 36-60 tháng là 8,1%/năm, vay trên 60 tháng là 8,4%/năm. Ngân hàng MB cho biết lãi suất cơ sở dành cho khách hàng SME từ 6,76-8,1%/năm tuỳ thời hạn vay.

Còn tại VPBank, biểu lãi suất cho vay tham chiếu đối với cho vay không tài sản đảm bảo dành cho khách hàng cá nhân được ngân hàng công bố ngày 3/4. Theo đó, kỳ hạn dưới 12 tháng lãi suất 7%/năm, kỳ hạn từ 12-36 tháng 7,6%/năm, kỳ hạn 36-60 tháng 7,7%/năm. Lãi suất cho vay được điều chỉnh theo từng tháng đối với khoản vay đến 12 tháng, điều chỉnh 3 tháng/lần đối với khoản vay trên 12 tháng. VPBank cũng là ngân hàng duy nhất công khai biên độ cộng (hoặc trừ) từ 0,5%-3%/năm, tùy lịch sử trả nợ của khách hàng.

OceanBank công bố lãi suất cho vay cơ sở với khoản vay tới 6 tháng là 4,5%/năm, lãi suất cho vay cơ sở với khoản vay từ trên 6 tháng đến 12 tháng là 5,4%/năm, với khoản vay trên 12 tháng là 6%/năm.

Tại PGBank, lãi suất cơ sở áp dụng cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ 7,8 – 8,5%/năm, tuỳ thời hạn vay. Trong đó, lãi suất rẻ nhất 7,8%/năm áp dụng cho khoản vay ngắn hạn dưới 9 tháng. Lãi suất đối với khoản vay trung hạn là 8,3%/năm và vay dài hạn là 8,5%/năm.

 

Nền kinh tế vẫn còn… ốm yếu

Thực tế cũng ghi nhận ở ngành dệt may khi tổng kết, năm 2023 cho biết tổng cầu dệt may suy giảm, giá đặt hàng sản xuất có giảm mạnh, bình quân giảm trên 30%, cá biệt mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50%. Giá trị xuất khẩu của ngành năm 2023 đạt khoảng 40,3 tỷ USD, thấp hơn so với kim ngạch xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD năm 2022. Dệt may gặp khó khăn là rất đáng chú ý bởi đây là ngành thâm dụng lao động với hơn 3 triệu người, trong đó hơn 70% là nữ giới.

Khó khăn không chỉ diễn ra với riêng ngành dệt may mà còn với khu vực doanh nghiệp Việt Nam nói chung, dù nhiều nỗ lực của Chính phủ đã được đưa ra.

Số liệu mới nhất được Tổng cục Thống kê đưa ra, thì trong quý đầu năm nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73,9 ngàn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước; Bình quân một tháng có gần 24,7 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trong 2 tháng năm 2024 có 62.977 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 41.097 doanh nghiệp.

Xem ra có quá nhiều điểm nghẽn trong chuyện đồng vốn làm ăn trong bối cảnh nền chính trị đang biến động về nhân sự cấp thượng tầng.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Phan Quốc Việt mua hàng triệu Đô la tiền mặt để hối lộ

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Bơm tiền vào nền kinh tế bằng cách nào?

Bùi Ngọc Dân

Lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay khó giảm

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo