Trần Thành – Thảo Vy (VNTB) Qua kỳ nghỉ “Tết Tây”, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) chính thức đi vào thực tiễn với nhiều quy định không thực tế.
Người lao động (NLĐ) và cả giới chủ doanh nghiệp (DN) thắc mắc “trong bảng lương có các khoản phụ cấp như phụ cấp trách nhiệm, chuyên cần (không cố định, làm đủ ngày công mới được), nhưng trên hợp đồng không ghi những khoản phụ cấp này thì tính đóng BHXH theo quy định mới như thế nào?”, “DN đang bối rối về mức phụ cấp. Phụ cấp nào phải đóng và không phải đóng? Nếu đóng thêm phụ cấp thì tiền đóng của DN luôn thay đổi, vậy DN sẽ tốn rất nhiều thời gian cho vụ BHXH này…”.
Hai lần phí cho 1 bảo hiểm cùng thời điểm
Kể từ ngày 01-01-2016, tất cả người Việt Nam đi xuất khẩu lao động, mỗi tháng phải trích 22% tiền lương cùng các khoản trợ cấp lãnh được khi “cày” ở xứ người, nộp về cho cơ quan BHXH gọi là “phí BHXH”. Khi NLĐ ấy về hưu, hoặc chết thì mới nhận được các quyền lợi về bảo hiểm.
Nội dung nói trên được ghi trong Nghị định 115/2015/NĐ-CP “hướng dẫn luật BHXH về BHXH bắt buộc”.
Theo nghị định này, tất cả lao động đi làm việc ở nước ngoài, cho dù trước đó có đóng bảo BHXH hay không, đều thuộc diện phải đóng BHXH bắt buộc. Trong bốn nhóm đối tượng NLĐ làm việc ở nước ngoài phải tham gia BHXH bắt buộc, chỉ có nhóm đi thông qua hình thức nhận thầu là nghĩa vụ và quyền lợi đóng BHXH không có vấn đề gì phải bàn, vì DN tuyển dụng họ là DN trong nước, từ trước đến nay việc tham gia BHXH vẫn theo cơ chế NLĐ và người sử dụng lao động cùng đóng và hai bên đóng cho cả chế độ BHXH dài hạn lẫn ngắn hạn.
Nhưng những đối tượng còn lại sẽ phải tự đóng toàn bộ phí BHXH mà không có sự chia sẻ của chủ sử dụng lao động. Việc buộc NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phải đóng BHXH với một tỷ lệ rất lớn, lên tới 22% lương cùng các khoản phụ cấp, trong khi NLĐ làm việc trong nước chỉ đóng 10,5% (do được người sử dụng lao động đóng cùng) thể hiện sự bất công về mặt nghĩa vụ đối với NLĐ làm việc ở nước ngoài. Mặt khác, dù phải đóng BHXH với tỷ lệ cao hơn, nhưng NLĐ làm việc ở nước ngoài lại chỉ được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất, chứ không phải năm chế độ (hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, thai sản, ốm đau) như lao động làm việc trong nước.
Trong khi đó, NLĐ khi làm việc ở nước ngoài cũng đã cùng với DN ở nước ngoài đóng một khoản phí (có tính chất) BHXH không nhỏ. Thông thường đó là các khoản BHXH ngắn hạn (bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, bảo hiểm y tế), nhưng cũng có nước, như Nhật Bản, quy định phải đóng cả bảo hiểm hưu trí (sau khi hết hợp đồng về nước, người lao động sẽ nhận bảo hiểm một lần). Với việc thực hiện Nghị định 115, họ phải tham gia BHXH hai lần trong cùng một thời điểm!
Tỷ lệ hưởng lương hưu
Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện vừa được Chính phủ ban hành ở những ngày cuối cùng của năm 2015 (chưa có Thông tư hướng dẫn), trong đó quy định cụ thể mức lương hưu hằng tháng của NLĐ
Cụ thể, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính như sau: Người nghỉ hưu từ ngày 1/1/2016 đến trước ngày 1/1/2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. Nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Nam nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%:
Người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau: a) Người tham gia BHXH tự nguyện có thời gian tính hưởng chế độ hưu trí từ đủ 20 năm trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Điểm b; b) Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 và Điều 55 của Luật BHXH; c) Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH bắt buộc, đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật BHXH mà bảo lưu thời gian đã đóng BHXH và tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thì được hưởng lương hưu khi có yêu cầu.
Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH. Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên, trừ đối tượng quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH và Điểm c trên thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng lương hưu. Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính theo quy định tại Điều 75 của Luật BHXH, cứ mỗi năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH.
Quỹ bảo hiểm xã hội: Ai là chủ nhân?
