VNTB- Quan chức nghiện quyền lực, về hưu chọn một hội kiếm ghế ngồi cao

Phùng Hoài Ngọc
(VNTB) – Trên một bàn tròn FB, mấy người bạn tri kỷ bày cuộc hội thảo bỏ túi. Lấy đề tài là một tấm ảnh trên báo chí nước ngoài… Tôi xin chắt lọc mấy ý kiến thú vị nhất hầu chuyện bạn đọc.
            Thủ tướng Cameron tự tay dọn đồ, dời khỏi dinh thủ tướng


Cựu thủ tướng Cameron bận áo xẫm màu, quần cụt, ngồi thảnh thơi bên các thường dân, ở một resort

Đỗ Ngọc Thống phát biểu:
Nhìn tấm ảnh ông Cameron sau khi thôi giữ chức thủ tướng nước Anh, trở lại giữa đời thường; tôi cứ nghĩ không biết bao giờ ở xứ ta, khi rời bỏ quyền lực, các vị “tai to mặt lớn” mới có thể nhẹ nhàng, thanh thản như ông thủ tướng này nhỉ?
Ở xứ ta thì khó lắm.

Cứ thử tưởng tượng, khi các vị còn đương chức; từ mờ sáng đến tận đêm khuya, lúc nào cũng có kẻ chực người chờ; đi đâu cũng rước đón linh đình. Một bước lên xe, hai bước xuống máy bay. Mở mắt ra đã thấy nỉ non toàn những tiếng thưa lời bẩm, tiếng dạ lời vâng… ăn thì toàn cao lương mỹ vị, uống sâm nhung đủ loại trên đời…
Giờ về nghỉ thì hình như có gì khác lắm. Chẳng phải do thiếu tiền, thiếu miếng ăn, thức uống. Các vị thừa cả rồi. Mà ăn uống có tốn là bao. Nhà cửa chẳng phải lo, đi lại không thành vấn đề. Thế sao mặt ông nào trông cũng ủ ê, buồn bã? Tôi nghĩ, chắc chắn là các vị đang hẫng hụt vì thấy mất quyền lực. Nói bây giờ không ai nghe, quát cũng chẳng ai sợ… Suốt ngày chẳng thấy ai đến xin ý kiến và ký cót gì cả; thấy cứ như người thừa, tồn tại một cách vô nghĩa, vô duyên.
Say đắm quyền lực là một thứ bệnh rất dễ mắc và khó chữa lắm. Nhất là ở xứ ta, những thói quen quyền lực hằn sâu trong nếp sống. Có ông lớn khi đã về hưu, đến sinh hoạt tổ dân phố, vừa bước vào đã giơ cao tay hua hua chào; người ta mời phát biểu, vừa đứng lên ông đã vỗ tay, trong khi chẳng ai vỗ cả. Không hiểu ông ấy có ngượng không? Rất nhiều ông to khác, về hưu rồi, khi bắt tay vẫn theo thói cũ: giơ bàn tay buông thõng cho người khác sờ vào. Mỗi khi gặp những bàn tay béo nhão, mũm mĩm, lạnh lẽo và vô cảm ấy tôi không khỏi rùng mình.
Rồi sau đó cứ thấy buồn cười, buồn bực, buồn nôn…

Thi Đào:

Khoảng hai chục năm nay người ta cũng đã nghĩ ra cách để giải quyết cái ghế quyền lực khi đã hết quyền lực. Ví dụ, tăng biên chế các hội và sinh ra thêm rất nhiều hội, ngõ hầu giúp các quan “tiến vi quan, thoái vi hội“. Nhưng ghế ít, đít nhiều cho nên vẫn không sao đủ được.
Vấn đề là ta thử lý giải xem tại sao ở xứ “thối tha, giãy chết” thì người ta rời quyền lực một cách thanh thản, còn xứ thì người ta cố ôm? Có thể vì các lẽ:
1. Quyền lực phải mua quá nhiều tiền mà thời gian đương chức có khi ngắn quá nên chưa kịp sinh lãi.
2. Làm quan ở ta tạo nên một cuộc sống quá cách biệt với dân, cho nên lúc quay về không có chỗ trong dân. Hoặc là dân không chiu “kết nạp lại”. Có nhiều ông quan, khi bắt đầu về hưu phải mon men đến những chỗ thể thao, cờ quạt, lễ hội địa phương, xun xoe với lớp “cựu trào” để mong mình được chấp nhận.
3. Các tổng thống, thủ tướng ở các xứ “giãy chết” khi hết nhiệm kỳ người ta có sẵn nghề từ trước, nay lại quay về nghề. Thậm chí họ có thể tập nghề mới. Vấn đề là họ không nề hà. Tổng thống về vườn vẫn thể đi bán cà phê. Ở các xứ “thiên đường” quan chức còn biết làm nghề gì ngoài nghề… chém gió?
Vân vân và vân vân. Mời các thầy lý giải tiếp.

Lãng Tử:
Có một số ông cao cấp rất thích được lớp kế nhiệm mời đi dự lễ lạt.

Các vị được xếp ngồi hàng ghế đầu.

Ngồi và chỉ im lặng, giả bộ nghiêm túc lắng nghe. Chỉ được một lúc là rọ rạy trên ghế, nét mặt vô cảm, kỳ thực chả nghe thấy gì. Và tất nhiên cuối cùng cùng chả biết nói gì. Và cũng chả ai mời phát biểu gì.
Đi vô dụng thế thì đi làm gì ?

Đi cho đỡ sốc, đi  để trị liệu tâm lý.
Đi cho đỡ ghiền.
Nhưng vì sao lớp kế nhiệm nhất thiết phải mời các ông cựu ông nguyên đi tham dự ?
Có lẽ các vị đương nhiệm muốn chứng tỏ rằng đảng phái chúng ta rất đoàn kết, có trước có sau, trước sau như một, nối liền một mạch, kiên định lập trường.

(mời các thầy phát biểu tiếp về các cảnh huống quan cao cấp về hưu).
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)