Hoài Nguyễn
(VNTB) – Từ câu chuyện ‘con nuôi’ trong giới showbiz, cho thấy trách nhiệm về quản lý hành chính của nhà chức trách cần được truy xét theo trình tự của các luật định liên quan.
Luật ở đây, không chỉ luật liên quan về việc nhận con nuôi, mà còn là luật thuế…
Mới đây, trong một bài phỏng vấn ở một tờ báo thuộc quyền quản lý của Thành ủy TP.HCM, ca sĩ Phi Nhung cho biết: “Giữa chúng tôi thực sự là tình cảm gia đình, không tính toán chi ly cặn kẽ như hoạt động giữa một ca sĩ với công ty giải trí thường thấy”.
Điều này khiến Phi Nhung rơi vào vòng vây của dư luận với rất nhiều câu hỏi về tính minh bạch trong việc thu chi, quản lý cát-sê của Hồ Văn Cường trong nhiều năm qua.
Người quản lý của ca sĩ Phi Nhung cho biết, có những show Cường được mời sau đăng quang, cũng có những show đi kèm với Phi Nhung. Phía Phi Nhung đứng ra nhận những công việc này.
Tin tức trên báo chí cho biết lúc ca sĩ Phi Nhung nhận Hồ Văn Cường làm ‘con nuôi’, khi ấy Cường 13 tuổi. Có các vấn đề đặt ra như sau dưới giác độ điều chỉnh của luật pháp.
Thứ nhất, Hồ Văn Cường không phải là ‘con nuôi’ của ca sĩ Phi Nhung, vì Hồ Văn Cường đang có đầy đủ cha, mẹ, và thực tế Cường đang sống với cha, mẹ ruột của mình tại nhà của ca sĩ Phi Nhung.
Mối quan hệ được gọi là ‘gia đình’ chỉ giới hạn phạm vi đó, không liên quan phả hệ.
Tuy nhiên những gì mà báo chí đã viết ở 5 năm về trước cho thấy pháp luật dân sự về vấn đề ‘con nuôi’ của Luật nuôi con nuôi đã bị vi phạm trầm trọng – đặc biệt là rất có thể ca sỹ Phi Nhung đang có một quốc tịch không phải Việt Nam.
Sở Tư pháp TP.HCM là địa chỉ chịu trách nhiệm về quản lý hành chính của vấn đề ‘con nuôi’ trong trường hợp của Hồ Văn Cường.
Thứ hai, thời gian Hồ Văn Cường được ca sĩ Phi Nhung nhận làm ‘con nuôi’, và sau đó ca sĩ Phi Nhung đại diện Hồ Văn Cường trong các hợp đồng của những show ca hát, là không phù hợp luật định, vì Hồ Văn Cường vẫn ở độ tuổi vị thành niên; và như đã nói, Hồ Văn Cường vẫn còn đầy đủ cha, mẹ.
Pháp luật về vấn đề này rất rõ ràng, theo khoản 1, điều 145 Bộ luật Lao động 2019, khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động phải tuân theo nhiều quy định, trong đó buộc phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật của người lao động.
Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH có quy định về một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên như trường hợp Hồ Văn Cường rất rõ ràng.
Như vậy việc quy trách nhiệm ở đây khá đơn giản: Một, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, nơi có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình lao động vị thành niên;
Hai, phía gọi là quản lý của ca sĩ Phi Nhung, trong yêu cầu luật định về lập “Sổ theo dõi tình hình sử dụng lao động chưa thành niên”, với những hạng mục bắt buộc như Hình thức Hợp đồng lao động – Công việc đang làm – Kết quả kiểm tra sức khỏe định kỳ – Người đại diện theo pháp luật…;
Ba, phía gọi là quản lý của ca sĩ Phi Nhung, bắt buộc phải “Tôn trọng, lấy ý kiến của người chưa thành niên về những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của họ” – trích Điều 12.2, Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH.
Thứ ba, liệu thuế thu nhập cá nhân của Hồ Văn Cường đã được phía gọi là quản lý của ca sĩ Phi Nhung, kê khai, khấu trừ ra sau trong quyết toán thuế thu nhập năm?
Thứ tư, từ ít nhất 3 vấn đề kể ở trên cho thấy cần xem xét lại thời gian 3 năm từ tuổi 13 đến tuổi 16 của Hồ Văn Cường khi là ‘con nuôi’ của ca sĩ Phi Nhung, liệu có xảy ra vi phạm nào trong số 15 khoản được quy định ở Điều 6, Luật Trẻ em.