Hồng Ngự
(VNTB) – Đây là một phỏng vấn giả tưởng, tác giả không có ý ‘móc méo’ ai hết, kể cả ông cựu nghị viên Hoàng Hữu Phước ở xứ Việt.
* Hỏi: Còn nhớ báo chí ở xứ kia từng đặt nhiều câu hỏi cho quan lại Hoàng Hữu Phước về sức khỏe của ông, khi mấy kỳ vào triều chầu Thiên tử, viên quan ấy đều cáo bệnh để vắng mặt.
Nay, Hoàng thượng tuổi cao sức yếu, long thể bất an từ mấy năm trước trong chuyến Nam hành, và Hoàng thượng cũng vắng mặt nhiều phiên họp ở chốn Diên Hồng.
Thế nhưng, thưa Hoàng thượng, được biết các viên quan thái giám đều nói rằng ngài được thần dân tin tưởng để thêm nhiệm kỳ nữa. Vậy long thể Hoàng thượng còn bất an không?
* Trả lời: À! long thể trẫm thì tốt rồi, có điều mấy bận ấy bị mất tiếng nên trẫm không trò chuyện, phát biểu nhiều được sợ quần thần lo lắng rồi xao nhãng việc nước non, trẫm buộc lòng phải buông rèm chấp chính.
* Hỏi: Mấy năm rồi Hoàng thượng ít khi thượng triều. Nay Hoàng thượng vẫn chưa lui về vui thú thanh nhàn, xem ra nhọc thân cho bệ hạ quá…
* Trả lời: Thực ra thì nếu để thượng triều, sức khỏe của trẫm coi như trở lại bình thường. Còn trong mấy kỳ thượng triều ở Diên Hồng vừa qua, trẫm vắng chẳng qua là do một sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi. Cứ áo mão chuẩn bị ra cung đình thì long thể lại có sụt sịt như nói ở trên rồi đó.
Nói thiệt là khi thượng triều, cái gì trẫm cũng chuẩn bị hết trơn, rồi rốt cuộc lại không vào cung được với quần thần và cả các ái phi của trẫm nữa kìa.
Đó là bất thường và bất ngờ chứ không phải gì trầm kha trầm trọng đâu!
* Hỏi: Nghe đâu ở xứ nào đó có một bề tôi lương đống họ Hoàng vừa chống gậy vừa phải vào sân chầu? Hoàng thượng thấy sao?
* Trả lời: Trẫm có nghe quần thần tấu chuyện ấy. Chúng dân cũng bàn tán. Bên Thái y viện giải thích với trẫm rằng vấn đề chống gậy nó thế này, về y học khi phải nằm trị bệnh hơn một con trăng, thì ngự y sẽ khuyến cáo coi chừng cái chân của người bệnh bị teo cơ. Nên sau khi nằm chờ chữa cho hết bệnh thì sau đó phải chống nạng tập đi mà người đời sau gọi là tập vật lý trị liệu.
Bao giờ mới quăng cây gậy được thì còn tùy vào tuổi tác và mức độ di chứng tật bệnh, lúc đó sẽ không còn chống gậy nữa, đi lại bình thường.
* Hỏi: Câu hỏi cuối với Hoàng thượng, giả dụ như mấy quan cận thần của bệ hạ sắp tới đây đều bị thần dân không tin cậy nữa, vậy bệ hạ nghĩ sao?
* Trả lời: Trẫm nghĩ tích cực thì thế này, ở nhiệm kỳ trước, khi lai kinh ứng thí chốn quan trường, các sĩ tử đâu có để tâm là cần đến thần dân tín nhiệm hay không; vả lại thần dân có biết mấy viên quan lại triều đình ra sao để mà tin cậy. Sĩ tử ứng thí làm quan với lòng mong muốn phục vụ ngai vàng vương triều, để hưởng bổng lộc triều đình.
Còn trẫm thì tin vào phụ huynh của các sĩ tử, vì họ đều là quan lại trong triều mình đấy thôi, xa lạ chi đâu. Hơn thế, trẫm không ưa chút nào cái gọi là Luật Hồi tỵ. Con vua thì lại làm vua, cớ chi con quan lại không thể nối tiếp làm quan? Hồng phúc của dân tộc đó chứ đâu xa.
Cho nên nếu như kết quả sắp tới đây có không như ý, thì đó cũng chẳng liên quan chi đến niềm tin của con dân, đừng đổ thừa họ mà tạo nghiệp. Tất cả đều là yêu cầu của ngai vàng vương triều đấy thôi!.
Mà cũng đừng bận tâm, đã có thái giám lo hết rồi. Trẫm nghe tấu là xong đâu ra đó về cơ cấu từ quan lại cho đến sai nha. Trẫm tổ chức để thiên hạ bầu cử tưng bừng để cho thấy xứ mình đủ sức sánh vai cường quốc năm châu về dân chủ như lời căn dặn của Tiên đế thôi à, chúng khanh ơi!