Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhật ký mùa săn Cô Tên Vy

Ngọc Lan (ghi)

 

(VNTB) – Nhật ký của một nam sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (Sài Gòn), được tổng động viên đi chống dịch.

 

Nhật ký mùa săn Cô Tên Vy – 01

Vậy là cũng tròn một tuần tham gia đội hình tình nguyện của Trường. Có rất nhiều cảm xúc lẫn lộn trong thời gian qua: hứng khởi, thất vọng, có lúc cười tít mắt những cũng có khi chạnh lòng muốn rơi nước mắt. Mỗi ngày quả thực là một “trận chiến” thực sự, không biết liệu khi nào mình sẽ “tử trận”.

Nhớ ngày đầu tiên xuống Gò Vấp, cũng chính là ngày này tuần trước, đối diện trước mắt là gần 20.000 mẫu bệnh phẩm được lấy từ tối hôm trước trong những ổ dịch.

Hàng ngàn mẫu bệnh phẩm này được bỏ vô một bịch “zip”, mỗi bịch 50 cái.

Nhiệm vụ của mình là ngồi lựa ra theo thứ tự mã code và bỏ vô 1 hộp Môi Trường, mỗi hộp 20 cái (môi trường là tên chỉ ống xét nghiệm dùng để lưu trữ bệnh phẩm dịch hầu họng).

Quả thực, ngày hôm đó mình bị sốc. Sốc vì quá nhiều ống bệnh phẩm. Sốc vì mình làm mãi mà sao công việc chẳng thấy có tiến triển nào. Sốc vì không gian tại trung tâm quá mờ mịt, tối tăm, mọi người ai cũng mệt mỏi, cũng căng thẳng và chắc chắn khi đó to tiếng với nhau là điều không thể tránh khỏi…

Rồi hết hôm đó mình cũng được về nhà.

Đồng hồ điểm 12g đêm. Đường vắng hoe. Sáng hôm sau mình lại tiếp tục công việc lúc 7g30 sáng.

Nhiệm vụ ngày 2 là hỗ trợ công tác lấy mẫu tại ổ dịch phường 5. Đúng, đó là hỗ trợ công tác lấy mẫu, là tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm cao. Có một chút sợ hãi hơn rất nhiều so với việc ngồi lựa mẫu bệnh phẩm, dù cả hai công việc đều có khả năng lây nhiễm xấp xỉ nhau cả.

Rồi lúc đó mình được các anh chị bác sĩ bên bệnh viện quận Gò Vấp đưa quần áo bảo hộ và bảo bắt buộc phải mặc. Lần đầu mặc cái bộ đồ xanh xanh trắng trắng trùm kín người, đeo găng tay, đeo kính bảo hộ, mình có 1 cảm giác mới: NÓNG.

Nóng, rất nóng, quá nóng, nóng nhưng không cởi ra được, hơi thở che mờ hết cả kính. Mà mọi người biết, nguyên tắc là không được chạm tay (vùng nhiễm) vào những nơi khác trên cơ thể (da mặt, mắt kiếng, khẩu trang) vì có thể làm lây lan vi khuẩn. Vậy là mình chấp nhận cái nóng và đôi mắt mờ đó luôn. Hôm đó, sự chấp nhận ấy kéo dài từ trưa đến tận 20gh đêm…

Tối đó mình ăn không nổi, nhưng vẫn ráng do được bác bảo vệ đưa hộp cơm của người Gò Vấp. Trong lòng có chút vui, mọi người bảo ban và động viên nhau rất nhiều nữa. Nhưng niềm vui chưa được là bao thì nhiều người dân ra trách móc, vì họ chưa được xét nghiệm mà nhân viên y tế (NVYT) lại ngồi nghỉ ‘xải lai’.

Trên mạng xã hội, người người nói sinh viên như tụi mình chỉ đi theo làm màu thôi, chứ cũng chỉ được 1-2 ngày là cùng. Lúc ấy, mình cảm thấy chạnh lòng thật sự.

Mình từng sợ TP.HCM có khi nào trở thành như Bắc Giang, Bắc Ninh không? Có khi nào nước mình sẽ vỡ trận như Ấn Độ, như Anh, như Mỹ không? Nếu điều đó xảy ra, thì bao nhiêu điều tồi tệ sẽ kéo theo đây? Tới đó mình không dám nghĩ tiếp nữa. Chỉ mong rằng mọi người hãy tuân theo sự hướng dẫn của Bộ Y Tế và hãy thông cảm cho NVYT tụi mình, để tụi mình không còn cảm thấy cô đơn và chạnh lòng nữa…

Sau Gò Vấp, ngày Quốc tế Thiếu Nhi, mình được điều động xuống khu công nghệ cao quận 9.

Nhiệm vụ khẩn cấp là lấy mẫu diện rộng cho 25.000 công nhân tại đó càng nhanh càng tốt. Hôm đó mình lại có thêm một trọng trách nữa: team leader.

Trước thời điểm mình tới Tòa nhà Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, mình nghe một tin buồn (xin không tiện nói ra ở đây). Lúc ấy mình thấy lo và rất sốt ruột. Lần đầu làm team leader, lần đầu đi xa như vậy liệu có gì xảy ra không?

Team của mình được chia ra 7 điểm nhỏ thuộc 4 công ty sừng sỏ như Samsung nè, Sankyo, Jibac,…  Không khí diễn ra rất khẩn trương, vì nếu làm chậm sẽ tới sáng.

Điện thoại mình khi ấy reo liên tục, cứ 2 -3 phút là lại có 1 cuộc gọi đến, hay tin nhắn đến từ khắp mọi nguồn: trong team có, quản lý công ty có, quản lý tòa nhà có,… Ôi sao mà quá nhiều thông tin. Nhưng rồi mọi chuyện vẫn suôn sẻ. Tạ ơn Chúa! Hôm đó, mình về nhà đã gần 3g sáng rồi.

Sau đêm hôm ấy, mình được điều tiếp sang quận 8 để hỗ trợ và mình vẫn tiếp tục đi chống dịch bên đó đến tận hôm nay.

Team của mình lần này có 10 người, gồm cả các bạn Y Đa khoa cùng khóa, các em Y tế Công cộng và Y học Dự phòng nữa. Các bạn rất nhiệt huyết, năng nổ và hay làm trò nữa cơ.

Khối lượng công việc tại đây mỗi ngày vẫn như những nơi khác, diễn ra từ 8g sáng đến 11g tối, mỗi ngày khoảng vài ngàn mẫu bệnh phẩm tại khu cách ly và ổ dịch. Nhưng mà mình không thấy mệt như những ngày đầu nữa. Có lẽ mình quen rồi, và cũng có lẽ mình gặp được những con người dễ thương cùng chí hướng đồng hành.

Cuối ngày hôm nay đọc được bài báo nói dịch tại Tp.HCM đang chững lại và có dấu hiệu giảm dần. Mình chỉ mong điều đó là sự thật và diễn ra không chỉ tại đây mà còn trên cả nước, cách xa hơn là trên toàn thế giới nữa. Hy vọng cuộc sống lại bình an, và mọi người biết trao yêu thương nhiều hơn…!

Mọi người hãy cố lên nhé!!!

‍Nhật ký mùa săn Cô Tên Vy – 02

Thêm một tuần nữa trôi qua, những tưởng tình hình sẽ ổn hơn vào cuối tuần này… Nhưng không mọi người ạ! Mọi thứ có vẻ vẫn như vậy… Team mình và các anh chị ở Trung tâm Y tế qQuận 08 thực sự đã trải qua một tuần hết sức tồi tệ trong cuộc chiến này: đã có người “tử trận”…

Đều đặn hằng ngày, công việc của mình bắt đầu từ 8g30 sáng và kết thúc khi mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ. Thời gian trôi qua nhanh thật, thoáng đó nhưng trận chiến lần này đã “lê thê” hơn một tháng rồi.

Mình bị mất khái niệm về thời gian, không thể nhớ rõ hôm nay là thứ mấy, ngày nào, là đầu tuần hay cuối tuần. Phải chăng bởi vì mỗi ngày trôi qua đều như nhau cả, vẫn những công việc xét nghiệm đó, những con người thân thương đó…

Mình cảm thấy may mắn khi gặp những con người thân thương này. Những con người đó khiến cho trận chiến vốn căng thẳng từng phút từng giây có thêm những nụ cười và hy vọng.

Những con người đó cùng với nhau, không quản ngại nắng mưa, gian nan, vất vả để ra tiền tuyến, lao mình vào tâm dịch. Lần này, tâm dịch có lẽ không còn ở Gò Vấp như tuần trước nữa, mà lại “nổ ra” thêm tại Hóc Môn, Thủ Đức và chung cư Ehome – cũng là nơi team mình chiến đấu 3 ngày vừa qua…

Ngày lấy mẫu tại chung cư Ehome, team mình vẫn lạc quan như mọi ngày lấy mẫu khác, vẫn hy vọng công việc tiến triển thuận lợi và mọi người có thể về nhà nghỉ ngơi sau một ngày vất vả. Và những hy vọng đó vẫn diễn ra như ý muốn.

Thế nhưng 1 ca, 2 ca, 3 ca, … rất nhiều ca dương tính được trả kết quả trên hệ thống sau khi chạy xét nghiệm PCR. Kèm theo hàng loạt ca bệnh tại Ehome là những ca dương tính mới tại khu cách ly – nơi mà team mình vẫn tới lấy mẫu hàng ngày.

Dù vẫn được trang bị đồ bảo hộ khi làm việc nhưng ngay lập tức các anh chị tại trung tâm và team của mình phải lấy mẫu khẩn và phải cách ly cho đến khi có kết quả. Ngày hôm đó quả là một ngày u ám!

Kết quả âm tính. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa mình không nhiễm, vì rằng thời gian nếu nhiễm vẫn còn quá sớm để xét nghiệm PCR trả kết quả dương.

Virus lần này có thể dương bất kỳ lúc nào từ ngày đầu đến ngày thứ 21, điều đó cũng giải thích tại sao có những bệnh nhân xét nghiệm đến tận lần thứ 6 mới dương tính, dù người đó không có một triệu chứng bất thường nào. Chính vì vậy team mình vẫn phải lấy mẫu lần 2, lần 3 nữa.

Nhưng mình công nhận rằng, cảm giác que lấy mẫu chọc vào mũi, xuống tỵ hầu là một cảm giác không hề dễ chịu, nhất là với một người có tiền căn viêm xoang như mình. Điều đó cũng giúp mình phần nào hiểu được cảm xúc của người bị lấy mẫu nữa.

Team của mình và các anh chị tại trung tâm trả kết quả âm lần 2.

Nhưng cuộc sống vốn dĩ không bao giờ xảy ra theo ý muốn của bản thân, chắc chắn là như vậy. Một chị nhân viên y tế túc trực tại khu cách ly, hằng ngày lấy mẫu bệnh nhân chung với team mình đã không may bị cách ly. Ai cũng buồn, không khí trở nên rất nặng nề.

Chị đó trầm cảm, mình nghĩ vậy, vì chị đã cắt bỏ đi toàn bộ mái tóc của mình. Phải, là toàn bộ mái tóc. Chị khóc, năn nỉ mọi người đừng bỏ chị lại khu cách ly, đừng bỏ chị một mình… Haiz… Rất cay đắng, rất xót xa. Cuộc chiến này vốn dĩ không đơn giản như mình tưởng…

Ngày hôm nay, mình quyết định dọn đồ và lên trung tâm ở lại thay vì trở về nhà sau mỗi ngày. Bởi lẽ mình không muốn gia đình mình hay thêm một ai sẽ rơi vào hoàn cảnh đó, nếu không may mình cũng “tử trận”.

Xã hội đang giãn cách theo chỉ thị 15+ của chính phủ, chỉ mong mọi người hy sinh một chút, cố gắng một chút, đồng lòng cùng với nhau để vượt qua những khó khăn này.

Chắc chắn sẽ thành công, mình tin là như vậy. Để mọi người nơi phương xa, nơi đất khách quê người có thể trở về và đoàn tụ với gia đình của mình.

Xin cầu nguyện thêm cho mình và các bác sĩ, các nhân viên y tế cũng như chiến sĩ nơi tiền tuyến có được sức khỏe, lòng nhiệt thành và tinh thần hăng hái trong cuộc chiến chưa có hồi kết này…

‍Nhật ký mùa săn Cô Tên Vy – 03

2 giờ sáng – một khung giờ quen thuộc, vì nó đã đều đặn hằng ngày suốt tuần qua, là thời gian mọi người có thể đặt lưng xuống nghỉ ngơi sau một ngày “dãi nằng dầm mưa”.

