VNTB – Ông sư vấp ‘vạ miệng’ trong mùa an cư kiết hạ

VNTB – Ông sư vấp ‘vạ miệng’ trong mùa an cư kiết hạ

Cát Tường (ghi)

(VNTB) – “Kẻ ác, cái ác” phải do một bản án tuyên, có hiệu lực pháp luật.

Tài khoản có dấu tích xanh chính chủ “Thích Nhật Từ” có một bài viết được nhìn nhận là công khai đả kích giới luật sư, và cũng gián tiếp cho rằng pháp luật Việt Nam là nền công lý phán quyết theo độ dầy của tiền bạc. ‘Status’ này của ‘tích xanh chính chủ’, hiện đã ‘rút’ và thay bằng ‘status’ đầy u uất: “Cái gì khổ đau về cảm xúc dẫn đến bế tắc khác thì ta nên từ bỏ nó, đừng giữ lại. TT. Thích Nhật Từ”.

Oái oăm ở đây là cả hai ‘status’ đều được viết trong thời gian mà nhà sư Thích Nhật Từ đang “an cư kiết hạ”.

Không ít luật sư lên tiếng và ngờ rằng đây là ‘chiêu trò dọn đường’ cho phiên tòa sẽ mở lại sắp tới đây của vụ “tịnh thất Bồng Lai”.

Cựu thẩm phán, cựu luật sư Phạm Công Út, lên tiếng: “Tu hành thì lo gõ mõ, tụng kinh, sám hối những lỗi lầm mà mình đã gieo, không nên lấn sân quan tòa để phán xử người thiện, kẻ ác. Kẻo không người đời sẽ réo tên ông là một… ác tăng đó.

Biết đâu có ngày ông sẽ thành một… sư oan mà không một vị luật sư nào chịu đứng ra minh oan cho ông trước chốn pháp đình.

“Luật sư là anh, nhà sư là em, em dám nói xấu anh là thằng em hỗn”. (Mượn lời của sư hổ mang)”.

Luật sư Trần Bá Học: “Là luật sư đã bào chữa rất nhiều người vướng lao lý, có người bị oan sai, người có tội, người bị cả xã hội lên án … Nhưng, tuyệt nhiên phải tôn trọng sự thật khách quan của vụ án. Ông “sư” này không hiểu nên đã lẫn lộn, đánh đồng LS bào chữa cho kẻ ác là cũng ác theo, một suy nghĩ thiển cận, tăm tối thật sự đối với người tu hành.

Ông nên nhớ, luật sư cũng không thể đứng trên pháp luật, họ thực hiện chức phận để cứu rỗi “phần thiện” cho mỗi thân chủ mà mình bảo vệ, và đó như là phần tất yếu của đạo lý làm người!”.

Cựu luật sư Lê Công Định: “Bàn về nghề Sư dưới góc nhìn của nghiệp: một lời góp ý với Sư Từ

Làm nghề Sư thật chất là tham gia vào gameshow thiện ác, với cán cân của lương tâm và đồng tiền. Theo tôi, Sư tốt sẽ không bảo vệ kẻ ác và cái ác, không dùng những thủ thuật đạo lý để tung hỏa mù, qua mặt đám đông không hiểu Phật pháp; không vì được trả “nhiều tiền” hay xin “tiền cúng” mà bán đứng lương tâm. 

Tương lai của Sư quốc doanh như thế sẽ bị chìm sâu trong vũng bùn tội nghiệp với tốc độ tỷ lệ thuận với thái độ ngông cuồng, thách thức và cao ngạo khi đang nỗ lực giúp cái ác bám rễ sâu, làm băng hoại đạo đức xã hội”.

Luật sư Nguyễn Duy Bình: Sư không còn là Sư nên cách nhìn nhận đã lệch lạc!!! Không bảo vệ cái ác, không tung hỏa mù, đừng cho rằng chỉ vì tiền; người luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ là để tìm hiểu sự thật khách quan, để nhận định bản chất, mức độ của hành vi, để bảo vệ quyền con người dù họ là bị can, bị cáo… và cuối cùng là hướng đến công lý.

Ông chưa hiểu chức năng, chưa hiểu tâm ý của họ thì không nên chụp mũ, phán bừa, đặc biệt nghe nói ông là một Sư Thầy”.

Cựu nhà báo, luật sư Phạm Văn Thọ, ‘làm’ luôn một ‘lèo’ với mở đầu là một câu hỏi đa chiều ẩn ý: “Luật sư “bảo vệ cái ác” bằng cách nào?”.

Lời Phật dạy: “Im lặng là một câu trả lời hay nhất cho sự phỉ báng”. Nhưng, Phật cũng dạy: “Hãy nói những lời chân thật, hòa thuận để mọi người tránh hiểu lầm và thù hận nhau. Hãy nói những lời tha thứ, xây dựng tình thương để cuộc đời vơi bớt đau thương và mọi người sống vui bên nhau. Và hãy nói những lời trong sáng để tình người đẹp mãi về sau…”.

Tôi đã thực hiện cả hai ý Phật dạy nêu trên, tùy thuộc vào từng tình huống và sự kiện. Thế nhưng, ông Thích Nhật Từ (xin gọi tắt là “Ông Thích”), thì không.

