Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhà xuất bản Giáo dục lời to, vậy ai đang lỗ nặng?

Mai Lan

(VNTB) – Tổng doanh thu năm 2021 của đơn vị này là 1.828 tỷ đồng, vượt 32% so với kế hoạch Bộ Giáo dục và Đào tạo giao. Trong đó, doanh thu thuần từ hoạt động phát hành sách giáo khoa là 1.780,5 tỷ, tương đương 97,4% tổng doanh thu hợp nhất.

Lời to do ‘độc quyền’ thị phần

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam – đơn vị nắm phần lớn thị phần phát hành sách trên thị trường và do Nhà nước sở hữu 100% vốn mới đây đã có báo cáo kết quả kinh doanh kỷ lục năm 2021 với tất cả các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng mạnh.

Theo lãnh đạo nhà xuất bản, phần lớn doanh thu năm vừa qua vẫn đến từ hoạt động phân phối sách giáo khoa và các khoản thu khác liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà xuất bản.

Với kết quả kể trên, nhà xuất bản Giáo dục thu về 314,4 tỷ đồng lãi trước thuế, vượt 150% so với kế hoạch được giao. Lợi nhuận sau khi trừ thuế nhà xuất bản này thu về được là 287,4 tỷ đồng, cũng vượt 150% so với kế hoạch. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay mà nhà xuất bản này ghi nhận được.

Trong giai đoạn trước đó, doanh thu bình quân của nhà xuất bản Giáo dục chủ yếu dao động trong khoảng 1.200-1.400 tỷ đồng/năm và lợi nhuận bình quân khoảng 130-150 tỷ/năm. Như vậy, tính riêng năm 2021, cứ mỗi đầu sách giáo khoa phát hành nhà xuất bản Giáo dục lại thu về hơn 11.100 đồng doanh thu và gần 1.750 đồng lợi nhuận.

Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 314,4 tỷ và 287,4 tỷ đồng – đều bằng 2,5 lần kế hoạch và là mức lãi kỷ lục từ trước đến nay của đơn vị. Kết quả này giúp cho hiệu quả sinh lời năm 2021 của nhà xuất bản Giáo dục ở mức rất cao với tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) đạt 39,9% và trên tổng tài sản bình quân (ROA) đạt 17,9%.

Với kết quả kinh doanh như vậy, nên không lạ khi đội ngũ quản lý nhà xuất bản Giáo dục gồm 12 người đã được trả khoảng 4,5 tỷ đồng tiền lương, thưởng.

Tính đến hết năm 2021, Chủ tịch Hội đồng thành viên của nhà xuất bản Giáo dục – ông Nguyễn Đức Thái là người nhận mức lương cao nhất, tương ứng hơn 544 triệu đồng và có thêm 120 triệu đồng tiền thưởng. Như vậy, ông Thái trung bình nhận lương 27 triệu đồng/tháng.

Tiếp theo là Tổng Giám đốc kiêm Uỷ viên Hội đồng thành viên Hoàng Lê Bách nhận mức lương 26 triệu đồng/tháng, tương ứng 538 triệu đồng năm 2021 với mức tiền thưởng là 80 triệu đồng. Uỷ viên Hội đồng thành viên Phạm Vĩnh Thái nhận lương 23 triệu đồng/tháng và tổng là 425 triệu đồng năm 2021.

Hai Uỷ viên Hội đồng thành viên còn lại là ông Phạm Văn Thắng và ông Nguyễn Gia Thạch lần lượt nhận lương 173 triệu đồng cho cả năm 2021. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Gia Thạch do kiêm nhiệm thêm chức kế toán trưởng nên được nhận thêm 264,6 triệu đồng và 70 triệu đồng tiền thưởng. Hay như ông Ông Thừa Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên nhận lương năm 2021 là 289,8 triệu đồng, bằng mức của Uỷ viên Hội đồng thành viên Nguyễn Thị Thu Hằng.

Nhà xuất bản Giáo dục đến hết năm 2021 có 5 phó tổng giám đốc. 3 Phó Tổng Giám đốc Lê Hoàng Hải, Phùng Ngọc Hồng Nguyễn Chí Bình đều nhận 463,6 triệu đồng. Còn ông Lê Thành Anh nhận 154,5 triệu đồng, ông Lê Huy nhận 57,9 triệu đồng thể hiện trong sổ sách kế toán năm 2021.

Các bậc phụ huynh là “lỗ” nhất!

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 25-5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – ông Nguyễn Kim Sơn có phát biểu đáng chú ý như sau (trích): “Vấn đề giá sách giáo khoa, dư luận xã hội mấy ngày qua cũng nói nhiều đến việc tăng 2 – 3 lần. Việc này, tôi không phải thanh minh hay giải thích cho doanh nghiệp, nhưng cung cấp thông tin để các đại biểu biết thêm”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, khi so sánh giá sách thì chúng ta có cái so sánh giá sách tương đồng, tức là so sánh giá các bộ sách được biên soạn mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhau.

Ví dụ, sách mới cho các lớp 1, 2, 3, 7, 10, tức là một hệ thống biên soạn mới, xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội là xã hội hóa nhiều bộ sách. Các loại sách này biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn, quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm việc đó và kê khai giá với Bộ Tài chính.

Còn bộ sách lớp 3, 7, 10 như giá thành sách của nhà xuất bản Giáo dục năm nay là giảm được từ 10-15% so với các sách tương ứng mới của năm ngoái, trong khi giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên.

Còn nếu so với các bộ sách cũ thuộc chương trình 2016 thì các sách mà nhà nước đã bỏ tiền cho rất nhiều các khâu từ biên soạn, thẩm định, tức là những phần đã được nhà nước tổ chức trước đây theo hệ thống cũ, khổ nhỏ hơn, giấy xấu.

Nếu so với bộ sách cũ thì giá thành dao động từ 50.000 – 100.000 đồng, còn giá bộ sách mới giá thành dao động từ 200.000 – 300.000 đồng tùy từng loại sách.

“Nếu như so với sách của hệ thống cũ thì thấy khác nhau. Nhưng nếu so với sách của chương trình mới thì nó đồng đẳng, hợp lý hơn. Nếu như so với các bộ sách mà nhà nước tổ chức trước đây mà chúng ta nói nó tăng thì sự so sánh đấy không tương đồng” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ trưởng cũng khẳng định với nhà xuất bản Giáo dục thì Bộ đã chỉ đạo mỗi bản sách có dành 25.000 bản để phát cho học sinh ở các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, con số này vẫn là ít. Do vậy cần có các biện pháp khác…

Những cảm thán thay cho lời kết

“Lãi trên mồ hôi nước mắt của gia đình học sinh thì có gì đáng tự hào? Nhiều nước dẹp bỏ sách giáo khoa in để dùng sách giáo khoa điện tử cho đỡ tốn kém còn ở Việt Nam thì làm ngược lại, lấy cớ im khổ to giấy đẹp để lợi nhuận khủng, liên tục thay đổi sách giáo khoa để học sinh không thể tái sử dụng”;

“Chúc mừng nhà xuất bản Giáo dục. Tuy nhiên cũng nghiên cứu kỹ thị trường phát hành sách để làm sao cho phụ huynh có thể tiếp cận sách giáo khoa dễ dàng, đặc biệt các lớp 1, 2, 3, 6, 7 vì hiện tại Sở Giáo dục độc quyền phân phối nên khi học sinh mất sách thì khó tìm mua ở các nhà sách”;

“Có nhiều gia đình phải nhịn ăn nhịn mặc để dành tiền mua sách giáo khoa cho con đi học! Nay nghe kết quả nhà xuất bản Giáo dục lời to, vậy cũng mừng khi đồng tiền của dân bỏ ra không bị xà xẻo” …


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Ban Chỉ đạo COVID-19: Dù có dịch hay không vẫn phải tổ chức thi tốt nghiệp

Phan Thanh Hung

VNTB – Nghĩa đồng bào

Phan Thanh Hung

VNTB – Đưa môn văn vào xét tuyển đầu vào trường y vì Văn là Người?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.