Thời tiết Sài Gòn thật kỳ lạ, như chính “cơn bệnh” quái ác kia vậy. Mới sáng còn nắng gắt, ấy vậy đến chiều lại mưa to rồi cứ kéo dài mãi. Cứ như thế, sức khỏe của bác sĩ điều trị sẽ đến lúc không còn khỏe mạnh như trước nữa, dù rằng lòng yêu thương vẫn còn vẹn nguyên đó…

Đợt dịch lần này Sài Gòn đã quá chủ quan. Sài Gòn cứ nghĩ mình sẽ vượt qua được như 3 lần trước đó. Rồi Sài Gòn vẫn cứ tập trung đông đúc, vẫn thờ ơ mọi lời kêu gọi, vẫn ra khỏi nhà khi không cần thiết. Mọi thứ càng dần tệ hơn. Đến nỗi mình không muốn đọc tin tức vào 7g sáng trên HCDC nữa, vì sẽ toàn là tin không vui mà thôi.

Đã có những lúc như muốn gục ngã, đã có lúc như muốn bỏ cuộc, muốn rằng mình được ngủ một giấc thật ngon và không phải vướng bận về số ca nhiễm cứ ngày một tăng.

Nhưng chắc chắn mình sẽ không cho phép bản thân mình nghỉ ngơi khi ngoài kia đồng đội vẫn đang chiến đấu từng phút, từng giây cho thành phố hoa lệ này, cho những người thân yêu còn ở nơi đây.

Nhiều tin không vui là vậy, nhưng mình vẫn có một niềm vui nho nhỏ. Mình được tổ chức một sinh nhật bất ngờ. Hôm ấy mình đã rất mệt rồi, nhưng vẫn “bị bắt” đi gửi mẫu bệnh phẩm để chạy xét nghiệm. Thì ra bắt mình đi là vì muốn có thời gian chuẩn bị mọi người ạ. Có lẽ nó sẽ mãi là một kỷ niệm đặc biệt và không bao giờ quên. Hôm đó khi thổi nến, mình ước mọi thứ sớm trở lại bình yên…

Chỉ mong mọi người cùng chung tay và hy sinh một chút. Hãy ở nhà và đừng ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết. Vì nếu vẫn cứ đi dạo thành phố, vẫn đi đây đi đó, sẽ đến lúc mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát. Lúc đó có lẽ đã muộn màng…

Sài Gòn ơi, sao mãi vẫn chưa khỏe…!

Nhật ký mùa săn Cô Tên Vy – 04

Đằng đẵng như vậy đã tròn 1 tháng rồi. Nhanh thật.

Thèm cảm giác được ngủ một giấc thật sâu trên giường của mình quá. Thèm cảm giác được chạy xe vòng quanh thành phố, nghe nhạc và chìm vào trong suy nghĩ vẩn vơ. Mình hay đùa với đồng đội rằng: “Anh chỉ viết nhật ký 3 tập thôi, sau đó không viết nữa, vì sau đó hết dịch rồi”.

Ấy vậy mà mọi thứ đang ngày càng tồi tệ. Sài Gòn liên tục phá kỷ lục về số ca mắc trong ngày cũng như số khu phong tỏa, vượt qua Bắc Ninh trở thành điểm nóng có số ca nhiễm đứng thứ 2 trên cả nước từ đầu đợt dịch thứ 4. Và cứ đà này, việc vượt qua Bắc Giang có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Thật sự đó là điều không ai mong muốn cả.

Tuần qua có lẽ thành phố đã phải huy động hết tất cả lực lượng nhân viên y tế, sinh viên y khoa, tình nguyện viên cho công tác phòng chống dịch và cả công tác tiêm chủng nữa. Có khoa chỉ còn 1-2 bác sĩ, có bệnh viện chỉ còn 1/3 số lượng nhân viên y tế, còn lại hầu hết phải lên đường để tham gia cuộc chiến, bất kể ngày đêm mưa nắng. Những sự hy sinh, vất vả có lẽ không từ ngữ nào diễn tả được…

Mình giận mọi người thật nhiều. Mọi người vô tâm quá. Mọi người vẫn nhởn nhơ ăn uống, tụ tập, vẫn ra khỏi nhà đi dạo đây đó, bất chấp lệnh giãn cách và không ra khỏi nhà khi không cần thiết.

Cứ như vậy, ai sẽ là người chịu thiệt đây? Chính bản thân mình, gia đình mình, người thân mình và cả những người nghèo khổ nơi chân cầu, nơi góc đường ngoài kia nữa. Thật thương cho họ! Nhưng mình tin Sài Gòn vẫn thiện tâm và tử tế với nhiều đặc sản như “ATM lướt ống”, “ATM gạo” phải không?

Không biết phải nói gì về cảm xúc của mình trong tuần qua cả. Mọi thứ đến quá dồn dập. Bây giờ mình và đồng đội ai cũng nhớ nhà, và còn nhớ nhau nữa. Mười sáu con người, mười sáu nhịp đập hòa cùng làm một trong 4 tuần lễ. Nhưng bây giờ thì… Haiz!

We stay at work for you. Please stay at home for us…

Nhật ký mùa săn Cô Tên Vy – 05

Sài Gòn, 02:20 am

Mình đã trở lại tiền tuyến sau những rào cản không ai muốn. Đón nhận mình là những ấm áp và yêu thương của đồng đội. Thật cảm động…

Năm ngày cuối tháng 6 quả thực là một ác mộng đối với nhân viên y tế. Năm ngày ấy đập vô mặt sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ chỉ vỏn vẹn 3 chữ “Mẫu bệnh phẩm” mà thôi.

Cũng phải, bởi vì theo chỉ thị, năm quận/ huyện: Bình Tân, Tân Phú, Quận 8, Hóc Môn và Bình Chánh phải lấy 500.000 mẫu/ngày, tính ra cả năm ngày sẽ là 2.500.000 mẫu – một con số lớn hơn điểm nóng Gò Vấp cách đây một tháng rất nhiều.

Với mình, đó là một con số không tưởng. Và nếu có đạt được mục tiêu đó, thì công sức bỏ ra sẽ là rất rất nhiều. Đúng, sau năm ngày đó mọi người ở đây ai cũng muốn gục ngã.

Mọi người hay nói đùa với nhau: “Mình đi chống dịch như vầy, riết là con gì chứ không phải là con người nữa”. Câu nửa đùa nửa thật.

Bởi vì làm gì có người nào một ngày chỉ ngủ vỏn vẹn 3-4 tiếng và cứ như thế rất lâu rồi, tất cả thời gian còn lại chôn vùi với việc lấy mẫu, xử lý mẫu bệnh phẩm và số liệu.

Có người nào, mỗi khi mặc đồ bảo hộ đi xuống khu phong tỏa thì mọi người kỳ thị, xua đuổi và thậm chí nói những lời tổn thương nhau. Những lúc như thế thật chạnh lòng biết bao…

Bước sang tháng bảy, thành phố lại tiếp tục mở rộng xét nghiệm tất cả quận/ huyện, và mình cảm tưởng như mọi thứ đang từng ngày vắt kiệt sức NVYT.

Sáng nay mình đã lấy mẫu cho toàn bộ các em lớp 12 cũng như các Thầy/ Cô coi thi cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới tại trường THCS Chánh Hưng – quận 8. Mẹ mình và Dì mình cũng là một nhà giáo, cũng sẽ theo sự chỉ đạo của Sở Giáo dục để chắc chắn âm tính trước kỳ thi.

Ấy vậy, mình lại không thể tự tay lấy mẫu và ở lại bảo vệ cho gia đình mình nữa.  Nhưng chắc chắn, con sẽ về thôi. Chắc chắn là vậy!

The day after tomorrow will be sunshine.

🎶 Nhắm mắt thấy tôi quay về

Về với bữa cơm nhà, mà bao lâu tôi bỏ qua

Nhắm mắt thấy ba mẹ ngồi

Bên đứa em thơ dại, nhìn lại năm tháng qua

Tôi học cách yêu thương người khác tôi

Và bao dung cho người ghét tôi

Tôi học cách xua đau thương bằng nụ cười

Và bằng niềm tin ở con người 🎶

(Nếu một mai tôi bay lên trời – Hứa Kim Tuyền)


Tin bài liên quan:

VNTB – Các yêu cầu thời gian giãn cách là quyền của địa phương

Phan Thanh Hung

VNTB – Dịch virus Covid-19: “Tôi cảm thấy rất cô lập”

Phan Thanh Hung

VNTB – Cần bộ não thật sự!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.