Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phó Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi khất thực ở Nhật

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Sư Thích Trúc Thái Minh được cho là tới Nhật Bản theo thỉnh cầu của Phật tử người Việt ở xứ Phù Tang.

 

Một clip trên tài khoản facebook Việt Nam Thời Báo có nội dung về đoàn nhà sư với người dẫn đầu là Thích Trúc Thái Minh đang đi khất thực trên đường phố Gifu ở Nhật Bản.

“Thể theo lời thỉnh cầu của các đạo tràng Phật tử xa xứ chùa Ba Vàng tại Nhật Bản, đồng thời trên cương vị là Phó Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong thời gian tới, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh sẽ có chuyến hoằng Pháp tại đất nước mặt trời mọc, gặp gỡ và chia sẻ Phật Pháp cho các Phật tử cũng như những người yêu mến đạo Phật, có lòng tin tâm linh nhân quả” – trích thông cáo báo chí trên trang web của nhà sư Thích Trúc Thái Minh.

Theo thông báo trên, thì việc Phật sự ở Nhật Bản có lịch cụ thể như sau: Giảng Pháp tại Tokyo: Ngày 16/4/2023 (tức 26/02 nhuận/Quý Mão); Giảng Pháp tại Toyota: Ngày 18/4/2023 (tức 28/02 nhuận/Quý Mão); Giảng Pháp tại chùa Đại Nam, Himeji: Ngày 22/4/2023 (tức 03/3/Quý Mão); Giảng Pháp tại chùa Kokutaji, Hiroshima: Ngày 23/4/2023 (tức 04/3/Quý Mão); Giảng Pháp tại Fukuoka: Ngày 23/4/2023 (tức 04/3/Quý Mão).

Tuy nhiên khá bất ngờ lại trong chuỗi “Giảng Pháp” đó lại có phần dẫn đoàn đi khất thực trên đường phố Nhật Bản của nhà sư Thích Trúc Thái Minh, khi ấy còn cương vị là Phó Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong bài “Hoạt động khất thực của nhà sư Nhật Bản” trên trang web Nippon Class chuyên các nội dung dành cho những ai đã và đang có ý định sang Nhật sinh sống, làm việc, học tập hoặc đi du lịch, đã viết như sau, qua đó sẽ thấy có sự khác biệt hẳn so việc khất thực của đoàn nhà sư đến từ Việt Nam:

Hoạt động đi khất thực của các nhà sư tại Nhật Bản được gọi là Takuhatsu được du nhập vào Nhật Bản khi văn hóa Phật giáo từ Trung Quốc mở rộng.

Trong thời kỳ Nara, Takuhatsu được thực hiện với ý nghĩa từ thiện cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội như kè sông, hồ chứa và giếng, và thúc đẩy việc xây dựng Đại Phật của Gyoki. Thời đó, Takuhatsu không chỉ bao gồm việc gây quỹ mà còn bao gồm cả các tác động quan hệ công chúng, tầm ảnh hưởng lớn của Phật giáo đến người dân Nhật Bản lúc bấy giờ.

Vào thời Minh Trị, hoạt động này bị cấm theo văn hóa phương Tây. Và vào ngày 9/11/1872, lệnh cấm Takuhatsu đã được ban hành, nhà sư có giấy phép cụ thể mới có thể đi khất thực. Nhưng quy định về giấy phép Takuhatsu này đã bị bãi bỏ theo Hiến pháp Nhật Bản năm 1947. Hiện nay, hoạt động khất thực thường được tổ chức vào cuối năm. Các nhà sư mặc áo cà sa, đội mũ dệt kim, tay phải đeo vương trượng, tay trái cầm bát bằng sắt và tụng kinh niệm Phật đi qua khắp các ngõ phố trên toàn thành phố.

Người dân bày tỏ thiện ý, sự thành kính bằng cách cúng dường, quyên góp tiền vào bát sắt cho nhà sư, sau đó nhà sư sẽ rung chuông trên vương trượng để như báo hiệu các vị thần đã ghi nhận công đức và tấm lòng của họ.

Bạn cũng có thể bắt gặp các nhà sư đang hoạt động khất thực, nhưng chỉ đứng ngay ngắn, bất động ngay trên đường phố, hay tại các ga lớn ở Nhật Bản”.

Ở Việt Nam, Luật nghi Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang chế định nêu ra 26 phép khất thực. Qua đó, mọi người có thể  nhận biết dễ dàng đâu là phép trì bình khất thực đúng cách và đâu là sai lạc. Đáng chú ý nhất là các quy định về phong thái cần có của khất sĩ và những gì được phép nhận:

“Không được nhìn mặt thí chủ, hoặc nói chuyện quá năm, sáu câu; Khi đi khất thực phải trang nghiêm, nhìn thẳng  xuống, nhìn xa 2 thước, không liếc 2 bên, không tìm lóng nghe chuyện người nói; Không được vừa đi vừa nói chuyện chỉ trỏ…; Ai có hỏi đạo giữa đường thì kiếm gốc cây ngồi nói, hoặc hẹn sau khi độ cơm rồi sẽ nói, hoặc mời người đến ngay chỗ trụ hoặc để ngày khác người thỉnh cúng dường tại nhà có tăng đông, có cư sĩ nhiều sẽ nói;

Không được nhận tiền, gạo, không nhận đồ ăn mặn; Ngoài món ăn ra không nhận món gì ai gửi (hãy bảo người ta đem đến chùa). Ai gửi cúng Phật thì không được nhận, hãy nói “Tăng chỉ là người tu đi xin ăn mà thôi”; Bát nếu ôm trần thì được nhận, bát mang trong túi cấm thâu nhận”.

Trong một bài viết đăng trên Cổng thông tin điện tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hòa thượng Thích Thanh Thắng khẳng định: “Khất thực chính là xin thức ăn. Nếu là các vị thực hành hạnh khất sĩ thì điều căn bản nhất để phân biệt là vị đó sẽ không nhận tiền, chỉ nhận thức ăn vừa đủ trong bình bát.

Nếu thức ăn trong bình bát vừa đủ thì vị thầy đó sẽ đậy bình bát ra về và ăn trong chánh niệm vào đúng giờ Ngọ (khoảng 11 – 12g). Ngoài ra các vị khi đi khất thực rất oai nghi, đi thẳng không dừng lại xin ai, không nói năng đòi hỏi gì ở người khác”.

Nhấn mạnh về yêu cầu nghiêm trang, im lặng khi khất thực, nhà sư Thích Thanh Thắng cho biết, thời Đức Phật, chư tăng khi đi khất thực thường ngậm nước trong miệng để tịnh khẩu. Nếu thí chủ cúng dường thức ăn thì chư tăng âm thầm nhận, không trả lời bất cứ câu hỏi dư thừa, không ích lợi nào. Chỉ khi tín chủ nói “thưa ngài con có chuyện buồn trong gia đình, con có chuyện đau khổ, con không biết phải tu tập thế nào cho đúng”… thì vị tăng kia mới quay đi nhổ nước trong miệng ra và giải đáp thắc mắc cho thí chủ xong rồi mới đi tiếp.

“Vì thế nếu chúng ta thấy, vị nào đi khất thực không đúng với truyền thống thì chúng ta không bố thí. Hoặc giả vị nào đó khi chúng ta cúng thức ăn lại nói không cần thức ăn mà hãy cúng tiền cho tiện, thì chúng ta biết ngay đó là người giả sư khất thực.

Hiện nay có một số chùa, cũng thỉnh thoảng tổ chức ngày lễ sớt bát, nhưng Phật tử dùng phong bì tiền bỏ vào trong bình bát, hay để trên nắp bình bát thì đó cũng là cúng dường không đúng pháp”, hòa thượng Thích Thanh Thắng khẳng định.

Từ một số góc nhìn trên, và quan sát hình ảnh cùng với clip trên tài khoản facebook Việt Nam Thời Báo, cho thấy phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tường minh việc nhân danh Phó Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam của nhà sư Thích Trúc Thái Minh khi ông dẫn đoàn nhà sư trên đường phố Nhật Bản để “khất thực”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Việc xây dựng chùa Tam Chúc có vi phạm pháp luật hay không?

Do Van Tien

VNTB – “Khởi nghiệp” tâm linh

Do Van Tien

VNTB – Công giáo ở Việt Nam có mất đoàn kết không?

Do Van Tien

2 comments

T Vy 20.05.2023 8:34 at 08:34

Hoà thượng của đảng! tu hành theo phật pháp Mac Lenin! Ban ngày đi khất thực, tối về biết đâu lại nhậu sushi với rượu Sake!

Reply
Nguyễn Tuấn Anh 22.05.2023 12:50 at 00:50

Lãnh đạo nhà mềnh nổi tiếng ăn mày mỗi lần ra nước ngoài, ngoại trừ tới Cuba hay Bắc Hàn, dân các bác vưỡn hoan nghênh vì mỗi chuyến đi bị gậy, thế nào nước Việt các bác sẽ được tiền tài trợ, thêm đầu tư tư bửn này nọ . Ông lãnh đạo giáo hội phật giáo các bác cũng theo chân lãnh đạo các bác, tại sao các bác lại phản đối ?

Ông không (cần) nhậu sushi & uống sake. Mỗi lần đi khất thực, người ta cho gì mình ăn nấy . Hình chụp McDonald’s, thế nào cũng có cái Big Mac ở trỏng .

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo