Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Quan hệ không trong sáng” có phải là vi phạm pháp luật?

Quan hệ không trong sáng

Hữu Lâm

(VNTB) – Trong hệ thống văn bản pháp luật về dân sự, hình sự đều chưa tìm thấy điều luật nào có liên quan tới một định danh là “quan hệ không trong sáng”.

“Cán bộ bị kỷ luật vì “quan hệ không trong sáng” vẫn được chỉ định làm bí thư phường” là tựa bài viết trên báo Người Lao Động, phát hành ngày 9-7-2020 (1). Theo bài báo này thì vào ngày 23-12-2019, ông Thạo đã bị Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy An Giang ban hành quyết kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do thiếu gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; có quan hệ không trong sáng.

quan hệ không trong sáng

“Quan hệ không trong sáng” mà Tỉnh ủy An Giang nêu, thực tế là gì? Một bài viết trên báo Tuổi Trẻ đã tường thuật vụ việc như sau:

“Kết quả xác minh, ông Thạo thiếu gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, có quan hệ nam nữ không trong sáng; thực hiện không đúng quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai tài sản, thu nhập” – ông Răng nói (ông Hồ Văn Răng – chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy An Giang).

Tuy nhiên, bà H.T.A.L. – vợ ông Thạo – cho rằng bà rất bất ngờ khi UBKT Tỉnh ủy An Giang xử lý kỷ luật ông Thạo với mức cảnh cáo. Bởi năm 2002, ông Thạo cũng vi phạm với hành vi quan hệ nam nữ bất chính với một cán bộ ở TP Cần Thơ và đã từng bị xử lý kỷ luật cảnh cáo, nhưng bây giờ tái phạm y như vậy mà UBKT Tỉnh ủy lại tiếp tục cảnh cáo nữa” (2).

Có lẽ ở đây cần nói cho rõ luôn, người phụ nữ mà ông Thạo đã ‘quan hệ không trong sáng’ là bà Lê Thị Hoàng Hoa, đảng viên chi bộ quân sự phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên. Sau vụ lẹo tẹo “quan hệ không trong sáng” với ông Thạo, bà Hoa đã bị khai trừ đảng với các lý do: thiếu tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, quan hệ nam nữ không trong sáng với người đang có vợ, vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, bỏ sinh hoạt Đảng liên tục 6 tháng.

Cụm từ ‘quan hệ không trong sáng’ đối với đảng viên Phạm Vĩnh Thạo, cụm từ “quan hệ nam nữ không trong sáng’ đối với cựu đảng viên Lê Thị Hoàng Hoa – ở đây tạm thời chưa xem xét dưới góc độ của văn bản điều chỉnh mang tính nội bộ của Đảng, chỉ với Luật Hôn nhân và Gia đình, đã có thể truy cứu trách nhiệm của các bên liên quan.

Điều 5 của Luật Hôn nhân và Gia đình có ghi việc cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Tuy nhiên để có câu trả lời là thế nào mới được coi là ‘sống chung như vợ chồng’, thì khó thể đáp ứng các yêu cầu mang tính thủ tục hành chính của pháp luật liên quan.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC, “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…”.

Như vậy, trong trường hợp ‘lẹo tẹo’ của đảng viên Phạm Vĩnh Thạo với cựu đảng viên Lê Thị Hoàng Hoa, xem ra khó cáo buộc họ theo điều 5, Luật Hôn nhân và Gia đình.

Tuy nhiên, nếu thực sự các cơ quan bảo vệ pháp luật ở tỉnh An Giang quan tâm đến vụ việc ‘quan hệ không trong sáng’ ấy, có thể căn cứ vào “Điều 7.1 Áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình. Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng”, Luật Hôn nhân và Gia đình.

Tin rằng tập quán tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt là với những đảng viên lãnh đạo như ông Phạm Vĩnh Thạo, sẽ hiểu thế nào là ‘ngoại tình’ cùng vô số hệ lụy tiếp sau đó. Chính lẽ ấy nên việc Thành ủy TP Long Xuyên có quyết định điều động ông Phạm Vĩnh Thạo (Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam TP Long Xuyên) tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Đảng ủy phường Mỹ Hòa nhiệm kỳ 2020-2025, là một quyết định cần phải được xem xét lại.

Còn nói theo góc độ của văn bản điều chỉnh mang tính nội bộ của Đảng, thì trong nhiều văn bản, Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, Khóa XII, đều đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy các cấp.

Khoản 11, Điều 2 của Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương cũng đã quy định: Không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước đối với Đảng viên đang được tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật.

Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị ngày 30/5/2019 về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ: Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút, thiếu gương mẫu…

_______________

Chú thích:

(1) https://nld.com.vn/thoi-su/can-bo-bi-ky-luat-vi-quan-he-khong-trong-sang-van-duoc-chi-dinh-lam-bi-thu-phuong-20200709093404565.htm

(2) https://tuoitre.vn/vo-to-cao-quan-he-bat-chinh-mot-thuong-vu-thanh-uy-bi-ky-luat-canh-cao-20191230163338046.htm

(3) https://motthegioi.vn/tin-tuc-su-kien-c-179/an-giang-khai-tru-dang-1-nu-can-bo-quan-su-co-quan-he-nam-nu-khong-trong-sang-128653.html

Tin bài liên quan:

VNTB – Cựu thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng bị bắt

Baraju T. Ogelefecejo

TPHCM cần bảo vệ cán bộ ‘dám nghĩ, dám làm’ để vượt qua khó khăn

Do Van Tien

VNTB – Làm sao để không chọn nhầm người?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.