Đây là câu hỏi của tác giả Khắc Giang, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR). Ông nói rằng khi chưa thể giải quyết bài toán minh bạch về hoạt động và đảm bảo thu được đúng và đủ mức đóng góp từ các đối tượng tham gia, việc nâng mức đóng góp thực tế quỹ BHXH sẽ chỉ tưởng thưởng cho gian dối và tạo ra bất công trong xã hội. Khi chưa tạo được niềm tin rằng hệ thống đang hoạt động một cách công bằng, sẽ khó để thuyết phục người đóng BHXH việc họ phải chi thêm tiền là xác đáng.
Thu nhập mỗi tháng (gồm cả lương và phụ cấp) của chị Nguyễn Thị Phương là 5 triệu đồng. Số tiền ấy chỉ đủ trả tiền thuê phòng, chăm con nhỏ và các chi phí cuộc sống. Với việc đóng bảo hiểm theo luật mới, tính thêm tiền phụ cấp, nhiều khả năng thu nhập thực sẽ giảm. Đấy là điều mà theo chị, công nhân lao động thu nhập thấp không mong muốn. “Cũng biết là tăng phí bảo hiểm thì lương hưu tăng nhưng đấy là chuyện của 30 năm sau. Trước mắt, thu nhập giảm sẽ ảnh hưởng nhất định tới chi tiêu hàng tháng”, chị tâm tư.
Đồng tình, anh Đặng Duy Đạt, kỹ sư máy tính công ty Nhật Bản băn khoăn trước phân tích cho rằng, luật BHXH mới giúp lương hưu cao lên, có lợi cho người thu nhập cao như anh. “Thiệt trước mắt là rõ, vì tiền đóng BHXH bắt buộc tăng lên, đồng nghĩa thu nhập hàng tháng sẽ giảm đi. Trong khi đó, cái lợi sau này là lương hưu thì quá xa vời”, anh Đạt nói. Anh phân tích thêm, với nam giới, không được hưởng chế độ thai sản, mỗi người phải tích lũy hơn 30 năm đóng BHXH mới được hưởng hưu tối đa là 75%. Trong khi đó, đồng tiền ngày càng mất giá. “Chắc chắn tổng hưu thu về từ tiền BHXH chỉ bằng một phần rất nhỏ so với gửi ngân hàng”, anh Đạt tính.
Theo luật mới, thời gian đóng BHXH cũng tăng thêm 5 năm (tăng từ 25 năm lên 30 năm đối với lao động nữ và từ 30 năm lên 35 năm đối với lao động nam). Những quy định này, tất nhiên sẽ khiến cho các DN “không vui”, bởi bất kỳ sự đóng góp nào sẽ khiến cho họ phải chịu thêm gánh nặng chi phí. Tuy nhiên, nghịch lý là rất nhiều NLĐ, đối tượng thụ hưởng chính trong chính sách BHXH, lại tỏ ra không đồng tình.
Và điều đó không phải là không có lý do.
BHXH, đặc biệt là bảo hiểm hưu trí, không phải là thuế hay phí phải nộp, mà là khoản tiền nhà nước giữ hộ cho công dân dành cho tuổi già. Khoản này thuộc sở hữu của NLĐ, và nghiễm nhiên với tư cách chủ đầu tư, họ có quyền tiếp cận thông tin có liên quan. Hàng triệu người đóng bảo hiểm cần được báo cáo về tình hình “kho báu” của mình một cách có hệ thống và liên tục, cụ thể là có báo cáo tài chính được kiểm toán, cập nhật hoạt động đầu tư, được quyền bầu ban đại diện cho quyền lợi của mình ở hội đồng quản trị quỹ.
Thêm vào đó, họ cũng có quyền được cử đại diện tham gia đại hội cổ đông hàng năm hoặc các đại hội bất thường liên quan đến hoạt động của quỹ. Nói cách khác, quỹ BHXH phải được vận hành một cách minh bạch, công khai, có cơ cấu tài chính chặt chẽ như một công ty lên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên cho đến lúc này, ai là chủ nhân của Quỹ BHXH vẫn chưa thấy được sự minh bạch. Người dân có quyền lo ngại khi luôn được thông báo rằng quỹ này đang chịu nhiều sức ép, có nguy cơ bị âm hay thậm chí là vỡ quỹ, nhưng lại không tiếp cận được các thông tin vì sao lại như vậy.
Lưu ý, nếu tính gộp các khoản BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn,… thì mức phí đóng góp lên đến 35,5% lương của NLĐ, gần bằng mức cao nhất ở Singapore (37%). Nhật Bản, quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng già hoá dân số, cũng chỉ có mức đóng góp cao nhất là gần 29%.
Ảnh: Giữa nhịp sống Biển Đông sôi động, không chỉ có những tàu cưỡi sóng đánh bắt cá tôm, mà còn có thêm những “đội quân” dịch vụ hậu cần nghề cá. Việc phối hợp, hỗ trợ nhau làm ăn trên biển đã giúp những chuyến tàu vươn khơi xa, tiết kiệm chi phí đánh bắt… Tuy nhiên, mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% tổng thu nhập là gánh nặng thực sự của những xã viên nghiệp đoàn cá như vầy.