Anh Khoa dịch
(VNTB) – Nhiều bình luận trên Weibo viết: “Lạnh xương sống”
Tác giả: Wenxin Fan
Ngày 3 tháng 9 năm 2021
Hai bài báo đối đầu của các nhà báoTrung Quốc về cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với một số lĩnh vực kinh doanh đã làm dấy lên một cuộc thảo luận rộng hơn về hướng đi cũng như liệu Trung Quốc có hướng tới sự hỗn loạn chưa từng thấy kể từ Cách mạng Văn hóa.
Đầu tuần này, một bài báo ca ngợi chiến dịch quản lý ngành công nghệ, giáo dục và giải trí của Bắc Kinh là “một cuộc cách mạng sâu rộng” đồng thời ủng hộ những biến động chính trị xã hội đã được các cơ quan truyền thông nhà nước chính của Trung Quốc đưa tin và chia sẻ rộng rãi trên mạng. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ phê chuẩn việc quay trở lại một chương đen tối trong lịch sử đầy biến động của Trung Quốc.
Điều đó đã khiến tổng biên tập tờ Hoàn Cầu Thời Báo Hồ Tích Tiến, một tờ báo của ĐCSTQ, đưa ra phản bác vào thứ Sáu khi cho bài phản biện này đã hiểu sai đường lối của Đảng. Hồ Tích Tiến cho rằng không thể xảy ra việc đảo lộn trật tự hiện tại.
Vị trí của Hồ Tích Tiến trong bộ máy tuyên truyền Trung Quốc cùng việc ông ta phản đối bài báo ban đầu được ông ta cho là gây hiểu lầm dường như nhằm gửi tín hiệu điều chỉnh sau những lo ngại do bài báo ban đầu gây ra.
Tuy nhiên, đáng chú ý là Hồ Tích Tiến đã đăng bình luận của mình trên các tài khoản mạng xã hội cá nhân, thay vì trên Hoàn Cầu Thời Báo như vẫn thường làm. WeChat, một nền tảng truyền thông xã hội phổ biến, đã chặn không cho người đọc chia sẻ bài đăng của Hồ Tích Tiến trong một thời gian ngắn, cho thấy bài này được coi là gây quá nhiều tranh cãi khi được phổ biến đại chúng.
Một độc giả đã bình luận về bài viết của Hồ Tích Tiến và chỉ ra những điểm tương đồng của bài báo ban đầu với một bài báo năm 1965 được ghi nhận là đã khởi động Cách mạng Văn hóa.
Những người khác cảm thấy lo lắng do lời bác bỏ của Hồ Tích Tiến. Wu Qiang, một nhà phân tích chính trị độc lập và là cựu giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Thanh Hoa của Bắc Kinh, cho biết việc lo ngại sẽ quay trở lại thời Cách mạng Văn hóa đang làm xao nhãng sự rút lui ít kịch tính hơn nhưng quan trọng hơn khỏi một xã hội ít bị kiểm soát hơn kể từ sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền cách đây gần một thập niên.
Cách mạng Văn hóa diễn ra khoảng mười năm và kết thúc sau khi Mao Trạch Đông qua đời. Cách mạng Văn hóa là một thời kỳ hỗn loạn ở Trung Quốc với việc thường có tố cáo hàng loạt và người trẻ tuổi từ các thành phố bị đưa đi cải tạo ở các vùng nông thôn.
Việc thảo luận về hai bài báo trong tuần này diễn ra trong bối cảnh các chiến dịch gia tăng nhằm vào một số ngành công nghiệp mạnh nhất Trung Quốc với mục tiêu mới nhất là kinh doanh giải trí.
Tuần trước, Bắc Kinh đã cấm xếp hạng người nổi tiếng theo tên trên các nền tảng truyền thông xã hội và phạt một trong những ngôi sao hàng đầu của Trung Quốc khoản tiền thuế rất lớn, đồng thời cho đăng các bài viết kêu gọi quay lưng lại văn hóa “tôn sùng người nổi tiếng”.
Triệu Vy, một trong những nữ diễn viên nổi tiếng nhất Trung Quốc và một nữ doanh nhân tỷ phú, phát hiện ở trên mạng tên của cô bị xóa sạch trong các bộ phim và chương trình cô đóng vai chính. Cả chính quyền cũng như các mạng xã hội đều không đưa ra lý do, khiến người ta đặt câu hỏi làm thế nào mà cô lại gặp rắc rối với nhà chức trách.
Chính những biện pháp trừng phạt đó đã khiến Li Guangman, cựu biên tập viên của một tờ báo nhà nước ít người biết đến viết bài báo ban đầu. Đó là một bài báo sâu sắc bắt đầu bằng việc tấn công vào ngành công nghiệp giải trí “thối nát”, trước khi mở rộng sang mối liên hệ nổi tiếng của Triệu Vy với Jack Ma, người sáng lập tập đoàn Alibaba.
Bài báo của ông Li được viết trên blog cá nhân. Ông gọi việc đàn áp Jack Ma và những công ty công nghệ lớn khác là một phần của “cuộc cách mạng cực đoan” đang diễn ra trong các lĩnh vực công nghiệp, tài chính, văn hóa và chính trị của Trung Quốc.
Ông Li viết: “Sự biến đổi sẽ cuốn đi tất cả bụi bặm, như những nhà tư bản hay làm những chuyện mờ ám và những biểu tượng văn hóa “quần sịp”.
Ông nói “màu đỏ đã quay trở lại” với sự khởi sắc của chủ nghĩa Mao.
Những câu chuyện như vậy không phải là hiếm trên internet ở Trung Quốc, mặc dù chúng thường bị giới hạn. Nhưng hôm Chủ nhật, các trang web của các hãng truyền thông nhà nước lớn như Tân Hoa xã và Hoàn Cầu Thời báo của Hồ Tích Tiến đã cho đăng lại bài viết này. Đây là một động thái mà các nhà báo kỳ cựu Trung Quốc cho rằng chỉ có thể xảy ra khi được các cơ quan tuyên truyền cấp cao cho phép.
Đáng chú ý là các phương tiện truyền thông nhà nước đã biên tập một đoạn trong bài luận chiến của ông Li. Trong đó ông Li gọi Triệu Vy và một nữ diễn viên khác là “khối u độc hại” của xã hội, các công ty Trung Quốc từng được ưa chuộng như Didi và Tập đoàn Ant của Jack Ma là đặc vụ nước ngoài chống lại nhân dân. Đoạn văn đó không có trong các phiên bản do phương tiện truyền thông nhà nước đăng lại.
Triệu Vy đkhông trả lời câu hỏi được gửi đến công ty của bà. Ông Li đã từ chối yêu cầu bình luận.
Ngay cả khi không có đoạn văn đó, bài báo đã gây ra nỗi lo về tình trạng bất ổn sẽ quay trở lại cho người dân Trung Quốc.
Nhiều bình luận trên Weibo viết: “Lạnh xương sống”.
Ông Wu, cựu giảng viên Thanh Hoa, cho biết việc phổ biến bài báo này ngay cả khi được Hồ Tích Tiến bác bỏ phần nào đã đạt được hiệu quả mong muốn. Ông nói, bằng cách khai thác những ký ức về Cách mạng Văn hóa, giới doanh nhân sẽ sẵn sàng tuân thủ hơn và giới trí thức có xu hướng im lặng hơn.
Ông nói “Mục đích là đe dọa” .
Hồ Tích Tiến thừa nhận hiệu ứng gây sợ hãi trong bài báo của mình.
“Ngôn ngữ như vậy sẽ gợi lại một số ký ức lịch sử và kích hoạt sự hỗn loạn trong tâm trí và sự hoảng sợ của mọi người,” ông viết. Hồ Tích Tiến nêu ý kiến khác biệt với ông Lý về cuộc cách mạng, mà không nói về tính hợp pháp của các cuộc đàn áp mà ông Hu không phản đối.
Hồ Tích Tiến viết, mục đích của việc thay đổi luật lệ là nhằm điều chỉnh sự tăng trưởng không kiểm soát của tư bản.
Ông nói: “Trung Quốc cần tiếp tục tự cải thiện mạnh mẽ nhưng vững chắc.”
Cả hai bài báo đều ủng hộ khái niệm “ thịnh vượng chung”, một khẩu hiệu quảng bá cho nỗ lực phân bổ cơ hội và của cải tốt hơn trong xã hội của Đảng Cộng sản.
Ví dụ về sự tuân thủ của doanh nghiệp, Alibaba hôm thứ Năm cho biết họ sẽ chi 15,5 tỷ USD trong vài năm tới để giúp đỡ các nhóm dễ bị tổn thương.
Trong khi đó, sự tập trung vào văn hóa đại chúng đã được tăng cường. Vào thứ Năm, Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc đã ra lệnh cho các đài truyền hình truyền thống và nền tảng phát trực tuyến cấm các nghệ sĩ không đáp ứng các tiêu chuẩn chính trị hoặc đạo đức. Cơ quan này cũng cấm con cái của các ngôi sao ca nhạc tham gia các chương trình giải trí.
Hồ Tích Tiến kết thúc bài bình luận bằng lời kêu gọi bình tĩnh.
“Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách cải cách và mở cửa. Đừng tin vào bất kỳ cách giải thích cực đoan nào về các biện pháp quản lý của nhà nước ”.
Nguồn: WSJ