Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhớ Thầy…

Dế Cơm

 

(VNTB) – Những vật dụng khi xưa của chùa Liên Trì, vẫn nằm đó, im lìm một góc nhỏ giữa đô thị Cát Lái đang ngày một phồn vinh…

 

Tháng 7 đến. Mùa Vu Lan lại về…

Có thể nói, mỗi khi đến mùa Vu Lan báo hiếu, bên cạnh gia đình, ông bà, tổ tiên, tôi lại bùi ngùi nhớ đến Thầy. Một cảm xúc mà không thể diễn tả hết bằng lời.

Tôi biết Thầy trong một dịp tình cờ khi ông chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Phạm Chí Dũng, chuẩn bị tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Hội tại chùa Liên Trì, quận 2, Sài Gòn (nay là thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh).

Là một tín đồ của Phật giáo, tôi thường xuyên hay đến viếng những cảnh chùa, không cần đó có phải là ngày rằm hay mùng 1 hay không. Mặc dù ở mỗi nơi, đều để lại trong tôi không ít kỷ niệm lẫn ấn tượng. Nhưng với Thầy, không biết sao, tôi lại nhớ mãi những hành động, câu nói khi xưa ấy cho đến tận bây giờ.

Điều làm tôi nhớ đến đầu tiên, chính là cũng trong mùa Vu Lan. Thầy là một người tấm lòng từ bi, bác ái, sẵn sàng chia sẻ những gì mình có cho người nghèo, người khó khăn, cho trẻ em bị ung thư, cho các ông/bà thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, cho các thuyền nhân…. Mỗi khi Phật giáo đến những ngày lễ lớn, là chùa Liên Trì của Thầy lại nhộn nhịp. Đông đúc người đến, biết bao người đã được Thầy giúp đỡ. Giờ đây, chùa ở chỗ cũ không còn, chùa ở chỗ mới lại không có Thầy, những phận đời khó khăn đó, thiếu đi một hơi ấm, một bóng từ bi.

Tôi nhớ, trong một lần gần đây, không biết có phải là duyên số, bể bánh xe ở Gò Vấp, vô tình vá xe cho tôi, là một người đã từng đến chùa Liên Trì nhận phần giúp đỡ từ Hòa thượng Viện chủ. Ông chia sẻ rằng, khi nghe tin chùa Liên Trì bị dẹp, buồn nhiều lắm, nhưng lại nuôi hy vọng rằng, Thầy sẽ nhận phần đất dưới Cát Lái, dù biết rằng, đúng là so với cái cũ, có xa hơn, nhưng ông cũng chấp nhận. Chỉ cần có một nơi, để mọi người tề tựu về, là vui rồi.

Càng nhớ hơn nữa trong mùa Vu Lan năm ấy, khi chùa Liên Trì vẫn còn. Một người hoàn cảnh không biết có khó khăn hay không, chỉ biết rằng, họ chia sẻ họ dự tính mở một tiệm tạp hóa nhưng không đủ tiền. Không cần phải đắn đo suy nghĩ xem có lừa mình hay không, Thầy liền giúp đỡ một khoản tiền.

Và rồi, một câu nói ấm lòng mà có lẽ không bao giờ tôi quên được: “Nếu gia đình có người mất, hoàn cảnh có khó khăn, gửi cốt vào chùa Liên Trì, không cần phải tiền bạc mấy chục triệu gì hết, có gì cúng đó. Nếu lúc đó có nải chuối thôi, cũng được. Không có cũng không sao”.

Cái ngày chùa Liên Trì bị giải tỏa, tôi cũng buồn lắm chứ. Chạy vòng vòng ở ngoài, không giúp được gì, bất lực. Song, lại hy vọng rằng, Thầy sẽ gầy dựng lại một Liên Trì ở Cát Lái, mọi người sẽ cùng chung tay với Thầy…

Vu Lan lại về. Vu Lan về trong bối cảnh dịch bệnh với hàng loạt những hình ảnh giăng dây ở các ngả đường, với cảnh xe cấp cứu chạy ngày chạy đêm, với cảnh những bệnh viện dã chiến đầy ắp những bệnh viện, với cảnh những con số tử vong tăng lên hằng ngày.

Và Thầy vẫn ở đó, trong một ngôi chùa tạm. Phật tử muốn viếng thăm Thầy cũng khó khăn hơn khi đầu hẻm giăng dây. Khó khăn hơn khi đi lại bị giới hạn giữa các quận. Những vật dụng khi xưa của chùa Liên Trì, vẫn nằm đó, im lìm một góc nhỏ giữa đô thị Cát Lái đang ngày một phồn vinh, tựa hồ như đang chờ đợi bóng hình quen thuộc của một vị sư thầy năm xưa….

Và Phật tử, cũng chờ đợi Thầy…


Tin bài liên quan:

VNTB – Sài Gòn bao dung: Có một Sài Gòn… im ắng

Phan Thanh Hung

VNTB – Từ chùa Kỳ Quang 2, nhớ đến một ngôi chùa đã mất ở quận 2, Sài Gòn

Phan Thanh Hung

VNTB – Vu Lan và Hoa Hồng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo