Hiền Vương
(VNTB) – Nghi phạm Cao Trọng Phú trong lúc bị dẫn giải từ nhà riêng ra xe của lực lượng chức năng nhưng không bị còng tay, và vẫn được phì phà điếu xì gà.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, bình phẩm: Vấn đề không phải là nguy hiểm nhiều hay ít, hoặc giả là tất cả đều nằm trong khả năng khống chế của lực lượng thi hành công vụ – mà vấn đề là ở chỗ một đằng người ta muốn thị uy, theo một ý thức và quyết tâm chính trị đã được chỉ đạo từ trước, và một đằng đang dùng nhu khắc chế cương, đối đãi kiểu có chút mã thượng sau khi thuyết phục đối tượng ra nộp mình, thể hiện bản lãnh của các vị lãnh đạo công an, phần nào mang tính tự phát, thế thôi!
Một so sánh liên tưởng, việc áp giải bị cáo đang bị tạm giam đến phiên tòa được quy định tại Điều 8 của Quyết định số 810/2006/QĐ-BCA-C11 của Bộ Công an, cụ thể: “Khóa tay bị cáo trước khi áp giải; xích chân bị cáo đối với trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, côn đồ hung hãn, tái phạm nguy hiểm. Việc khóa tay hoặc xích chân bị cáo phải ghi rõ trong kế hoạch. Mở khóa tay, mở xích chân bị cáo tại nơi xét xử khi có yêu cầu của chủ tọa phiên tòa”.
Yêu cầu trên xuất phát từ thực tế đã xảy ra các trường hợp bị cáo manh động, liều lĩnh tự vẫn, bỏ chạy, rượt đánh hội đồng xét xử, luật sư, những người tham dự phiên tòa, gây náo loạn phiên tòa…, nên đối với những trường hợp này buộc phải có những biện pháp ngăn chặn để hạn chế hậu quả xảy ra trong những tình huống bất ngờ.
Trở lại với nghi phạm Cao Trọng Phú, người đã dùng súng quân dụng bắn chết hai người, sau đó cố thủ tại nhà riêng ở thôn 7, xã Nghi Kim, thành phố Vinh xảy ra sáng 30/4/2021.
Nhà chức trách giải thích như sau: “Trong tình huống trên, nghi phạm sau khi phạm tội đã được lực lượng chức năng, chính quyền địa phương động viên và gia đình người thân vận động, làm tư tưởng nên đã bình tĩnh trở lại và tự ý thức được, chấp hành việc vận động đó”. Theo lãnh đạo này, khoảng cách từ nhà nghi phạm ra xe rất gần. Trong khi đó, đi cạnh nghi phạm là vòng vây lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cùng người thân. Nghĩa là tình huống hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của cảnh sát.
Khoảng 8g ngày 30/4, ba người gồm Ngô Quang Hưng (41 tuổi), Đặng Ngọc Anh (64 tuổi, cùng quê thành phố Vinh) cùng một người đàn ông khác đi ôtô Jeep tìm đến nhà Cao Trọng Phú ở thôn 7, xã Nghi Kim, thành phố Vinh để ‘nói chuyện’. Do mâu thuẫn trong quá trình làm ăn nên nhóm người này gọi ông Phú ra ngoài. Lúc này, Phú dùng súng bắn nhiều phát đạn khiến Hưng và Anh tử vong tại chỗ, người còn lại chạy thoát.
Đến hơn 14g cùng ngày, ông Phú chấp nhận lời kêu gọi để ra đầu thú và giao nộp khẩu súng. Công an Nghệ An thu giữ khẩu súng còn 1 viên đạn cùng một số vỏ đạn tại hiện trường. Nghi phạm ban đầu khai khẩu súng gây án được mua trong thời gian còn làm ăn ở Campuchia nhằm phòng thân.
Người dân quan sát vụ việc qua tường thuật của báo chí, đã đưa ra chung nhận định như sau: Đối tượng bị bao vây hơn 6 tiếng, bắn gần hết đạn, không phải là đầu thú mà là đầu hàng!… Một kẻ bóp cò giết 2 mạng người, ai dám nói nó không làm liều lần nữa?
Giới luật sư liên tưởng đến vụ án Ngô Thanh Kiều, tỉnh Phú Yên.
Hồ sơ vụ án cho biết, nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị còng tay và dẫn ra khỏi nhà lúc 3 giờ sáng ngày 13-5-2012. Giải thích chuyện ‘còng tay’, ông Lê Đức Hoàn, nguyên phó trưởng Công an thành phố Tuy Hòa, Phú Yên, nói rằng vào chiều 12-5-2012, ông có chỉ đạo mời Kiều lên làm việc, “nhưng anh em cấp dưới làm không đúng, lại đi còng tay. Việc còng tay này là nhằm đề phòng đối tượng bỏ trốn hoặc tự sát”.
Nạn nhân Ngô Thanh Kiều sau đó đã bị một số công an của thành phố Tuy Hòa đánh đập dã man và tử vong.
Và giờ là hình ảnh Cao Trọng Phú không bị còng tay, vẫn thanh thản cầm điếu xì gà hút dở và đi sóng đôi với giám đốc công an Nghệ An như những người bạn.
Vậy mà người ta cứ mãi lên án là Việt Nam không có nhân quyền.