Việt Nam Thời Báo

VNTB- Quyền tự do công đoàn?

Hiền Lương

(VNTB) – Câu hỏi được đặt ra này tại buổi Tọa đàm “Những tác động của Bộ Luật Lao động mới đến doanh nghiệp và các giải pháp” do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại quận 2, TP.HCM, và đã không tìm được câu trả lời.

Theo phát biểu đề dẫn của ban tổ chức, VASEP thông qua buổi tọa đàm này, các diễn giả, chuyên gia sẽ cung cấp những điểm thay đổi của Bộ Luật Lao động 2019 và các ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các doanh nghiệp.

Diễn giả chính của buổi tọa đàm là bà tiến sĩ Đỗ Ngân Bình, phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật của trường đại học Luật Hà Nội, đã phân tích về 19 điểm mới của Bộ Luật Lao động 2019 có tác động nhiều tới doanh nghiệp.

Liên quan đến câu hỏi về quyền tự do công đoàn, theo diễn giả Đỗ Ngân Bình, thì theo thứ tự, có điểm thứ 10 và thứ 12 là hai nội dung liên quan, tuy nhiên không có các cụm từ pháp lý gọi là ‘quyền tự do công đoàn’.

Theo bà Đỗ Ngân Bình, điểm mới thứ 10, có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Điều 3, giải thích từ ngữ, cho biết có thể có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở gồm: i) Công đoàn cơ sở; ii) Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Quy định, bổ sung điểm mới tại Chương XIII: Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Điểm mới thứ 12 là thay đổi quy định về thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước tập thể khi có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Chương V đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể (mục 2,3) khi có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Không có các cụm từ vốn được kỳ vọng như “công đoàn độc lập”, “nghiệp đoàn độc lập”, và ngay cả thế nào là “quyền tự do công đoàn” cũng không nằm trong danh danh mục ‘giải thích từ ngữ’ của Bộ Luật lao động sửa đổi phiên bản 2019.

Trước khi phiên bản 2019 của Bộ Luật lao động được Quốc hội phê chuẩn, thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao nhiệm vụ đại diện cho các lợi ích của người lao động, là một ‘tổ chức công đoàn duy nhất và thống nhất tại Việt Nam’, được tạo thành từ 18 Công đoàn Quốc gia và Liên đoàn Lao động tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Còn cách hiểu về cái gọi là “Tổ chức của người sử dụng lao động”, thì có 2 pháp nhân được quy định: Một là, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  (VCCI), đóng vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp (tư nhân, nhà nước và các công ty nước ngoài), và là thành viên của Tổ chức Quốc tế của Người sử dụng Lao động (IOE). Hai là, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam  (VCA), một tổ chức của người sử dụng lao động khác trong đó có tới 17.000 thành viên hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ trên toàn quốc.

Nếu không gì thay đổi, thì các nội dung của điều luật trong Bộ Luật lao động phiên bản sửa đổi 2019, sẽ có hai loại hình về công đoàn: thứ nhất, vẫn là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam như lâu nay. Thứ hai, trong trường hợp các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, thì VCCI có thể sẽ thêm chức năng một ‘tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở’; và tương tự với các hợp tác xã, tổ sản xuất thì VCA sẽ đảm nhận thêm vị trí tương tự như Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Về pháp lý, băn khoăn ở đây là ‘tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở’ sẽ chịu những điều chỉnh về quyền lực của văn bản luật nào đây? Luật Công đoàn 2012 có quy định tại điều 1, “Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Nếu ‘tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở’ cũng được bảo hộ theo nghĩa về quyền lực chính trị như điều 1 của Luật Công đoàn, thì đúng chăng tổ chức này cũng được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam? Nếu điều đó xảy ra, sẽ đồng nghĩa với việc người lao động lại đối mặt với cung cách quản trị ‘Đảng cử – Đảng bầu’ như thường thấy trong hầu hết các tổ chức liên quan đến sự lãnh đạo của Đảng.

Nếu ‘tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở’ không chịu sự quản lý của hàng lang pháp luật từ Luật Công đoàn, thì sẽ chịu sự điều chỉnh ra sao của pháp luật chuyên ngành về quan hệ lao động?

Một số câu hỏi cụ thể hơn được đặt ra như: Chức năng của ‘tổ chức đại diện người lao động’ trong doanh nghiệp với chức năng đại diện cho người lao động của tổ chức Công đoàn theo quy định của Hiến pháp 2013 có gì khác nhau? Những yếu tố cơ bản bảo đảm cơ sở pháp lý cho tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở như: Nguyên tắc thành lập và hoạt động, nguồn lực hoạt động – nhất là vấn đề tài chính, mối quan hệ giữa tổ chức này với tổ chức công đoàn… như thế nào?

Tất cả các băn khoăn ban đầu đó đều không có được câu trả lời tính đến thời điểm hiện tại. Và theo một số cảnh báo, nếu ai đó tiếp tục bàn luận sâu vào vấn đề này sẽ dễ đưa đến vấn đề của đa nguyên – một cụm từ đang coi là rất nhạy cảm về chính trị trong hiện tình đất nước hiện nay.

Tin bài liên quan:

VNTB – Nếu mai đây có công đoàn độc lập…

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam vẫn chưa thể có các tổ chức công đoàn ‘ngoài quốc doanh’

Phan Thanh Hung

VNTB – Quyền tự ứng cử theo Hiến định và quyền ‘tranh cử’ trên thực tế

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo