VNTB – Nhà thương thí ở miền Nam hoạt động ra sao?

VNTB – Nhà thương thí ở miền Nam hoạt động ra sao?

Ngọc Lan

(VNTB) – Sở dĩ gọi là “nhà thương thí” là do việc chạy chữa tại những nơi này hoàn toàn miễn phí… Người bịnh chỉ lo việc dinh dưỡng theo toa bác sĩ.

 

Những người sống ở Sài Gòn trước năm 1975 chắc chắn vẫn chưa quên những cái tên “nhà thương” như nhà thương Chợ Rẫy, Chợ Quán, Đồn Đất, Nguyễn Văn Học, Từ Dũ, Vì Dân…

Bác sĩ Phan Xuân Trung giải thích, “thương” là từ Hán Việt, là sự tổn hại cơ thể. Có nhiều ví dụ: cứu thương, thương tích, thương tật, thương binh, tổn thương, trọng thương… Còn “nhà” được hiểu là công sở, cơ quan lo việc xã hội.

Dân miền Nam thường gọi các công sở là “nhà”. Ví dụ nhà đèn, nhà ga, nhà trường, nhà binh, nhà việc, nhà băng, nhà hàng, nhà tù hay nhà lao, nhà chùa, nhà thờ, nhà quan… Theo đó “nhà thương” là công sở lo về sức khỏe, bệnh tật, tức là bệnh viện. Chữ “thương” ở đây trùng từ với thương yêu, chăm sóc nên bệnh viện được hiểu là nơi bệnh nhân được thương yêu.

Nhà thương thí là bệnh viện miễn phí. Thí là cho, ví dụ thí chủ, bố thí. Hầu hết bệnh viện công do nhà nước Việt Nam Cộng Hòa đầu tư được xem là nhà thương thí. Khác với nhà thương thí là nhà thương tư tức bệnh viện tư, có thu phí.

Đương nhiên nhà thương công thì chật chội, không thoải mái tiện nghi, nhưng bù lại các ca bệnh nặng ngặt nghèo thì phải vô nhà thương công, sanh con so thì phải vô Từ Dũ hay Hùng Vương, vì đó là mấy nhà thương thực tập của trường y Sài Gòn, tập trung các thầy, các cô, giáo sư, bác sĩ ưu tú của miền Nam.

Công tâm mà nói, thỉnh thoảng cũng có người thân bịnh nhân la bài hải lên “đây là nhà thương chớ đâu phải nhà ghét”, khi họ thấy y tá hằn hằn học nặng tay.

Số liệu thống kê cho biết, tính đến năm 1963 thì ở miền Nam Việt Nam có hai tỉnh Quảng Tín và Phú Bổn không có bệnh viện. Các tỉnh kia đều có đủ cơ sở bệnh viện, phòng thí nghiệm và quang tuyến.

Bệnh viện tỉnh thường chia thành ba khu nội y, giải phẫu và sản khoa. Trưởng ty y tế là một bác sĩ phụ trách chương trình y tế trong tỉnh. Giám đốc bệnh viện cũng là một bác sĩ y khoa. Bệnh nhân nhập viện vào các bệnh viện công không phải trả tiền.

Tổng số bệnh viện dân sự toàn cõi miền Nam Việt Nam vào năm 1965 là 101 cơ sở với 25.000 giường. Riêng thủ đô Sài Gòn có 11 bệnh viện công, cung cấp gần 5.000 giường. Tính vào năm 1970 thì trên toàn quốc có hơn 570.000 ca nhập viện, và bình quân là 1 giường bệnh viện mỗi 625 dân.

Một số chuyên khoa có bệnh viện riêng như bệnh viện Nhi đồng Sài Gòn. Khoa tâm thần có ba cơ sở chính là bệnh viện Chợ Quán ở Sài Gòn, bệnh viện Huế, và bệnh viện Nguyễn Văn Hoài ở Biên Hòa; bệnh viện Biên Hòa có 1200 giường (1965) với tên gọi dân gian là “nhà thương điên Biên Hòa”.

