Ngọc Linh Lan
(VNTB) – Nhà nước cách mạng lại sẵn sàng “thu hồi” đất đai là tài sản của người dân mua trả góp của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa, và đất đai này không phải do chính quyền đến từ miền Bắc “đưa ra” hay “cấp phát”.
Bạn đọc viết
“Thu hồi”, động từ, thu về lại cái trước đó đã đưa ra, đã cấp phát hoặc bị mất vào tay người khác. Ví dụ như thu hồi giấy phép kinh doanh, khả năng thu hồi vốn chậm.
Hiểu theo nghĩa từ điển tiếng Việt thì “thu hồi đất” có nghĩa đất là của phía ra lệnh thu hồi, và trong hầu hết trường hợp thì điều đó đồng nghĩa cách hiểu “cướp đất bằng thủ tục hành chính” nhân danh quyền lực nhà nước.
Theo cách hiểu của Luật Đất đai, thì thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được nhà nước trao quyền sử dụng đất, hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai (khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai 2013).
Nhà nước có tính kế thừa. Vậy thì vì sao nhà nước hiện tại không tiếp thu những điểm hay của Luật Người cày có ruộng ở miền Nam Việt Nam trước 1975? Theo luật này, các ruộng đất không được trực canh bị truất hữu phát cho các tá điền đang canh tác. Mỗi tá điền được phát 3 ha ở Nam phần hay 1 ha ở Trung phần.
Điền chủ trực canh được giữ lại tối đa 15 ha. Đất truất hữu được trả 20% bằng hiện kim và 80% bằng công khố phiếu với 10% lãi trong tám năm. Giá trị của đất ruộng quy định là 2,5 lần giá năng suất lúa (hay lợi tức) từ khoảnh đất đó.
Trong vòng 3 năm, từ 1970 đến 1973, đã có 51.704 điền chủ bị truất hữu tổng số ruộng là 770.105 mẫu. Trong thời chiến đa số ruộng đất bị ảnh hưởng, nên đa số các điền chủ bị truất hữu đều không bất mãn.
Việc truất hữu ở đây là trong đợt 1, đất đai của địa chủ được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thu mua giá cả sòng phẳng, rồi bán trả góp 12 năm cho dân nghèo. Trong đợt 2, đại địa chủ chỉ được giữ tối đa 15 ha nếu trực canh, sau năm 1973 đã chấm dứt nạn tá canh làm thuê ruộng của chủ điền vì nông dân đã được cấp, bán trả góp.
Để đền đáp, chính phủ cho phổ biến rộng rãi các bích chương: “Người Cày có ruộng ghi ơn tinh thần hy sinh của điền chủ”. Luật Người cày có ruộng cũng quy định nông dân lãnh ruộng do Việt Cộng cấp cũng được nhận bằng khoán chính thức sở hữu số ruộng.
Cho đến ngày 28-2-1973, Chương trình cải cách ruộng đất coi như đã hoàn tất. Đã có 858.821 tá điền được hữu sản hóa 1.003.323 ha ruộng đất. Mọi nông dân miền Nam đều có ruộng cày.
Chương trình người cày có ruộng đã tạo ra một tầng lớp tiểu và trung điền chủ lên đến 1,3 triệu người. Chỉ còn chừng 10% là có từ 5-15 ha đất, với 10% diện tích trồng trọt và họ cũng phải tự chăm sóc đất đai. Đại điền chủ không còn và việc tá canh coi như đã chấm dứt.
Lúc này, Ngân hàng Phát triển Nông thôn được thành lập. Với bằng khoán đất, nông dân được vay lãi nhẹ để đầu tư sản xuất.
Thời đó, người dân không hề bị ám ảnh chuyện mất tài sản đất đai với lý do nhà nước thu hồi như sau tháng 4-1975. Số điền chủ có ruộng bị truất hữu, cũng được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa giúp đỡ sử dụng vốn kinh doanh các dịch vụ cơ khí nông nghiệp, dịch vụ lưu thông hàng hoá nông sản phẩm, dịch vụ chế biến thực phẩm nông sản, hướng đến việc xuất cảng bán thành phẩm nông nghiệp, giúp nền kỹ nghệ miền Nam khởi sắc đóng góp xây dựng nền kinh tế quốc gia.
Vậy thì vì sao nhà nước cách mạng lại sẵn sàng “thu hồi” khi số đất đai là tài sản của dân chúng ở miền Nam mua trả góp của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa, và đất đai này không phải do chính quyền đến từ miền Bắc “đưa ra” hay “cấp phát”?
Một thi sĩ có quê hương thứ hai là xứ Bình Định đã đi theo kháng chiến, và trong một bài thơ “Tiếng hát con tàu” ngợi ca cảnh sắc núi rừng Tây Bắc, ông có những câu mà sau này đưa vào bài luận của học trò: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!”.
Như vậy, rõ ràng là chính quyền đến từ Hà Nội lâu nay vẫn giới hạn cách hiểu “thu hồi đất” được tiếp cận theo khía cạnh vật chất, không tiếp cận theo khía cạnh tinh thần, tình cảm, đời sống, quá khứ của con người, của gia đình bị thu hồi.
Bởi nếu đã đồng ý “khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”, có nghĩa chúng ta ai chả có quê hương. Đến độ trong tuyên truyền của đảng vẫn hay kể lúc trở lại xứ Việt, vị lãnh tụ đảng đã “hôn lên hòn đất Cao Bằng”, vậy thì sao Luật Đất đai lại sẵn sàng thu hồi cả tâm hồn của người ta mà chỉ tính bằng tiền như một kiểu ban phát của bề trên?
1 comment
Nếu tớ hổng lầm, có 1 thứ gọi là “Giải phóng”. Việt Nam Cộng Hòa bị lật đổ cùng những định chế đang làm cho dân miền Nam như ông bà của Nguyễn Thùy Dương rên xiết . Xóa bài làm lại, những định chế của Ngụy thì bị dẹp, tư hữu về đất đai, 1 thứ tư liệu sản xuất bị xóa bỏ, tất cả đất đai trở thành sở hữu toàn dân
Tại sao lại như thế thì đi hỏi những trí thức, những người đã góp phần lật đổ chế độ Ngụy . Đảng trước giờ vẫn vậy, dân Ta vẫn sống với Đảng từ trước giờ có sao đâu