Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phải tôn trọng ý dân trong sáp nhập tỉnh

Hoàng Lan Mộc Châu

 

(VNTB) – Trong chế độ độc tài chuyên chế Việt Nam, nơi ý chí của lãnh đạo cao nhất quyết định tất cả, việc sáp nhập các đơn vị hành chính như tỉnh hay thành phố thường không cần (hoặc ít cần) ý kiến đóng góp, sự đồng thuận, hay thậm chí là cân nhắc đến nguyện vọng của người dân địa phương.

 

Đã có nhiều vấn đề tiêu cực lớn phát sinh trong việc đảng CSVN sáp nhập các tỉnh trong cả nước, nhưng vấn đề lớn nhất sẽ gây ra các hệ quả nặng nề mà không thể giải quyết được, đó là việc người dân đã không được có ý kiến từ lúc đầu về việc nên sáp nhập tỉnh của mình vào 1 hay 2 tỉnh nào khác không.

Ý kiến của người dân trong quá trình sáp nhập tỉnh không chỉ là một yếu tố kỹ thuật, mà là nền tảng của sự đồng thuận xã hội và tính chính danh của chính sách.

 

Ý của người dân Việt Nam không được tôn trọng

Theo quy định tại khoản 3, Điều 10 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh phải được lấy ý kiến nhân dân ở những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người dân phản ánh rằng họ không được hỏi ý kiến một cách thực chất, hoặc chỉ được phát phiếu lấy ý kiến trong thời gian rất ngắn, cũng như thiếu thông tin đầy đủ để đưa ra lựa chọn có trách nhiệm. Chứng tỏ đảng CSVN và chính quyền không tôn trọng ý kiến người dân, nếu không muốn nói toạc ra họ xem thường ý dân. (2)

Chuyện nhập-tách tỉnh ở VN không được chính quyền xem là quan trọng đối với dân chúng – người liên quan trực tiếp. Đảng Cộng sản và Chính quyền VN tách nhập tỉnh dễ dàng như chuyện cổ tích “Cây tre trăm đốt”. Tốc độ nhập – tách tỉnh nhanh, quay vòng nhiều lần như đèn cù trong Tết Trung thu đã gây ra những tác động tiêu cực, mà chủ yếu liên quan cảm xúc của người dân và văn hóa, cụ thể:

– Mất đi bản sắc địa phương: Khái niệm “quê hương” gắn liền sâu sắc với ký ức cá nhân, bản sắc địa phương và những đặc trưng văn hóa độc đáo. Việc sáp nhập các tỉnh đã dẫn đến sự mất mát bản sắc này, khiến người dân cảm thấy quê hương mình bị xóa bỏ hoặc pha loãng. Một số ý kiến lo ngại rằng các địa phương nhỏ có thể mất đi tiếng nói riêng hoặc bị hòa tan vào các đơn vị lớn hơn, bị triệt tiêu dần yếu tố vùng miền và bản sắc địa phương.

– Gây ra sự đau khổ về mặt cảm xúc: Người dân phải trải qua sự đau khổ về mặt cảm xúc khi nhận thấy mối liên hệ sâu sắc của họ với quê hương bị phá vỡ bởi các quyết định hành chính. (2)

Không những thất thoát ngân sách rất to lớn về chi phí hành chính mà còn các cấp cao trong bộ chính trị, trung ương đảng đều biết nhưng họ phớt lờ chỉ vì những lợi ích chính trị thầm kín của đảng và phe phái mà chỉ có họ biết với nhau. Ngoài ra, không loại trừ các mục đích khác dễ thấy của đảng như:

– Tăng cường kiểm soát hành chính và tập trung quyền lực: Khi số lượng tỉnh/thành giảm, các trung tâm hành chính lớn hơn có thể dễ quản lý hơn từ trung ương.

– Chi phối chính trị – nhân sự: việc sáp nhập tạo ra cơ hội điều chỉnh cơ cấu lãnh đạo, có thể dẫn đến sự thay đổi hoặc tái cơ cấu bộ máy cán bộ hiện tại.

Những điều trên không hề mới trong lịch sử chính trị mà lại càng đúng tại VN trong thời gian đảng cộng sản cai trị luôn muốn thâu tóm quyền lực trong tay một nhóm nhỏ nhưng quyền lực vô song lại là bộ chính trị. Sự phân tán quyền lực ở cấp địa phương dẫn đến những “tiểu vương quốc” với quyền lực gần như độc lập, khó kiểm soát từ trung ương. Các anh chị chóp bu của đảng dễ dàng tìm ra chư hầu của mình hơn.

