Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhà nước cần tuyên truyền nhiều hơn nữa về pháp luật đến người dân

Vi Tiểu Bảo

(VNTB) – “Việt Nam có một rừng luật nhưng lại xài luật rừng”. Tại sao vậy?

 

Câu trả lời phải chăng là do người dân chưa nắm được một tí gì về luật? Khi đó, những người có chút ít chức quyền được dịp lên giọng phải thế này thế nọ với người dân, với chính hàng xóm của mình?

Một câu chuyện có thật được ghi nhận tại một tỉnh ở Việt Nam (tác giả bài viết xin phép được giấu địa điểm, tên cụ thể để tránh phiền phức cho gia đình người khác).

Có một gia đình chuẩn bị xây cất nhà (tạm gọi gia đình A), thay vì lo thủ tục xin giấy phép xây dựng thì không biết “thầy dùi” nào đó lại xúi đi mượn giấy chủ quyền đất đai của hàng xóm (tạm gọi gia đình B)! Câu chuyện cũng xảy ra từ đây.

Nhưng do gia đình B đã từng bị lừa mất giấy tờ nên cũng có phần dè chừng. Cảm thấy nói ngon nói ngọt không ép phê, gia đình A quay sang hăm dọa, nếu không cho mượn sẽ có kết quả không hay. Gia đình B vẫn không xoay chuyển.

Có lẽ mang tâm lý “rượu mời không uống muốn uống rượu phạt”, nên gia đình A quyết tâm chơi lớn, mời cả tổ trưởng khu phố kiêm tổ trưởng tổ hòa giải vô cuộc. Dùng áp lực chức vụ của tổ hòa giải (tổ trưởng, tổ phó, tổ viên) cũng như áp lực về số đông, họ quyết tâm buộc gia đình B phải đưa ra giấy chứng nhận quyền sở hữu đất của chính bên B. Tới ngày đó, giờ đó mà không giao ra thì sẽ bị tổ làm này làm nọ…

Ông bà đã từng nói: “Bán anh em xa không bằng mua láng giềng gần”, nhưng do bị ép quá, gia đình B quyết định làm theo tư vấn từ luật gia, tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Đơn được gửi đến cấp sở quản lý về địa chính, lãnh đạo tỉnh cũng như cho công an phường và cho cả ông… tổ trưởng. Đáng ghi nhận là chính quyền cũng như sở trả lời người dân và mời lên làm việc cho rõ ràng. Song cơ quan công an địa phương lại… im ru. Cũng nhờ đó, vụ việc được giải quyết nhưng lại mích lòng xóm làng.

Có người trách gia đình B có mỗi tờ giấy thôi mà, sao không cho mượn? Tuy nhiên, có bao nhiêu vụ việc tranh chấp từ tờ giấy chứng nhận sở hữu đất đai đó rồi. Có người lừa, lấy tờ giấy đó đi dụ bán đất cho người khác. Gia đình B từng vô tình vướng vào rắc rối không đáng ấy.

Nếu như người dân biết pháp luật có lẽ sẽ không xảy ra tình trạng như trên. Nếu gia đình A biết pháp luật, sẽ không xảy ra tình huống đó. Nếu ông tổ trưởng biết luật chứ không phải kiểu sống lâu lên trưởng làng, thì sẽ không xảy ra tình huống ép buộc người dân phải này phải kia.

Đó là chưa kể, nếu người dân nắm những nguyên tắc cơ bản về luật, chính quyền sẽ đỡ phải tốn thời gian, công sức hơn cho giải quyết những vấn đề. Đó là chưa kể còn có thể tránh được những phần tử “thế lực thù địch”.

Cũng có ý kiến cho rằng, nếu dân biết luật quá nhiều, sẽ gây khó cho chính quyền. người viết tin rằng, với tầm quản lý của chính quyền được ăn học đàng hoàng, tiếp thu những cái tinh túy của nước ngoài, sẽ không xảy ra câu thắc mắc trên.

Thật ra mà nói, vẫn biết chính quyền cũng đã và đang tuyên truyền về luật, nhưng có vẻ như vẫn chưa hiệu quả, vẫn là câu chuyện của ‘xa mặt trời’ quá. Cần phát triển từ những cái đã làm được, thí dụ như tuyên truyền luật pháp cho các tổ trưởng, tổ phó, một số cá nhân tiêu biểu để họ hiểu một cách đúng đắn trước, sau đó họ sẽ “chuyển lời” xuống người dân.

Một phương pháp nữa, người dân ở quê ngoài thời gian làm ruộng, chăm sóc vật nuôi ra thì họ hay đọc những thông báo, chỉ dẫn, chính quyền cũng có thể tuyên truyền pháp luật theo cách này.

Cũng hy vọng một điều rằng, người dân sẽ có thể tiếp cận với pháp luật nhiều hơn nữa để Việt Nam giảm thiểu được tình trạng quan lại địa phương chèn ép, hạch sách dân, và rồi còn cả chuyện tham nhũng chính sách.

Tin bài liên quan:

VNTB – Cấm, hạn chế xe máy: để tôi nói cho mà nghe

Phan Thanh Hung

VNTB – Cần nhân rộng việc đối thoại với người dân

Phan Thanh Hung

Người dân tấn công đồn Cảnh sát Trung Quốc để phản đối xây lò đốt rác

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.