Christopher Bodeen
Phạm Nguyên Trường dịch
(VNTB) – Mặc dù kinh tế toàn cầu sẽ là vấn đề chính tại hội nghị thượng đỉnh G-20, nhưng các vấn đề chính trị và an ninh sẽ là nền tảng của cuộc hội nghị của các nhà lãnh đạo các nước công nghiệp và thị trường mới nổi được tổ chức ở Hàng Châu, Trung Quốc.
Khai mạc Hội nghị G20
Các cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ và những cuộc xung đột đẫm máu đang diễn ra ở Syria và Iraq nằm trong số những vấn đề đang làm cho thế giới trở thành không chắc chắn và bất ổn.
Người ta nghĩ rằng các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có tổng thống Barack Obama, chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Đức, Angela Merkel, sẽ bàn về những vấn đề này, tại những cuộc họp nhóm vào chủ nhật hay thứ hai, hoặc trong những cuộc gặp song phương.
Tổng thống Nga, Vladimir Putin, sau khi bị phương Tây cấm vận, nước này đang xích lại với Trung Quốc, cũng sẽ có mặt cùng với thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi; thủ tướng Pháp, Francois Hollande; và thủ tướng mới của Anh, bà Theresa May. Bà May có thể bị hỏi về quyết định ra khỏi EU của Anh và ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế toàn cầu giữa lúc chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế đang ngóc đầu dậy.
Mặc dù có rất nhiều vấn đề có thể gây tranh cãi, dường như Trung Quốc đã quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh không có xung đột, thậm chí là nhàm chán vì họ đã chọn đề tài trung dung: “Hướng tới nền kinh tế thế giới có tính sáng tạo, năng động, liên kết và dung hợp”.
“Chiếm tới hai phần ba dân số thế giới và hơn 80% kinh tế toàn cầu, các nước G-20 xứng đáng và được kì vọng là sẽ có vai trò lớn hơn trong việc quản lý nền kinh tế thế giới. Không nghi ngờ gì rằng cuộc họp thượng đỉnh sắp tới là một cơ hội tuyệt vời”, Tân Hoa Xã gần đây đã bình luận như thế.
Biến đổi khí hậu, nhân quyền và cuộc chiến chống nhóm khủng bố IS cũng sẽ được đem ra thảo luận, với hi vọng rằng Obama và Tập sẽ đưa ra thông tin mới về tiến trình phê chuẩn thỏa thuận Paris về giảm khí thải nhà kính. Các quan chức ở Nhà Trắng nói rằng họ hi vọng là thỏa thuận về biến đổi khí hậu sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kì, Recep Tayyip Erdogan, cũng sẽ hiện diện trong cuộc họp với đại diện của nhiều nước, sau cuộc đảo chính bất thành làm cho tình trạng căng thẳng với Mỹ và các đồng minh của Mỹ đã tồi tệ, càng tồi tệ thêm.
Mặc dù không ai nghĩ là sẽ có đột biến, nhưng hội nghị thượng đỉnh lần này cũng tạo điều kiện cho các nhà lãnh đạo thảo luận những bất đồng, từ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với những hòn đảo do Nhật kiểm soát ở Biển Đông đến những quan ngại của NATO trước việc Nga chiếm Crimea và cuộc chiến ở Đông Ukraine.
Có khả năng là các bên tranh chấp như Nhật và Trung Quốc có thể có những cuộc tiếp xúc chính thức và “không nghi ngờ gì rằng điều đó sẽ được coi và trình bày như là giảm căng thẳng”, Dean Cheng, cộng tác viên cao cấp ở quỹ Heritage Foundation in Washington, D.C., nói như thế.
Chương trình tên lửa và nguyên tử của Bắc Triều Tiên cũng là một trong những lý do làm cho khu vục trở nên bất an. Trong tuần này, Bình Nhưỡng vừa mới bác bỏ tuyên bố của Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc, lên án bốn vụ phóng tên lửa trong thời gian gần đây. Bình Nhưỡng coi tuyên bố nói trên là “hành động thù địch” do Mỹ giật dây và cảnh báo rằng điều đó chỉ đẩy nhanh “sự hủy diệt” nước Mỹ mà thôi.
Bắc Triều Tiên phóng tên lửa ngày 24 tháng 8, tức là vài ngày sau khi Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận chung hàng năm. Bản tuyên bố gởi cho báo chí hôm thứ sáu – được tất cả 15 thành viên Hội Đồng Bản An thông qua, trong đó có Trung Quốc, đồng minh của Bắc Triều Tiên – gọi bốn vụ phóng tên lửa trong tháng 7 và tháng 8 là “vi phạm cực kì nghiêm trọng” lệnh cấm tất cả hoạt động liên quan tới tên lửa đạn đạo.
Trong khi Trung Quốc, dưới sự chế độ độc đảng, vẫn là một nước ổn định về chính trị thì Đông Á đang đối mặt với thách thức, từ cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan đến cuộc bầu cử tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines – chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu của ông này đang bị những người hoạt động nhân quyền phản đối.
Người ta kì vọng rằng Obama cũng sẽ ca ngợi thỏa thuận tự do thương mại TPP, đang bị sa lầy ở Quốc hội Mỹ vì cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đều phản đối.
Cùng với việc Mỹ xoay trục sang châu Á, làm gia tăng đáng kể sự hiện diện về quân sự của Mỹ trong khu vực; TPP là thành tố trung tâm của chính sách của Obama đối với châu lục này và được coi là phép thử đối với khả năng lãnh đạo của Mỹ. Nước chủ nhà Trung Quốc không tham gia thỏa thuận đang được đề xuất và coi xoay trục là hành động thù địch nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của họ trong khu vực này, bằng cách củng cố liên minh quân sự với các đồng minh của Mỹ, trong đó có Australia và Philippines.
Những đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ ám ảnh cuộc họp ở đây. Tháng 6 vừa rồi, tòa trọng tài quốc tế ở Hague đã bác bỏ những đòi hỏi về chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển có tính chiến lược này. Bắc Kinh giận dữ phủ nhận phán quyết và nói rằng họ sẽ tiếp tục bồi đắp những hòn đảo nhân tạo trong khu vực tranh chấp. Trung Quốc cũng nói rằng sẽ xem xét để tuyên bố về vùng nhận dạng phòng không, và như vậy là cần phải có lực lượng không quân để thực hiện mệnh lệnh – một động thái chắc chắn sẽ bị Mỹ, Nhật và một số nước khác lên án.
Nhằm làm giảm những quan ngại như thế, Trung Quốc đã và đang thúc đẩy hợp tác kinh tế đang được mở rộng bằng dự án “Một hành lang, Một con đường”, liên kết Trung và Đông Nam Á lại với nhau và thông qua Ngân hàng phát triển châu Á (AIIB) được Bắc Kinh hậu thuẫn.
Những người theo dõi G-20 sẽ đánh giá phản ứng trước những sáng kiến đó, dù “tích cực, dè dặt hay chia rẽ” – Brantly Womack, một nhà nghiên cứu Trung Quốc ở đại học Virginia nói. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ xem xét kết quả có thể xảy ra trong cuộc bầu cử tháng 11 ở Mỹ, trong đó đảng viên Dân chủ Hillary Clinton dường như đang có lợi thế hơn đối thủ, đảng viên Cộng hòa, Donald Trump. Người ta coi cựu thượng nghị sĩ và cựu ngoại trưởng Clinton là người cầm lái có kinh nghiệm hơn, trong khi Trump đề xuất chính sách có thể làm người ta nghi ngờ về sự gắn bó của Mỹ với thương mại tự do, nhập cư và bảo vệ các nước đồng minh của Mỹ.
Ngoài những vấn đề cốt lõi đó, những lo ngại về cuộc xung đột ở Trung Đông và làn sóng di dân do nó gây ra cũng cần phái được xem xét. Tổng thống Ai Cập, Abdel-Fattah el-Sissi, một trong những vị khách mời đặc biệt của hội nghị, cũng sẽ mang tới hội nghị tin tức mới về nền kinh tế đang chao đảo và cuộc khủng hoảng về an ninh đang ngày càng sâu sắc thêm của nước ông.
G-20, bao gồm Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Nam Hàn, Thổ Nhĩ Kì, Liên hiệp Anh, Hoa Kì và Liên minh châu Âu.
Nguồn: https://www.washingtonpost.com/world/europe/political-issues-weigh-on-upcoming-g-20-summit-in-china/2016/08/31/2b1a4e7a-6f54-11e6-993f-73c693a89820_story.html