VNTB – Pháp luật đang ‘bỏ rơi’ người dân trong vụ Manulife?

VNTB – Pháp luật đang ‘bỏ rơi’ người dân trong vụ Manulife?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Ngày 28-9-2023, nhiều khách hàng đã nhận được thư từ chối yêu cầu hoàn tiền từ phía Manulife Việt Nam.

 

Đơn vị này cho biết, sau khi cẩn trọng xem xét toàn bộ thông tin, chứng từ liên quan, bao gồm những thông tin mà khách hàng đã bổ sung, nhận thấy chưa có bằng chứng về các sai phạm trong quá trình tư vấn và cấp phát hợp đồng bảo hiểm như khách hàng đã phản ánh.

Sau khi nhận được thư từ chối hoàn trả tiền, chiều 5-10, một nhóm khách hàng đã đến văn phòng Manulife (tầng số 20-21, tòa nhà số 215 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM) để tiếp tục gửi đơn khiếu nại và làm rõ lý do từ chối hoàn tiền. Tuy nhiên, chi nhánh này tạm đóng cửa với lý do sửa chữa. Tại đây, nhóm khách hàng được Công an phường 15 (quận Bình Thạnh) và quản lý tòa nhà tiếp nhận làm việc.

Các đơn thư tố cáo được Công an phường hỗ trợ tiếp nhận, sau đó tập hợp và gửi lên Công an quận. Được biết, biên bản bàn giao cho Công an quận sẽ được cung cấp cho khách hàng bằng bản photo, gửi tại Công an phường 15, quận Bình Thạnh.

Liệu việc gửi “thư từ chối” có liên quan gì đến thông tin hôm 5-10, tại họp báo thường kỳ quý III/2023, Bộ Tài chính cho biết, đã hoàn thành thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi, đang thanh tra Công ty Bảo hiểm nhân thọ Manulife Việt Nam (Manulife) và một doanh nghiệp khác. Từ nay tới cuối năm sẽ thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm còn lại theo kế hoạch.

Trong 6 tháng đầu năm, Dai-ichi Life và Manulife là 2 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường về số phí khai thác mới, lần lượt là 2.046 tỷ đồng và 1.976 tỷ đồng.

Nằm trong danh sách doanh nghiệp vừa được Bộ Tài chính thanh tra, Manulife có tổng doanh thu phí bảo hiểm trong 6 tháng đầu năm 2023 hơn 13.000 tỷ đồng, chiếm 17,2% toàn thị trường; Dai-ichi Life gần 9.800 tỷ đồng, chiếm 12,5% thị trường…

Theo báo cáo tài chính riêng giữa niên độ năm 2023, tổng chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm của Manulife tăng vọt lên hơn 8.800 tỷ đồng, tương đương mức tăng 45% so với cùng kỳ. Trong đó, mục chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm của Manulife có khoản chi hơn 1.500 tỷ đồng cho nội dung “hủy bỏ hợp đồng”.

Hiện nay còn khoảng gần 1.000 hợp đồng của khách hàng gửi tiết kiệm tại SCB bị chuyển thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Tâm An Đầu Tư của Manulife nhưng phía Manulife kiên quyết phủ nhận trách nhiệm.

Ông Vũ Hồng Thành (49 tuổi, quận 6, TP.HCM) bất lực kể về hành trình miệt mài đi khiếu nại suốt gần 5 tháng qua nhưng không hề có một tín hiệu tích cực nào để ông có thể “bám víu”. Ông kể, từ tháng 5-2023 đến nay, ông đã 4 lần gửi đơn khiếu nại yêu cầu Manulife giải quyết về những sai phạm nghiêm trọng trong hợp đồng bảo hiểm mà ông vô tình bị “sập bẫy” khi mang tiền đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng SCB.

“Từ đầu tháng 5, 6, 7-2023 tôi đã gửi đơn khiếu nại cá nhân lẫn tập thể để yêu cầu Manulife hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm. Sau đó, ngày 24-8-2023, tôi cùng nhóm 68 khách hàng khác đến trụ sở Manulife Việt Nam (quận 7, TP.HCM) yêu cầu công ty đưa ra lý do về việc kéo dài thời gian chi trả tiền và giải quyết khiếu nại.

Chúng tôi có rất nhiều bằng chứng liên quan đến những sai phạm của hợp đồng bảo hiểm Tâm An Đầu Tư phân phối qua ngân hàng SCB muốn trình lên những người có thẩm quyền của Manulife để công ty xem xét, sớm xử lý hợp đồng và hoàn trả lại tiền. Nhưng đến cuối ngày 24-8, nhân viên ở quầy lễ tân chỉ tiếp nhận danh sách trình lãnh đạo và hẹn ngày 15-9 là hạn chót trả lời cho chúng tôi” – ông Vũ Hồng Thành bức xúc để rồi đến ngày 28-9, nhiều khách hàng đã nhận được thư từ chối yêu cầu hoàn tiền từ phía Manulife Việt Nam.

Một thông cáo báo chí của Manulife viết: “Kể từ khi xảy ra khủng hoảng liên quan đến ngân hàng SCB vào đầu tháng 10-2022, Manulife Việt Nam đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể các khiếu nại của khách hàng SCB tham gia sản phẩm bảo hiểm Tâm an đầu tư”

Liên quan đến kết quả khiếu nại của một số khách hàng bị Manulife Việt Nam từ chối, công ty bảo hiểm này cho biết sẽ chủ động liên lạc với từng khách hàng, giải thích chi tiết về quyết định của Manulife và thực hiện các bước tiếp theo nếu có.

Tuy nhiên với diễn biến thực tế cho thấy cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam dường như đang chọn ‘đứng bên lề’, thay vì phải “bảo vệ nhà đầu tư nếu họ làm ăn đúng pháp luật”, và “bảo vệ người dân khi có dấu hiệu họ bị lừa đảo”.

Lưu ý, việc bảo vệ như trên còn là sẽ góp phần bảo vệ nền tảng Đảng trước những thế lực thù địch đang luôn muốn “diễn biến hòa bình” – đúng như phát biểu hôm bế mạc Hội nghị Trung ương 8 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)