Kiều Phong
(VNTB) – Loạt bài điều tra về làng đại học Linh Trung- Thủ Đức đã mô tả phần nào thực trạng của khu đô thị đại học đầu tiên trên cả nước. Vì sao bê bối ở một nơi như thế lại xảy ra quá nhiều và trên mọi phương diện?
Triết lý toàn trị đối với quy hoạch
Trong một chế độ toàn trị mà hệ quả của nó là nghèo đói, trộm cướp luôn luôn là một căn bệnh không ngăn ngừa được. Trộm cướp là biểu hiện tất yếu trong quy hoạch của các độ độc tài.
Ngay tại Thư viện trung tâm nằm trong nhà điều hành đại học quốc gia TP.HCM, kẻ trộm thường xuyên chạy tới đây để ăn cắp xe máy và xe đạp. Sinh viên đến thư viện đọc sách cũng lo mất xe, nhà điều hành phải thuê một đội ngũ bảo vệ hùng hậu. Hiện thực ở thế giới tiến bộ cho thấy khu đại học phải là nơi thanh lịch nhất của xã hội, từ đó lan tỏa ra khắp đất nước. Riêng tại Việt Nam, khu đô thị đại học đầu tiên lại là thiên đường của trộm cướp.
Cảnh báo mất xe ngay trong nhà điều hành đại học quốc gia TP.HCM. Ảnh Kiều Phong.
Triết lý toàn trị của nhà nước thể hiện ở mọi phương diện. Sinh viên không được quản lý các dịch vụ dành cho chính mình. Những người đang làm chủ các dịch vụ cho sinh viên thì tạm bợ, họ không đặt tương lai ở làng đại học mà cũng không thể giải tỏa di dời.
Trình bày chi tiết và đầy đủ về nguyên nhân làm cho làng đại học Thủ Đức vỡ quy hoạch có lẽ là một việc quá sức đối với một bài báo. Và cho dù trình độ của người viết đến đâu thì đó cũng không phải là chuyện sức riêng một người có thể làm được. Rất cần các quy hoạch sư, kiến trúc sư và chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan đóng góp ý kiến để cứu vãn khu đô thị đại học đầu tiên của cả nước. Nhưng đó là trong lý tưởng, vì trong một nền học thuật không có tự do thì các trí thức khoa bảng không dám lên tiếng về khu đô thị đại học. Và trong một môi trường không có tự do báo chí, những tờ báo có tiềm lực nhất cũng có sự thỏa thuận nào đó với ban giám đốc đại học quốc gia TP.HCM, dẫn đến việc người ngoài không ai biết đến sự bê bối của làng đại học.
Lỗi tại kiến trúc sư Ngô Viết Thụ?
Khu đô thị đại học quốc gia được khởi công vào năm 1995 và được kỳ vọng hoàn thành vào năm 2019. Khu đô thị đứng trước nguy cơ vỡ quy hoạch, và không thể kịp tiến độ mặc dù còn ba năm nữa. Sau khi Sài Gòn thất thủ, chính phủ Hà Nội tiếp quản khu đô thị. Nhưng cũng giống như tất cả các giá trị thời Việt Nam Cộng Hòa, khu đô thị cũng không chịu nổi cú sốc thời thế.
Quy hoạch của Đại học Quốc gia TP.HCM được phát triển trên nền tảng của bản quy hoạch do vị kiến trúc sư tài hoa Ngô Viết Thụ thiết kế từ thập niên 1960 ( Đệ Nhất Cộng Hòa).
Không ít người đổ lỗi cho người quy hoạch trưởng đặt nền móng cho khu đô thị, vị kiến trúc sư lừng danh thế giới Ngô Viết Thụ. Nhưng cũng giống như Sài Gòn được thiết kế cho 1 triệu dân ở chứ không phải 20 triệu như ngày hôm nay, khu đô thị đại học được KTS Ngô Viết Thụ thiết kế cho một lực lượng tinh hoa, không thiết kế cho một nền đào tạo tuyển sinh vô tội vạ mà mà chất lượng đầu vào quá thấp so với sinh viên thời Việt Nam Cộng Hòa.
Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ
Do đó sẽ không công bằng nếu đổ lỗi quy hoạch cho KTS Ngô Viết Thụ cho hiện trạng của làng đại học Thủ Đức. KTS Ngô Viết Thụ thiết kế khu đô thị trên một nền tảng chính trị- tinh thần hoàn toàn khác. Bản thiết kế cho một nền đào tạo tuyển chọn tinh hoa rất khắt khe. Ở đó, tốt nghiệp tú tài đã có thể làm nhiều công việc thực thụ để mưu sinh. Thời Việt Nam Cộng Hòa, nhắc đến sinh viên là người dân tôn trọng, vì rất ít người được chọn vào học đại học.
Khi quân đội Hà Nội chiếm được Sài Gòn, các kiến trúc sư và kỹ sư tài hoa của chính quyền Sài Gòn có liên quan đến khu đô thị đại học dần dần rời bỏ đất nước. Nhà cầm quyền Hà Nội không lường trước được cú sốc thời đại, do đó không chặn được những hiểm họa đối với quy hoạch dành cho sinh viên. Không những không tuân thủ quy hoạch đô thị đại học khá thành công của chính quyền cũ, chính quyền mới còn tuyển sinh tràn lan, từ đó nảy sinh nguy cơ vỡ quy hoạch. Triết lý “dàn hàng ngang tiến lên xã hội chủ nghĩa” khống chế cả tư duy kiến trúc, nơi những bản thiết kế thiên phục vụ cho số lượng chứ không phải là chất lượng.
Một tên tuổi lão làng của giới kiến trúc Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa, KTS Nguyễn Hữu Thái nhiều lần nhắc đến làng đại học Thủ Đức như một sự thất bại thảm hại về quy hoạch. Ông đưa ra so sánh, khi ở nước ngoài, những sinh viên đi học không phải lo về học phí, trong khi sinh viên Việt Nam hầu hết là con nhà nghèo và phải ra khỏi ký túc xá để đi làm thêm. Nền tảng chính trị- tinh thần của sinh viên Việt Nam thua xa nước ngoài, dẫn đến thua kém về mọi mặt. Thế mới biết chính sách tuyển sinh của Việt Nam Cộng Hòa là hợp lý, sinh viên được bao cấp tiền ăn học. Thời Việt Nam Cộng Hòa rất ít người được làm sinh viên, nhắc đến sinh viên là người dân rất kính trọng chứ không phải như bây giờ.
Càng hy vọng vào cải cách đại học bao nhiêu, những bậc trí giả sống qua nhiều chế độ càng thất vọng bấy nhiêu. Làng đại học vỡ quy hoạch không phải do thiếu tiền, mà là do cú sốc thời thế. Cụ thể hơn, đó là do thể chế chính trị mới và triết lý toàn trị của họ.
Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là tác giả của các công trình kiến trúc tầm cỡ như Dinh Độc Lập, Chợ Đà Lạt, Trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn, Viện Đại học Huế, Trường Đại học Y khoa Sài Gòn…
————————–
Xem lại:
http://www.ijavn.org/2016/06/vntb-phong-su-ieu-tra-vo-quy-hoach-o.html (Kỳ 1)
http://www.ijavn.org/2016/06/vntb-phong-su-ieu-tra-vo-quy-hoach-lang.html (Kỳ 2)
http://www.ijavn.org/2016/06/vntb-phong-su-ieu-tra-vo-quy-hoach-lang_22.html (Kỳ 3)