Ngân sách quốc gia khi ấy còn phải gánh cho chi phí chiến tranh, thế nhưng bệnh viện công và trường học công lập, tất cả đều miễn phí.

Đề cập về bệnh viện Vì Dân, một người am tường kể rằng thật ra đây không hẳn là bệnh viện công, mà là một bệnh viện tư thuộc Hội Phụ nữ Phụng sự Xã hội, dành 25% số giường cho bệnh nhân nghèo được giảm phí hay miễn phí tùy trường hợp do sự cứu xét và quyết định của Ban Xã hội hàng ngày tới bệnh viện này làm việc.

Lưu ý là bệnh nhân nghèo được săn sóc, ăn uống do bệnh viện chu cấp hệt như bệnh nhân hạng trả tiền, chỉ có khác là hưởng thuốc miễn phí do Bộ Y tế hay các tổ chức thiện nguyện cho và nằm phòng 4 giường; dĩ nhiên là mỗi người một giường, chứ không phải là một giường hai người bệnh như ở nhiều bệnh viện công lập hiện nay.

Về sau này, không rõ độ xác tín, người ta thấy chế độ mới sau tháng tư, 1975 tung ra tin rằng, nguồn thuốc men, thiết bị y tế lấy từ ngân khố Chính phủ dành cho quân đội. Thực chất, bệnh viện Vì Dân đây là sân sau tiêu thụ các loại thuốc Tây nhập khẩu, sản xuất, bào chế trong nước của vợ chồng tổng thống, kết hợp với ông trùm thuốc Tây, dược phẩm miền Nam là Nguyễn Cao Thăng.

Trong suốt những năm từ 1967 – 1975, bệnh viện Vì Dân của bà Thiệu mang về số lợi nhuận kếch xù cho bà. Gần như rất hiếm hoi người nghèo, nếu không quen thân, mới được trị bệnh theo tiêu chuẩn “100 giường bệnh miễn phí”.

Ông Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, kiêm cố vấn của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, trong cuốn “Tâm tư tổng thống Thiệu” do ông chấp bút, có đoạn liên quan bệnh viện Vì Dân khi kể về bà Nguyễn Thị Mai Anh:

“Đối với bà thì đây là một niềm vui lớn và nó còn ghi dấu ấn trong tâm trí. Đây cũng là một di sản quý hóa mà bà để lại cho người dân, nhất là những người nghèo. Chúng tôi đã có dịp tới thăm nhà thương này và thấy nó được xây cất theo tiêu chuẩn quốc tế, được trang bị rất hiện đại, với 400 giường bệnh. Người khám bệnh và chữa bệnh luôn được miễn phí. Các bác sĩ, y sĩ, y tá được chọn lọc cẩn thận. Ngoài ra, lại còn những sinh viên y, dược, xung phong làm việc từ thiện”.

Ông Nguyễn Tiến Hưng viết: “Tài trợ cho bệnh viện này hoàn toàn không dính dáng gì đến ngân sách quốc gia mà do sự đóng góp của những cơ quan từ thiện, những người có hảo tâm trong nước cũng như ngoại giao đoàn. Bà nói tới sự đóng góp đặc biệt của bốn tòa Tòa Đại sứ: Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản và Hà Lan. Bà đi vận động xây nhà thương là do sự đam mê công tác xã hội, hoàn toàn không có mục đích chính trị như một số người đồn thổi”.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân cố tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu, qua đời hôm 15-10-2021 ở Hoa Kỳ, hưởng thượng thọ 91 tuổi. Có lẽ nhiều người nhớ về bà Nguyễn Văn Thiệu như là người lập ra nhà thương thí Vì Dân, hơn là một đệ nhất phu nhân của nền đệ nhị cộng hòa.

(Xem thêm: https://vietnamthoibao.org/vntb-ho-so-sai-gon-nha-thuong-thi/)


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)