Nguyễn Ngọc Tâm
(VNTB) – Con tàu đã rời ga và ông đã dừng lại, chầm chậm ở một sân ga nào đó. Vinh quang, hạnh phúc hay cay đắng, đã đủ cho một cuộc đời.
Nhạc sĩ ra đi trong vòng tay của gia đình. Danh ca Bảo Yến và các con cháu có mặt trong giờ phút ông trút hơi thở cuối cùng.
Nhạc sĩ tên đầy đủ là Nguyễn Quốc Dũng, sinh năm 1951 tại Thái Lan; sau đó vài năm gia đình ông về Việt Nam. Năm 11 tuổi ông đã viết nhạc, 16 tuổi là thủ khoa Trường Quốc gia âm nhạc, môn nhạc Pháp Tây phương. Sau khi đỗ Tú tài 2, Quốc Dũng vào học tại Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn.
Tối 20-9-2015 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) ở đêm nhạc “Đường xưa” của vợ – danh ca Bảo Yến, nhạc sĩ Quốc Dũng chia sẻ với thân hữu rằng, ông đã thuộc về ký ức. Lâu rồi ông không sáng tác. Sức khỏe ông tệ dần sau những tai họa liên tục, tai nạn giao thông, rồi tai biến. Ký ức cũng nhớ – quên. Nhưng ông luôn coi mình là người may mắn, đã được sống và dấn thân trọn vẹn cho âm nhạc. Và may mắn, ông được công chúng đón nhận.
Những câu hát cũ khi cất lên vẫn khiến ai đó rưng rưng xúc động. Những câu hát không chỉ thuộc về một thời.
“Một vùng mây trắng, bay đi tìm nhau. Chẳng còn thấy đâu, mắt em hoen sầu. Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi. Giọt sương vẫn rơi, rừng còn ngây dại mơ bóng hình ai. Trời mưa giăng lối, áo em lệ rơi. Nhạt nhòa nét môi đã say quên lời. Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi. Ngày xuân vẫn trôi, tình mình vẫn hoài thương nhớ đầy vơi”. (Em đã thấy mùa xuân chưa). Có lẽ không ai nghĩ rằng, những câu hát day dứt đó được viết khi Quốc Dũng mới chỉ 17 tuổi.
Vào những năm đầu thập niên 1970, khi phong trào nhạc trẻ phổ biến ở miền Nam Việt Nam, Quốc Dũng cùng Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà là những nhạc sĩ đầu tiên Việt hóa nhạc trẻ, bắt đầu soạn các ca khúc nhạc trẻ bằng tiếng Việt.
Và trong ký ức nhiều người ở Sài Gòn, một thời, cặp song ca Quốc Dũng – Thanh Mai đã làm mưa làm gió ở các phòng trà đô thành. Quốc Dũng sáng tác, chơi đàn, Thanh Mai hát. Một thời đam mê của tuổi trẻ, ưa xê dịch.
Quốc Dũng đã trở thành một biểu tượng của nhạc trẻ thời đó với sự biến tấu đa dạng, sáng tác, biểu diễn, sử dụng nhiều nhạc cụ như mandolin, guitar, piano, trống, bass, keyboard, organ…
Ông nói, dù ông không làm chính trị, không can dự vào thời cuộc, nhưng những sáng tác của ông đều bị ảnh hưởng bởi không khí lịch sử của thời cuộc. Những bài hát ông viết trong thời gian đó đều được một ban nhạc nổi tiếng ở Sài Gòn lúc đó là Shotgun thu và hát.
Trong một lần trò chuyện với bạn bè, Quốc Dũng nhìn nhận: “Tôi nghiệm ra có hai thứ quý nhất trong đời là tự do và tình yêu. Với tôi, âm nhạc chính là không gian, là ngôn ngữ, là đôi cánh giúp tôi bay lượn, khám phá, trải nghiệm nhiều điều thú vị về tự do và tình yêu. Tôi có thể tự hào nói rằng âm nhạc không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu trong tôi mà còn giúp tôi nuôi sống được cả bản thân và gia đình”…
Sau năm 1975, Quốc Dũng kết hôn với Bảo Yến, có hai con trai là Khải Ca và Bảo Châu. Ông cũng làm biên tập, hòa âm phối khí cho Đài truyền hình TP.HCM. Quốc Dũng còn là diễn viên, từng đóng vai nam chính trong bộ phim Trường tôi của đạo diễn Lê Dân.
Trước khi lập gia đình với ca sĩ Bảo Yến, nhạc sĩ Quốc Dũng từng trải qua cuộc hôn nhân 6 năm với người vợ đầu.
Trong gia tài hàng trăm bài hát của Quốc Dũng, “Bài ca Tết” cho em là một trong những tình khúc kinh điển về mùa xuân, gắn liền với người vợ hiện tại của ông – danh ca Bảo Yến. Ra đời năm 1982, bài hát đánh dấu cột mốc tình yêu Quốc Dũng dành cho Bảo Yến.
Giờ thì đời ông đã khép lại rồi, đam mê đã khép lại rồi. Chỉ có những bản tình ca của ông vẫn vang lên trong đời sống náo động ngoài kia…
____________
Tham khảo:
“Tuyển tập hồi ký âm nhạc qua 100 ca khúc”, Quốc Dũng, nhà xuất bản Thanh Niên, tháng 9-2012.