Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhiều công dân đang bị công an vu khống hình sự

Nguyễn Cao


 

(VNTB) –Những công dân nhận “giấy triệu tập” mà không đính kèm theo quyết định khởi tố vụ án hình sự cùng với thông báo rõ tư cách tham gia tố tụng của mình, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng là gì, thì người được triệu tập có quyền từ chối làm việc.
Cho đến nay, chưa có một vụ án hình sự nào được khởi tố có nội dung liên quan đến “hành động, lời nói của số người mặc áo có in dòng chữ DLV tại khu vực hồ Hoàn Kiếm sáng ngày 14/03/2015”.
Tuy nhiên nhiều công dân đã nhận “giấy triệu tập” đến cơ quan công an ngày 6-4-2015 để làm việc về “Dư luận viên”. Nội dung của các “giấy triệu tập” khá giống nhau: “Về việc có mặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm sáng ngày 14/03/2015 và chứng kiến hành động, lời nói của số người mặc áo có in dòng chữ DLV”.
Như vậy, yêu cầu Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, giám đốc Công an TP. Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cần nhanh chóng xem xét trách nhiệm hình sự của những cá nhân đã ký “giấy triệu tập”.
Ở đây những cá nhân này còn có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vu khống người khác được quy định tại Điều 122 bộ luật hình sự năm 1999.
1. Giấy triệu tập được sử dụng trong trường hợp nào?
Về bản chất Giấy triệu tập là một loại Giấy mời được các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) sử dụng trong quá trình điều tra vụ án hình sự, và được quy định rõ, chi tiết cụ thể các trường hợp sử dụng trong Bộ Luật Tố Tụng Hình sự. Theo quy định, khi tiến hành hoạt động tố tụng không sử dụng Giấy mời mà chỉ có duy nhất giấy triệu tập.
Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự là văn bản pháp luật duy nhất quy định về việc dùng giấy triệu tập mà hệ thống cơ quan tố tụng phải tuân hành.
2. Thẩm quyền ký giấy triệu tập
Theo quy  định của Bộ Luật tố tụng hình sự thì Điều tra viên (Điều 35), Kiểm sát viên (Điều 37), Thẩm phán (Điều 39) có thẩm quyền ký giấy triệu tập nhằm mục đích thực hiện các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự..
3. Phạm vi nội dung làm việc khi triệu tập
Điều tra viên: Có quyền triệu tập để hỏi cung bị can, lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án (Điều 35).
Kiểm sát viên: Có quyền triệu tập để hỏi cung bị can; lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án (Điều 37).
Thẩm phán: Có quyền triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên toà (Điều 39).
Như vậy, quyền triệu tập đương sự của Thẩm phán rộng hơn Điều tra viên và Kiểm sát viên..
4. Đối tượng bị triệu tập
Bị can: phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát (khoản 3 Điều 49).
Bị cáo: phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án (khoản 3 Điều 50).
Người bị hại: là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra. Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án (Điều 51).
Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nguyên đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại (khoản 3 Điều 52);
Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Bị đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại. (khoản 3 Điều 53);
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình. (khoản 2 Điều 54).
Người làm chứng: Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng. Người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án (khoản 4 Điều 55).
Người làm chứng có quyền: a) Yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng;
b) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
c) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.
5. Xác định tính hợp pháp của người ký giấy triệu tập
Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự đã quy định rõ phạm vi đối tượng có thể triệu tập, tức công dân phải là một trong những đối tượng có tư cách tham gia tố tụng là: bị hại, bị can, bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người bào chữa, người giám định, người phiên dịch. Không được phép triệu tập khơi khơi để hỏi những chuyện không liên quan đến một vụ án cụ thể.
Trước đây, Bộ Luật tố tụng hình sự quy định chỉ Trưởng, Phó cơ quan tiến hành tố tụng mới có quyền ký giấy triệu tập. Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự sửa đổi, bổ sung ngày 26/11/2003 quy định Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đều có quyền ký giấy triệu tập.
Vì vậy, để xác định giấy triệu tập được ký hợp pháp, tức người ký nhân danh cơ quan tố tụng triệu tập để làm việc phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử; chớ không phải nhân danh cá nhân Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán. Để tránh trường hợp lạm quyền, lấy công hành tư, thì người nhận giấy triệu tập cần đòi hỏi được biết Quyết định khởi tố vụ án Hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng.
Ví dụ: Giấy triệu tập do Điều tra viên A ký đóng dấu Cơ quan điều tra nhưng lại ghi gặp và làm việc với Điều tra viên B thì công dân phải yêu cầu ông B xuất trình Giấy chứng nhận Điều tra viên (còn gọi là Thẻ Điều tra viên) hoặc Quyết định bổ nhiệm Điều tra viên (nếu chưa có Thẻ), công dân có quyền từ chối làm việc với người không phải Điều tra viên.
6. Xác định tư cách tham gia tố tụng của người được triệu tập
Khi một vụ án hình sự được khởi tố, thì mới xác định được ai là bị hại, ai là bị can, ai là bị cáo, ai là nguyên đơn dân sự, ai là bị đơn dân sự, ai là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, ai là người làm chứng, ai là người bào chữa, ai là người giám định, ai là người phiên dịch.
Người được triệu tập có quyền yêu cầu Điều tra viên cho xem Quyết định khởi tố vụ án Hình sự, thông báo rõ tư cách tham gia tố tụng của mình là gì, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng riêng theo từng loại tư cách tham gia, và ghi rõ vào biên bản làm việc. Nếu Điều tra viên không chứng minh được những điểm đó với người được triệu tập làm việc thì người được triệu tập có quyền từ chối làm việc.

Lưu ý, người dân từ chối làm việc vì công an không hợp tác với người dân làm đúng theo quy định, chứ không phải người dân không hợp tác.

Tin bài liên quan:

VNTB – Sách nhiễu trong mùa dịch (phần 2)

Phan Thanh Hung

VNTB – Sách nhiễu trong mùa dịch

Phan Thanh Hung

VNTB – “Triệu tập” là gì trong chuyện tố tụng?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.