Tôi đã “im lặng” suốt mấy ngày qua, kể từ khi đọc được quan điểm của của Ông Thích nói về nghề luật sư trên trang cá nhân của mình (hiện bài đã ẩn, hoặc gỡ). Xin trích nguyên văn (cả chính tả):

Làm nghề luật sư thật chất là tham gia vào gameshow thiện ác, với cán cân của lương tâm và đồng tiền.

Theo tôi, luật sư tốt sẽ không bảo vệ kẻ ác và cái ác, không dùng những thủ thuật pháp lý để tung hỏa mù, qua mặt đám đông không hiểu luật; không vì được trả “nhiều tiền” hay xin “tiền cà phê” mà bán đứng lương tâm; không vì chút hư danh mà bất chấp lời khuyên chân thành của đồng nghiệp, bạn bè và người thân có hiểu biết.

Nên nhớ, luật sư cũng chỉ là một công dân nên không thể được quyền miễn trừ trước luật pháp và do đó luật sư không thể ngồi xổm trên luật pháp.

Tương lai của luật sư không tốt sẽ như thế sẽ bị chìm sâu trong vũng bùn tội nghiệp với tốc độ tỷ lệ thuận với thái độ ngông cuồng, thách thức và cao ngạo khi đang nỗ lực giúp cái ác bám rễ sâu, làm băng hoại đạo đức xã hội”.

Nhà văn M. Gooc-ki nói: “Văn học là nhân học”. Chính đoạn văn trên đã “ký họa” khá rõ nét con người và trình độ của Ông Thích. Về tôn giáo, ông đã được đứng vào hàng ngũ có cái gọi là “Chức sắc tôn giáo”, mà ông lại nói ngược lời Phật dạy được sao?

Trong kinh Phật dạy: “Nói một lời đúng chính pháp giúp cho người nghe cảm thấy an ổn, nhẹ nhàng, hơn là nói tràng giang đại hải mà không có lợi ích gì cho ai. Người biết nói lời chân chính luôn luôn thận trọng, dè dặt khẩu nghiệp, không bao giờ nói sai sự thật, không xuyên tạc, không thiên vị, không nói lời dụ dỗ, không nói lời hằn học, mắng chửi, không nói lời vu oan giá họa…”.

Ở đời, người thực sự giỏi kiến thức, thông minh, sống có đức độ, khiêm nhường, bao dung mới là người có trí tuệ. Vì thế mới có câu: “Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu”.

Người xưa có câu: “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”. Đại ý lời dạy của người, là không nên nói bậy nói bạ những điều gì mình không hiểu rõ. Vậy Ông Thích đã hiểu gì về nghề luật sư?

Nghề luật sư có nét đặc thù riêng, không giống như những ngành nghề khác. Trước hết, ngoài việc gương mẫu tuân thủ luật pháp, luật sư còn phải tuân thủ các Quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Trên hết, ngoài việc hành nghề để kiếm sống như bao nghề khác, thì “Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” (Điều 3 Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012).

Còn nữa, một điều rất thiết thực, là luật sư muốn sống được bằng nghề, ngoài kiến thức pháp luật và trình độ chuyên môn, thì còn phải tự xây dựng uy tín cá nhân. Không có yếu tố này, luật sư khó tồn tại.

Ông Thích nói: “Làm nghề luật sư thật chất là tham gia vào gameshow thiện ác, với cán cân của lương tâm và đồng tiền” là nói xàm, nói tầm bậy. Ông Thích không chỉ nói xàm, nói tầm bậy mà còn thể hiện sự quá thiếu hiểu biết về nghề luật sư.

Ngay tiêu đề của Điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã xác định rất rõ tư cách của luật sư là “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Tức là luật sư chỉ được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của được sự, chứ không thể bảo vệ những quyền là lợi ích bất hợp pháp cho bất cứ ai.

Khi đứng tranh tụng trước tòa, bất kể luật sư nào cũng đều phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để đưa ra lý lẽ và lập luận thuyết phục Hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát, cơ quan có chức năng kiểm sát xét xử và tuân thủ pháp luật tại phiên tòa.

Vậy thì luật sư “bảo vệ các ác” bằng cách nào, thưa Ông Thích?”.

Một nhà báo và là cựu hội viên Hội Luật gia Việt Nam, nói rằng có lẽ ông sư này vì là chức sắc nên ông tự cho mình cái quyền xao lãng trong ba tháng an cư kiết hạ, trong khi đây là thời gian để chư tăng, ni thúc liễm tu hành, trau dồi tam vô lậu học Giới – Định – Tuệ, tinh tấn tu đạo nghiệp.

Trong ba tháng hạ chư tăng, ni ở tại tu viện nơi mình đang ở hoặc tập trung tại một tu viện khác để an cư, đây là cơ hội trao đổi kinh nghiệm tu tập, học hỏi giáo lý thâm sâu của Phật, trau dồi giới đức, cố gắng tu thật tinh tấn, luôn luôn tỉnh giác, nhờ công đức đó mà trí tuệ tăng trưởng. nhằm thành tựu đạo quả giải thoát, làm nơi nương tựa cho đời, nâng cao năng lực hoằng hóa, rộng mở con đường lợi sinh.

Đầy đủ giác ngộ, từ bi và giải thoát mới xứng đáng là đệ tử chân chính của Phật.

Được biết ông sư được nhắc đến trong bài viết này hiện “an cư kiết hạ” tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM, cơ sở II, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)