Trong bối cảnh việc sáp nhập các tỉnh có thể phản ánh một nỗ lực để giảm thiểu nguy cơ “sứ quân cát cứ” này. Khi mỗi địa phương có bộ máy riêng, ngân sách riêng, mối quan hệ chằng chịt với doanh nghiệp địa phương, lâu dần hình thành nên các “nhóm lợi ích” cục bộ. Một số nhà quan sát cho rằng, nếu không tái cấu trúc hệ thống hành chính, tình trạng “lãnh chúa hiện đại” có thể xuất hiện – nghĩa là các vị lãnh đạo địa phương nắm quá nhiều quyền lực, ít chịu sự giám sát từ trung ương.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến một làn sóng diệt-chủng vì phe-phái dưới-tên-tội-tham-nhũng nhiều cán bộ cấp cao ở địa phương, đặc biệt là các lãnh chúa bí thư, phó bí thư, chủ tịch tỉnh. Tính chừng riêng năm 2023, đã có 763 vụ án “tham nhũng” với 2.079 bị can, trong đó có nhiều người là cựu bí thư, chủ tịch tỉnh. Một số vụ án lớn liên quan đến các lãnh đạo tỉnh như ở Bắc Ninh, nơi cả cựu Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND tỉnh đều bị truy tố.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, ít nhất 29 bí thư tỉnh ủy đã mất chức do sáp nhập tỉnh hoặc bị kỷ luật.

Nên chú ý việc các quan chức đảng và chính quyền trong một tỉnh bị hốt trọn gói.

Tại Vĩnh Phúc: bà Hoàng Thị Thúy Lan – Bí thư Tỉnh ủy; ông Lê Duy Thành – Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phạm Hoàng Anh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Chu Quốc Hải – Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Văn Khước – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất Vĩnh Phúc.

Các ông Phạm Văn Vọng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc); Phùng Quang Hùng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc); Hà Hòa Bình (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc); Ngô Đức Vượng và Nguyễn Doãn Khánh (đều là cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ); đều bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Nhiều quan chức có thể biết trước số phận nên phải dùng kế “tẩu vi thượng sách” hạ cánh an toàn, điển hình như ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, xin nghỉ hưu sớm 6 tuổi trước khi thành phố sáp nhập với tỉnh Quảng Nam thành Đà Nẵng mới. Không phải chỉ một ông này, trước tình trạng lo lắng bị triệt tiêu, bị mất ghế, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phải kêu lên rằng: “nhân dân cơ bản đồng tình, ủng hộ rất cao việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, nên nếu một bộ phận cán bộ “tâm tư” thì không thể giải thích với dân”. (2)

 

Vai trò của ý dân trong các chế độ khác nhau

Trong chế độ độc tài chuyên chế Việt Nam, nơi ý chí của lãnh đạo cao nhất quyết định tất cả, việc sáp nhập các đơn vị hành chính như tỉnh hay thành phố thường không cần (hoặc ít cần) ý kiến đóng góp, sự đồng thuận, hay thậm chí là cân nhắc đến nguyện vọng của người dân địa phương. Quyết định thường được đưa ra từ cấp trên, dựa trên các mục tiêu chiến lược của nhà nước (ví dụ: tối ưu hóa quản lý, phát triển kinh tế theo quy hoạch, thay đổi cơ cấu dân cư, v.v.) mà không thông qua quá trình tham vấn công khai hay trưng cầu ý dân. Cũng không thiếu việc gạt gẫm người dân trong cái gọi là hỏi ý, trưng cầu ý dân.

Điều này trái ngược hoàn toàn với các chế độ dân chủ, nơi mà quyền tự chủ của cộng đồng địa phương (như các thị trấn hay thành phố tự quản) và ý chí của cử tri đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong mọi quyết định thay đổi địa giới hành chính. Lấy ví dụ trường hợp của các thành phố như Monowi, Norfolk hay Wrentham ở Mỹ, các thành phố chỉ có từ 1 người dân, vài chục, hay vài trăm dân, việc sáp nhập là gần như không thể nếu không có sự đồng thuận hoặc mong muốn rõ ràng từ chính những người dân này.

Sự khác biệt căn bản này nằm ở triết lý quản trị: một bên, đề cao quyền lực tập trung và sự điều hành từ trên xuống, như trong chế độ độc tài cộng sản không màng đến người dân. Và một bên là trong các xã hội dân chủ, tôn trọng nhân quyền, tôn trọng quyền tự quyết của người dân và sự tham gia của họ vào các vấn đề công cộng.

 

_____________________

Tham khảo:

(1) https://soha.vn/chinh-phu-dinh-huong-quy-trinh-lay-y-kien-nhan-dan-ve-viec-sap-nhap-tinh-xa-198250420083516422.htm

(2) https://vietnamthoibao.org/vntb-mau-thuan-trong-63-hay-34-tinh-deu-la-que-huong/

(3) https://vnexpress.net/tong-bi-thu-nhan-dan-ung-ho-tinh-gon-bo-may-sao-can-bo-lai-tam-tu-4905234.html

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam chờ Nhật cứu Vịnh Hạ Long trước nguy cơ bị loại khỏi danh sách di sản thiên nhiên

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Quan chức giả ngu, luật sư giả dại trước toà

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Thêm một nghị định vi Hiến, bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo