Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Tại Đại hội Đảng 13, có dự đoán ông Trần Quốc Vượng là ứng viên hàng đầu thành Tổng Bí thư.
Ông Trần Quốc Vượng, sinh năm 1953, ủy viên Bộ Chính trị khóa 12, đã là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và hiện là Thường trực Ban Bí thư. Từng có thời gian giữ chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, nên ông Trần Quốc Vượng được đánh giá là am tường luật pháp, và kiến thức này không là ‘hàn lâm’, mà từng trải nghiệm ở thời gian dài ông làm việc trong ngành tố tụng.
Chính điều đó nên ông Trần Quốc Vượng đã đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chống tham nhũng, dù đó là các cuộc điều tra chính đáng hay có động cơ chính trị để làm im lặng các đối thủ của ông Nguyễn Phú Trọng.
Ông Vượng làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao từ 2007 tới 2011, cũng thời gian này ông kiêm nhiệm thêm vị trí Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, sau đó ông giữ Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Tháng 5/2013 ông được bầu bổ sung vào Ban Bí thư. Năm 2016, ông được bầu vào Bộ Chính trị…
Ở ông Vượng, ông Trọng nhìn ra đấy là đồng minh. Vậy nếu ông ấy được bầu, sẽ có nghĩa gì cho Việt Nam? Câu trả lời ngắn gọn là sự tiếp nối trong chính sách!.
Tuy nhiên trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam thì về mặt truyền thông, khá bất ngờ là gần như chỉ đề cập đến vai trò chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ, thay vì thường xuyên dùng cụm từ quen thuộc “Đảng và Nhà nước”. Trên báo chí, gần như ông Trần Quốc Vượng đã không có phát biểu hay đưa ra sáng kiến gì rõ rệt trong cuộc chiến chống Covid-19 thời gian qua.
Ông Trần Quốc Vượng khá kiệm lời trong các phát biểu trước đám đông. Ông được ghi nhận là tiết chế cảm xúc tốt, ít có những ‘so sánh’ khoa ngôn kiểu “muôn nơi như một”, qua việc ưa nhấn mạnh cụm từ “vai trò đầu tàu” của thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội cùng nhiều địa phương khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ, thậm chí là Long An…
Trong lãnh vực kinh tế, quan điểm của ông Trần Quốc Vượng về các dự án BOT, được báo chí ghi nhận như sau: Sáng ngày 24 tháng 10 năm 2017, trong chương trình thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước ba năm quốc gia 2018 đến 2020 – ông Trần Quốc Vượng có đề cập đến các dự án BOT. Ông cho rằng đây là chủ trương đúng, và cho rằng cần phải làm các dự án BOT thực sự bằng nguồn vốn của doanh nghiệp và phải minh bạch.
Trong chuyện chính trị, ông Trần Quốc Vượng có quan điểm liên quan đến Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015 (tu chỉnh 2017): “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi” – trích phát biểu tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Hiện tại thì ông Trần Quốc Vượng dường như vẫn đang bị ‘ngáng chân’ trên bước đường danh vọng, qua chuyện lùm xùm xảy ra ở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Đại học Tôn Đức Thắng, khi Trần Quốc Bình, Chánh Văn phòng Đảng đoàn kiêm Phó Trưởng Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đang được ‘cơ cấu’ một chức danh tương xứng ở Đại học Tôn Đức Thắng – bởi thân phụ của ông Trần Quốc Bình là ông Trần Quốc Vượng (!?).