Càng bùng nổ xung đột đất đai
(VNTB) – Nhìn lại các cuộc khiếu kiện đất đai diễn ra ở Việt Nam từ những năm 2000-2001 cho tới nay, rất nhiều nông dân từ các địa phương – nơi phổ biến cơn lốc sân golf lấn chiếm đất canh tác – như Long An, đã lặn lội đến Văn phòng Quốc hội (trụ sở tại TP.HCM) và ra tận các cơ quan trung ương ở Hà Nội để khiếu kiện. Nội dung khiếu kiện cũng không nằm ngoài những “đặc thù” của vấn đề thu hồi đất làm dự án ở Việt Nam: bồi thường không thỏa đáng, không bảo đảm tái định cư và môi trường sinh sống làm ăn cho nông dân sau khi bị thu hồi đất, nạn nhũng nhiễu của cán bộ thu hồi đất và hành vi ép dân của chính giới chủ đầu tư dự án…
Có đến 80-90% cuộc khiếu kiện ở Việt Nam tập trung vào lĩnh vực đất đai – một tỷ lệ rất cao, cho thấy dù vấn đề khiếu kiện đã được Chính phủ và một số bộ ngành liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra nhà nước… cố gắng “khoanh vùng” cho đến năm 2007-2008, nhưng với tốc độ đô thị hóa tràn lan, thiếu quy hoạch, với gần một ngàn đô thị vệ tinh có chiều hướng ra đời đến năm 2020, với tình cảnh đất ruộng, đất thổ cư của người dân vẫn không được cải thiện bao nhiêu về cơ chế đền bù, sẽ chẳng có nhiều hy vọng rằng làn sóng khiếu kiện của người dân sẽ lắng dịu.
Khi đó, hàng loạt hậu quả sẽ tiếp tục tái hiện. Khi đó, không chỉ là hậu quả về môi trường, sự mất ổn định của quy hoạch mà hậu quả với tính hệ thống của nó còn đào sâu vào khía cạnh phân cách giàu nghèo – một trong những bất ổn nghiêm trọng của xã hội đương thời Việt Nam.
Cũng khi đó, tại nhiều địa phương sẽ tái diễn cảnh ép giá, ép dân, hiện tượng liên kết giữa chủ đầu tư và chính quyền nhằm cưỡng chế thu hồi đất của dân…, để từ đó tích tụ, tích lũy ngày càng sâu những phản ứng bức xúc, phẫn uất của người dân mất đất.
Cũng như những dự án sân golf đã nuốt đất của dân mà do đó đã gây ra phản ứng đất đai trên diện rộng, bất kỳ một dự án casino nào, với tính chất “khu liên hợp” hay “tổ hợp”, cũng liên quan đến một diện tích đất không nhỏ.
Hiện thời, “đất cũ” trong các đô thị hầu như đã không còn. Chỉ còn “đất mới”, hay nói khác hơn là đất nông nghiệp của người nông dân. Có vẻ như bất cứ địa điểm đắc địa nào được nhà đầu tư nước ngoài hay các đại gia tài chính, ngân hàng và bất động sản trong nước “chấm”, đều dễ dàng được chính quyền địa phương gật đầu. Và những địa điểm đó cũng đa phần liên quan đến đất thuộc quyền sử dụng của các gia đình nông dân.
Một hệ lụy lớn được khởi phát, dẫn đến hệ lụy đối với casino: một khi dự án casino được chuẩn y, gần như chắc chắn nó sẽ phải đối mặt với công đoạn đầu tiên: bồi thường và giải tỏa. Tuy vậy, đó chỉ là chuyện bình thường, cũng như casino đã từ lâu là chuyện bình thường ở Việt Nam, nếu không có công đoạn tiềm ẩn tiếp theo: cưỡng chế giải tỏa.
Công đoạn tiếp theo cũng là nguy cơ tiếp nối. Rất có thể sẽ lại phát sinh một làn sóng phản đối mạnh mẽ của nông dân như đã từng biểu hiện đối với các dự án sân golf. Làn sóng phản ứng ấy hoàn toàn có thể dẫn đến những xung đột ghê gớm.
Ngủ ngày quen mắt
Hàng triệu dân oan ở Việt Nam lại sắp có thêm một chứng nghiệm sâu sắc và đắt giá nữa về tinh thần “mọi việc đã có đảng và nhà nước lo”.
16-2-2014 – nhà cầm quyền chủ động tổ chức khiêu vũ để ngăn chặn dân chúng biểu tình kỷ niệm ngày Trung quốc xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979 |
Khi một dân tộc đang nằm gần như nguyên vẹn trong mối họa ngoại xâm của phương Bắc, một dân tộc tính chỉ còn rơi rớt với vài ba trăm hoặc vài ba ngàn con người chịu xuống đường để phản ứng với giàn khoan HD 981 của Bắc Kinh, …, casino không chỉ là nơi rửa tiền hiệu nghiệm và còn ứng nghiệm bằng việc ru ngủ những mặt bằng dân trí thấp kém và vô cảm trước hiện tình dân tộc.
Thói quen “ngủ ngày quen mắt” của dân chúng cũng bởi thế càng được “nhân điển hình tiên tiến”, còn lớp quan lại vẫn tiếp tục giấc mơ “ăn vặt quen mồm” và đàn áp biểu tình chống Trung Quốc.
Phạm Chí Dũng