Nguyễn Cảnh Hợp
(VNTB) – Sẽ hợp lý hơn nếu quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9 sáp nhập lại thành quận Thủ Đức (mới) chứ không phải là tạo ra một thành phố Thủ Đức với vị trí của một đơn vị hành chính cấp huyện từ ba quận nội đô.
Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) có diện tích 2.095,239 km² , dân số 8.993.082 người, khu vực thành thị là 7.127.364 người (chiếm 79,25%). Tuy nhiên, khu vực đô thị của TP.HCM cũng có diện tích nhỏ hơn so với 5 huyện ngoại thành.
Đặc điểm lớn nhất của các thành phố trực thuộc trung ương ở Việt Nam là diện tích khu vực nông thôn rất lớn, lớn hơn khu vực đô thị nội thành.
Nếu là thành phố trực thuộc trung ương đúng nghĩa thì phải là Paris, Berlin, St. Peterburg, Seoul,… nghĩa là một đô thị trọn vẹn không có khu vực nông thôn. Chính vì thế, việc đô thị hóa các khu vực ngoại thành để trở thành các quận nội thành mới như quận 12, quận Bình Tân, quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 hoặc Phố Đông ở Thượng Hải, Gang Nam ở Seoul, Newmoscow ở Matxcova…. là cách làm truyền thống của tất cả các nước. Nhưng nếu chuyển một trong các quận nội đô trở thành thành phố thì có lẽ chưa nơi nào trên thế giới từng làm.
Lấy trường hợp thành phố Thủ Đức: Nếu xác định Thủ Đức là một khu đô thị có mục tiêu phát triển riêng trở thành trung tâm tài chính, ngân hàng, xuất nhập khẩu, thương mại, giải trí, văn hóa, công nghệ thì cần có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư riêng, có chính sách ưu đãi về thuế cũng như chính sách ưu đãi về đất đai,…, được chính quyền trung ương quy định vị trí pháp lý riêng như Phố Đông của Thượng Hải, Gang Nam của Seoul… thi việc nhập quận 2, quận 9, quận Thủ Đức thành quận Thủ Đức sẽ hợp lý hơn là thành lập thành phố Thủ Đức.
Bởi lẽ, đây là 3 quận nội đô, có cơ sở hạ tầng thống nhất với toàn bộ khu nội đô thành phố.
Vấn đề đặt ra ở đây là khu đô thị này sẽ có mục tiêu, chiến lược phát triển như thế nào? chính quyền trung ương và TP.HCM đóng vai trò gì trong việc thúc đẩy khu đô thị này phát triển chứ không quan trọng là thành phố Thủ Đức hay quận Thủ Đức.
Nếu là thành phố Thủ Đức với vị trí của một đơn vị cấp huyện, thẩm quyền giới hạn theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, không có cơ chế đặc thù thì cũng không có khả năng phát triển.
Hiện nay, nếu cho rằng, Thủ Đức có nhiều thế mạnh riêng nổi bật thì không hẳn đã đúng, hơn nữa sự phát triển hiện nay của Thủ Đức có được tiếp nối hay không thì không những phụ thuộc vào nỗ lực của thành phố Thủ Đức mà còn là sự góp sức của TP.HCM, chính quyền trung ương và của các doanh nghiệp. Thành phố Thủ Đức hiện nay có một số điểm nổi bật sau đây:
Một. Khu công nghệ cao quận 9, đây được coi là điểm nhấn quan trọng nhất của thành phố Thủ Đức tương lai. Trước đây việc phê duyệt khu công nghệ cao này đã là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, khu công nghệ cao là một dự án mang tầm quốc gia. Nay để khu công nghệ cao phát triển hơn thì cần các quyết sách của trung ương và TP.HCM nhiều hơn là thành phố Thủ Đức.
Hai. Đại học Quốc gia TP.HCM. Đây không phải là vấn đề của TP.HCM, vì Đại học Quốc gia trực thuộc Chính phủ, một số trường đại học khác cũng trực thuộc bộ, ngành trung ương. Sự phát triển của Đại học Quốc gia không phụ thuộc nhiều vào TP.HCM, càng không phụ thuộc vào thành phố Thủ Đức.
Ba. Tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên. Metro là hệ thống giao thông công cộng của TP.HCM, chủ yếu do trung ương đầu tư từ nguồn vốn ODA và một phần từ TP.HCM, do TP.HCM thống nhất quản lý, chạy qua nhiều quận, tương lai còn có các tuyến khác và tạo nên một hệ thống Metro thống nhất.
Như vậy, có thể nói, thành phố Thủ Đức hay các quận khác không có vai trò gì đối với việc phát triển hệ thống Metro.
Bốn. Các khu dân cư mới, hiện đại như quận 9 và quận 2 là nơi đang phát triển các dự án bất động sản lớn, hiện đại, tạo nên những khu đô thị văn minh, thu hút số lượng lớn dân cư, bộ mặt của quận 9 và quận 2, nhất là quận 9 thay đổi nhanh chóng, giá đất tăng chóng mặt.
Việc xây dựng các khu đô thị này là theo quy hoạch của TP.HCM được Chính phủ phê duyệt. Các quận Thủ Đức, quận 9, quận 2 chủ yếu là quản lý, theo dõi việc bảo đảm quy hoạch, các quy định trong việc giao đất, đền bù, giải phóng mặt bằng,…
Sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư để xây dựng các khu đô thị này đối với các doanh nghiệp bắt nguồn từ chính sách của TP.HCM và trong quy hoạch tổng thế phát triển thành phố được Chính phủ phê duyệt.
Năm. Cảng Cát Lái. Đây là cảng container thuộc quản lý của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Bộ Quốc phòng. Vậy cảng Cát Lái không phải là “con riêng” của thành phố Thủ Đức.
Sáu. Cuối cùng là các khu chế xuất, các khu công nghiệp.
Vào những năm 1990 do nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng rất hạn chế nên TP.HCM đã buộc phải xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp sát thành phố, mặc dù những năm đó các khu vực này đều là vùng ngoại thành (huyện Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh) nhưng đến nay chúng đã nằm trọn trong nội đô, trong đó có các khu công nghiệp ở quận Thủ Đức và quận 9, nhất là ở quận Thủ Đức với hàng trăm ngàn công nhân.
Vậy vấn đề xây dựng nhà ở, trường học, nơi khám chữa bệnh cho hàng trăm ngàn công nhân này đang là nhiệm vụ nặng nề của TP.HCM. Thành phố Thủ Đức chỉ là đơn vị cấp huyện thì rõ ràng không thể có đủ năng lực để giải quyết những vấn đề này.
Nếu Thủ Đức phát triển theo hướng công nghệ cao, kinh tế tri thức, các sản phẩm giá trị gia tăng cao thì TP.HCM phải có cả một chiến lược phát triển cho khu vực thành phố mới Thủ Đức, chứ không thể là việc riêng của một thành phố cấp huyện như thành phố Thủ Đức.
Nói tóm lại, vấn đề là mục tiêu và chiến lược phát triển, cơ chế tạo nguồn lực cho khu đô thị mới phát triển, chứ không phải là khu đô thị này có tên gọi là thành phố hay là quận.
Nếu cần có một thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (nếu đủ điều kiện hoặc quy hoạch mới) thì đó chính là các đô thị vệ tinh được phát triển từng bước từ thị xã lên thành phố.
Những đô thị đó phải được quy hoạch từ các vùng nông thôn và có một khoảng cách nhất định với khu vực nội đô, hoàn toàn có có cơ sở hạ tầng đô thị riêng. Những đô thị mới đó sẽ phát triển với một chiến lược riêng, trở thành đầu tàu cho một khu vực mới.
Chẳng hạn, có thể là thành phố Cần Giờ hay thành phố Củ Chi thuộc TP.HCM, cách xa nội đô khoảng 40 km, chúng có đặc thù phát triển khác với các quận nội đô. Đó mới là thành phố trực thuộc thành phố – một đô thị mới đúng nghĩa.