VNTB- Nữ sinh bỏng: liveshow của sự thối nát giáo dục, xã hội

Kỳ Lâm

(VNTB) – Bộ máy giáo dục luôn kêu gọi hãy đấu tranh với cái xấu, với 5 điều Bác Hồ dạy, nhưng chính những người lớn và những nhóm người nằm trong hệ thống giáo dục lại không làm được những điều tưởng chừng như nhỏ bé và vô cùng đơn giản như vậy.

Hình ảnh nữ sinh THPT Phan Đình Phùng bị bỏng độ 3 khiến nhiều người xót
Cái kết về sự tha thứ

Nữ sinh Phan Đình Phùng bị bỏng cấp độ 3 kết thúc với việc học sinh Nguyễn Đăng Vũ- thủ phạm gây ra bỏng cấp độ sẽ bị kỷ luật ở mức “Cảnh cáo” trước toàn trường; 3 học sinh khác liên đới sẽ bị “Khiển trách” trước Hội đồng kỷ luật; Cô Nguyễn Thị Mai Anh- nhân viên quản lý phòng thí nghiệm và là người gián tiếp gây ra bỏng cấp 3 chịu hình thức kỷ luật là “Cảnh cáo”.

Trước đó, hơn 1 tháng sự việc cố tình diễn biến theo hướng chìm xuồng; không ai trong nhóm người gây ra sự vụ thực tâm hối lỗi; lãnh đạo Phan Đình Phùng tìm cách “bịt miệng” – thậm chí gửi văn bản lên Ban tuyên giáo T.Ư để không làm ầm ĩ sự vụ trên truyền thông nhà nước; còn một nhóm nhỏ lẻ những học sinh – cựu học sinh đã hờn trách nữ sinh bị bỏng vì làm ảnh hưởng “danh tiếng” trường.

Nhà báo Phạm Huyền (công tác tại Vietnamnet) trong một thông tin chia sẻ trên facebook cá nhân tối 12/02 đã cho biết thêm thông tin.

Còn Diệp Anh – nạn nhân bị bỏng cấp độ 3 đã lên tiếng bảo vệ bạn mình sau khi họ nhận sai, em không muốn ai phải kỷ luật khi đã cuối cấp. Em chấp nhận hậu quả dù em không hề gây ra nó. Đó là biểu hiện cao đẹp và sinh động về sự bao dung giữa người và người với nhau.

Là sự đấu tranh với “hủ tục” có trước có sau

Diệp Anh để viết và đăng lên trang Facebook Pdp Consfessions về câu chuyện của mình, đã phải suy nghĩ rất rất nhiều, phải đấu tranh quá nhiều. Đấu tranh với chính những người trong gia đình, với những khuôn thước mẫu về “có trước có sau”. Bố mẹ em không “chấp nhận nổi con gái mình dám nói thầy cô công khai như vậy”.

Điều đó cho thấy rằng, giáo dục Việt Nam đã tạo một sức ép bất khả kháng đến hàng triệu triệu con người Việt. Tồn tại một nỗi lo sợ, sự sợ hãi về “trật tự vai vế xã hội”, về thầy cô luôn luôn đúng và học trò luôn sai. Về tư duy của một loài cừu chỉ biết kêu be be khi mà thầy cô cho phép.

Diệp Anh dũng cảm, em chống chịu không chỉ với nỗi đau thể xác và chiến đấu chống “hủ tục”, khi mà sự lên tiếng trong em chưa được gia đình em ủng hộ. Em chống cả những sự dối trá và dèm pha, công kích của nhóm bạn em; em chống lại chính sự ghẻ lạnh từ phía nhà trường – gia đình thủ phạm và yêu cầu im lặng từ giáo viên.

Ai! Ai đã biến một thế hệ người lớn áp đặt “giáo điều” thầy cô trên hết lên đôi vai học sinh; là đưa học sinh đi theo luồng thay vì hướng rẽ; là biết vâng dạ chứ không phải phản ánh bất công – ngay cả với bản thân mình?

Giáo viên trường Phan Đình Phùng phải chăng nên tự biết xấu hổ mà ngả cúi đầu trước Diệp Anh vì em đã nhận định rõ ràng rằng: chúng nó chỉ nghịch dại thôi. Lỗi là tại người lớn không xử lý nghiêm thôi…”

Usinxki  – nhà giáo dục Nga – người đã đấu tranh không mệt mỏi để chống lại những tư tưởng bảo thủ, lạc hậu và xây dựng ra một hệ thống giáo dục mới, tiến bộ đã bày tỏ rằng: Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác.

“Nhóm người lớn” trường Phan Đình Phùng, qua sự vụ này, đã bán rẻ nhân cách để chỉ đổi lấy danh tiếng và thành tích giáo dục. Ai dạy và sẽ dạy được ai với “đạo đức giả” như thế này? Thưa lãnh đạo trường và cô Nguyễn Thị Mai Anh.

FB Sam Le trong phản hồi sự kiện này đã bày tỏ rằng, “nếu trường PDP giờ đây muốn giữ gìn cái “rank” tiếng nổi như cồn về sự tiêu cực thì tôi nghĩ trước hết ban giám hiệu trường hãy yêu cầu các em thôi để ava facebook bằng cái logo trường – cái hình ảnh mà giờ đây cứ lướt facebook mà thấy là lại giật mình như thấy một biểu tượng của sự ngu dốt và độc ác, của sự im lặng trước cái xấu và quay lưng với những điều tốt đẹp.”

Ông Bộ trưởng Giáo dục “lay tâm”

Phùng Xuân Nhạ – tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT năm 2016 bắt đầu kế nhiệm nền giáo dục rách nát. Và ông triển khai tiếp tục bằng chương trình cải cách không hề mới mẻ hơn so với trước. Nhưng Bộ trưởng Giáo dục lại không được chú ý cho đến khi, ông phát ngôn về việc một cơ sở giáo dục địa phương đưa giáo viên đi tiếp bia, ông tráo trắng thành đen khi biến những giáo viên từ nạn nhân thành thủ phạm.

Giờ đây, tên ông được réo vang, khi mà FB Phạm Huyền cho biết, ông dù biết vụ nữ sinh Phan Đình Phùng bị bỏng, nhưng ông coi đó là việc địa phương và không hề có một sự chỉ đạo nào liên quan. Vâng, ông coi thường sự việc, ông coi lương tâm bị vứt bỏ của giáo viên là chuyện địa phương; ông coi hành vi làm chìm xuồng sự việc bằng một văn bản ngắn gọn gửi Sở của lãnh đạo 1 trường là địa phương; ông coi cách mà lãnh đạo Phan Đình Phùng “bịt miệng” Ban Tuyên Giáo – Bộ Thông tin và truyền thông là địa phương; ông coi cả việc yêu cầu im lặng từ giáo viên đối với nạn nhân bị bỏng là địa phương. Và vì địa phương, nên nó là một chuyện nhỏ, ông bỏ mặc hơn 7.000 lượt chia sẻ bên Pdp Consfessions; 12.624 lượt chia sẻ, và hàng trăm ngàn phản hồi lên tiếng về “bệnh vô cảm, hư danh giáo dục, giáo dục rách nát” trên FB Pham Huyen khi thông tin “sự thật về vụ bỏng”.

Tư lệnh ngành giáo dục đã bỏ qua một trường hợp mà đáng ra ông nên coi đây là một ví dụ điển hình để giáo dục nhân cách biết nhận sai của giáo viên; giáo dục dũng cảm thừa nhận sai lầm của lãnh đạo nhà trường Phan Đình Phùng khi sự vụ xảy ra; giáo dục cả sự đứng lên bảo vệ sự thật và không a dua im lặng dù cho bị áp lực nhiều phía. Ở chừng mực nào đó, ông có thể một lần nữa gióng cao và hữu hiệu “5 điều bác hồ dạy” trong thực tế đầy thối nát của Việt Nam.

Tiếc! Ông đã không đoái hoài, bởi vì “nó chưa đủ lay động trái tim ông”, như FB Phạm Huyền cho hay. “Lương tâm nhà giáo” xuống cấp không nặng hơn đề án “cải cách giáo dục” mà ông đang ngày đêm săm soi. Nền giáo dục “đổi mới” của ông như thế nào nếu nó là nền giáo dục “vô nhân cách lẫn lương tâm”?


Một vị Chủ tịch sốt sắng

Sự vụ bỏng lần này, ngoài nổi lên lòng khoan dung và sự dũng cảm của nữ sinh Diệp Anh. Thì còn có đó một chút lương tâm của một công bộc.

Theo chia sẻ của FB Nguyễn Huyền, ngay sau khi nhận được thông tin sự vụ, ông chủ tịch Tp Hà Nội Nguyễn Đức Chung, sau khi nhận được thông tin chia sẻ từ FB Phạm Huyền, đã gọi điện cho Giám đốc và Phó Giám đốc Sở giáo dục Hà Nội. Và theo đó, “vụ việc đã được xử lý rốt ráo hơn.”

Dù biết rằng, vì dì Diệp Anh (FB Phạm Huyền) là một nhà báo Vietnamnet, và gia đình cô bé cũng có người làm chức cao nên đánh động được quan. Nhưng cuộc gọi của ông Nguyễn Đức Chung đã cứu vớt phần nào suy thoái trầm trọng nhân cách của lớp giáo viên, lãnh đạo Phan Đình Phùng; căn bệnh vô cảm của ông Bộ trưởng Bộ giáo dục Phùng Xuân Nhạ; sự lãnh cảm và hư danh của nhóm học sinh và cựu học sinh đả kích nữ sinh để bảo vệ danh tiếng cho trường. Nó là điểm sáng, là sự sốt sắng mà người dân cần và mong ở một công bộc đối với một sự vụ nổi trội như thế trong xã hội, thay vì nhắm mắt đưa chân mà phán một câu lạnh lùng: chuyện địa phương.

Như vậy, có thể coi sự việc nữ sinh Phan Đình Phùng bị bỏng là một liveshow hoàn chỉnh nhất cái thối nát và cặn bã trong giáo dục và xã hội Việt Nam. Một nền giáo dục “vô lương tâm” từ Bộ đến cấp trường.

Khi Diệp Anh tôn vinh lên cao; thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và những đồng nghiệp của ông đang lốp ngốp dưới đáy bùn. 
Danh tiếng trường Phan Đình Phùng (Hà Nội) chìm bởi sự hư danh, và nổi lên bởi sự dung thứ từ cô nữ sinh Diệp Anh.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)