Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ông đốc-tờ Thanh bị ‘chê’ là ‘không hợp tác’

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Cơ quan tố tụng cáo buộc bị can Trần Quí Thanh phạm tội với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, ngoan cố, chưa thành khẩn khai báo.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ban hành kết luận đề nghị truy tố ông Trần Quí Thanh – chủ tịch Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát. Theo đó, ông Trần Quí Thanh bị C01 đề nghị truy tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Hai con gái ông Trần Quý Thanh là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích cũng bị đề nghị truy tố cùng tội danh.

Theo kết luận, tại cơ quan điều tra, mặc dù đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội song bị can Trần Quí Thanh vẫn ngoan cố, chưa thành khẩn khai báo, không nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật của bản thân. Dù bị can phạm tội lần đầu, là chủ doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội, tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động song đã lợi dụng những quy định về cho vay, hợp đồng chuyển nhượng trong Bộ luật dân sự để thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

“Qua đó, bị can Thanh cùng các đồng phạm chiếm đoạt tài sản có giá trị đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội. Cần phải xử lý bằng một bản án nghiêm khắc trước pháp luật để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung” – kết luận nêu.

Nếu thật sự “nhân quyền trong tố tụng” được tôn trọng thì rõ ràng với câu từ như trích dẫn trên cho thấy ở vụ án này phía C01 đã vi phạm nghiêm trọng.

“Chưa thành khẩn khai báo”, tức có thể hiểu ông Trần Quí Thanh đã chọn “quyền im lặng”. Một số quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự thể hiện nội dung của quyền im lặng mà ông Trần Quí Thanh đang ‘vận dụng’:

(1) Nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

(2) Về trách nhiệm chứng minh, xác định sự thật của vụ án được quy định tại Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Điều 16 của Bộ luật này quy định: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ Luật sư hoặc người khác bào chữa”.

(3) “Quyền im lặng” đối với người bị tạm giữ được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 59 Bộ luật tố tụng hình sự về quyền và nghĩa vụ của người tạm giữ: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

(4) “Quyền im lặng” đối với bị can được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 60 Bộ luật tố tụng hình sự: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

(5) “Quyền im lặng” đối với bị cáo được quy định tại điểm h khoản 2 Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

Như vậy, có thể thấy, quyền im lặng được thể hiện ở tất cả các giai đoạn từ điều tra, truy tố, xét xử.

Việc thực hiện quyền im lặng của người bị buộc tội trong giai đoạn truy tố là rất quan trọng. Vì trong giai đoạn truy tố, chủ thể tiến hành tố tụng là Viện kiểm sát, là cơ quan duy nhất có thẩm quyền đánh giá kết quả hoạt động của cơ quan điều tra, có thẩm quyền để quyết định việc truy tố bị can bằng cáo trạng hay không.

Với vai trò, chức năng nhiệm vụ là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Tuy nhiên trên thực tế thì cơ chế bảo đảm thực hiện quyền im lặng trong tố tụng hình sự, đến nay vẫn chỉ dừng ở cách hiểu mỹ từ son phấn nền tư pháp, mà vụ án ông Trần Quí Thanh kể trên là đơn cử.


Tin bài liên quan:

VNTB – Quyền tự do công đoàn tách biệt với quyền chính trị?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đại án: Vì sao & Như thế nào? – Một góc nhìn về pháp luật và phát triển

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Thiên hạ luận: Đi bầu ‘người tiêu biểu’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.