Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quyền ‘lập pháp’ của đại biểu Quốc hội vì sao ít được thực thi?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Chủ tịch nước – ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình dự án Luật biểu tình ra trước Quốc hội khóa XV?

 

Lúc còn là Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc phải phụ thuộc vào các cấp bộ liên quan trong vai trò được giao soạn thảo một dự án luật nào đó. Giờ ông là Chủ tịch nước, và là Trưởng Ban cải cách Tư pháp Trung ương, chắc hẳn ông sẽ chủ động hơn trong đưa ra các dự án luật.

Trong các giai đoạn của hoạt động lập pháp, trình dự án luật và pháp lệnh (sáng kiến lập pháp) và kiến nghị về luật là hoạt động đầu tiên trong quy trình làm luật, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hiệu quả và kết quả của hoạt động lập pháp.

Chương trình xây dựng luật của Quốc hội phù hợp với nhu cầu của thực tiễn phụ thuộc vào chất lượng của các sáng kiến lập pháp cho nên quyền trình sáng kiến lập pháp được trao cho nhiều chủ thể khác nhau, Điều 84 Hiến pháp năm 2013 quy định:

Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật ra trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh và dự án luật, dự án pháp lệnh ra trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội”.

Theo nội dung của điều luật trên, có nhiều chủ thể tham gia xây dựng dự án luật, nhưng chỉ riêng đại biểu Quốc hội tham gia với tư cách cá nhân, còn các chủ thể khác đều là cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức chính trị – xã hội; Quyền của đại biểu Quốc hội tham gia xây dựng các dự án luật có nội dung rộng hơn so với quyền này của các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội.

Như vậy, trình dự án luật trên tư cách Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hay tư cách đại biểu Quốc hội xem ra là sân chơi rất rộng trong thể hiện quyền lực của một nhà lập pháp Nguyễn Xuân Phúc.

Mặc dù, được Hiến pháp và pháp luật trao quyền, song có một thực tế là các đại biểu Quốc hội hiếm khi thực hiện các quyền của mình.

Đa số các dự luật được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật hầu như chủ yếu xuất phát trên cơ sở các sáng kiến lập pháp của các cơ quan của Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình.

Các đại biểu Quốc hội có đề xuất các kiến nghị luật, nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc đưa ra sự cần thiết phải có luật, pháp lệnh mà chưa thấy các kiến nghị được trình bày có lập luận và cơ sở lý luận và thực tiễn bảo đảm theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về dự án Luật.

Thực tiễn cho thấy, từ trước đến nay chỉ có 3 đại biểu Quốc hội trình sáng kiến lập pháp lên Quốc hội, trong đó ở Quốc hội khóa IX có 1 đại biểu trình dự án luật; Quốc hội khóa XIII có đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến đã trình dự án Luật Bảo vệ quyền riêng tư, và đại biểu Nguyễn Minh Hồng trình dự án Luật Nhà văn.

Tư cách là một cử tri Sài Gòn, người viết gửi yêu cầu duy nhất đến đại biểu Quốc hội Đoàn TP.HCM Nguyễn Xuân Phúc: Tư cách là Chủ tịch nước với nguồn tài chính cá nhân dồi dào – bởi nếu kém tiền bạc thì làm sao báo chí đưa tin “Chủ tịch nước tặng thưởng 1 tỷ đồng cho đội tuyển Việt Nam” để biểu dương tinh thần của đội tuyển Việt Nam sau chiến thắng 4-0 trước Indonesia tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á – mong ông với tư cách là một đại biểu Quốc hội có thể dễ dàng trang trải tiền bạc cho bộ máy giúp việc, trong soạn thảo một dự án luật nào đó nhằm để khẳng định trách nhiệm của một nhà lập pháp Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch nước, đồng thời còn là Trưởng Ban Cải cách Tư pháp Trung ương.

Việc làm trên nếu thành sự thật của đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Phúc (thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM), sẽ là nhấn mạnh cho quyết tâm xây dựng Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Bởi việc nâng cao vai trò của đại biểu Quốc hội trong hoạt động lập pháp, cụ thể là giai đoạn sáng kiến lập pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng. Có như vậy, luật mới thực sự phản ánh ý chí của nhân dân, và được nhân dân đồng tình ủng hộ khi triển khai trong thực tế.


Tin bài liên quan:

VNTB – Khi điều luật hình sự 331 được ‘định hướng’

Phan Thanh Hung

VNTB – Học phí đại học ở trường công cũng cao chót vót

Trương Thế Tử

VNTB – Tranh chấp đất đai nội bộ tôn giáo: bằng phán quyết của tòa án, hay bằng quyết định hành chánh của chính quyền?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo